Wednesday, October 1, 2014

Chống ngập cho TP.HCM có thể làm ngập vùng khác


Giải pháp khả thi nhất nhằm chống ngập nước cho TP.HCM là lắp đặt 12 hệ thống cống thoát nước chính, nhưng lại có thể gây tác hại ngược: làm ngập các vùng ven sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Nguy cơ chìm trong "biển nước"

Ngập lụt đã xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng cho TP.HCM. Cụ thể vào năm 2000, khi các hồ ở thượng nguồn xã tràn đã làm ngập trên 22.300 căn nhà, di dời hơn 2.200 và phải cứu trợ trên 1.460 hộ.

Chiều 6/3, các nhà khoa học đầu ngành đã đưa ra giải pháp trên trong cuộc hội thảo tìm kiếm giải pháp chống lại “giặc nước” cho TP.HCM.

Đứng đầu nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về vấn đề này trong suốt nhiều năm qua, GS Nguyễn Sinh Huy (Phân viện Địa lý tại TP.HCM) cho rằng tình trạng ngập úng tại thành phố trong nhiều năm nay là do mưa, triều cường, lũ…Đặc biệt, thủy triều cao trong điều kiện nước biển dâng là yếu tố bất lợi thường gặp nhất. “Lũ và triều vận động ngược chiều nhau. Triều là trở ngại chính cho việc thoát lũ, làm gia tăng ngập lụt”- GS Huy nói.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo rằng, nếu so sánh với hậu quả do cơn lũ lịch sử năm 2000 mang đến thì trong thời gian tới, hậu quả còn sẽ rất khủng khiếp. “Thiệt hại do cơn lũ năm 2000 chỉ bằng 1/6 so với hậu quả do cơn lũ tiên lượng sẽ xảy ra trong thời gian tới”.Theo thống kê của nhóm nghiên cứu, tình trạng ngập lụt đã gây ra nhiều hậu quả tai hại. Chỉ tính riêng cơn lũ lụt kinh hoàng xảy ra năm 2000 đã phá hủy hơn 40.200km bờ bao, 31km kênh mương, 254km đường nông thôn…
Nếu cơn lũ này xảy ra, toàn bộ vùng hạ du khu vực TP.HCM sẽ chìm trong biển nước và phải gánh chịu nhiều thiệt hại lớn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra dự báo rất đáng lo ngại. Theo đó, đến năm 2070 nước biển có thể nâng cao 0,9m so với hiện nay. Khi ấy, 0,5 triệu ha đất vùng đồng bằng sông Hồng và khoảng 1,5 đến 2,6 triệu ha đất đai của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập bởi thủy triều nếu không có đê bảo vệ.Dẫn chứng của một đại biểu tại buổi hội thảo cho thấy trong năm 2007 tuy mực nước triều chỉ dâng cao hơn 30cm so với các năm trước nhưng hệ thống giao thông, đặc biệt là tại các vùng trũng ở TP.HCM đã gần như tê liệt, người dân nhốn nháo, hoang mang.

Khả thi nhưng…

Bản quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP.HCM do nhóm nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu Khoa học Thủy lợi Nam Bộ, Viện Quy hoạch Thủy lợi Nam Bộ, ĐH Thủy lợi, Hội Thủy lợi TP.HCM và Công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi 2 thực hiện. Dự kiến, tổng mức kinh phí để thực hiện dự án chống ngập úng cho TP.HCM lên tới 7.200 tỷ đồng.

Nhóm nghiên cứu chống ngập tại TP.HCM đã đề xuất biện pháp kiểm soát lũ, kiểm soát triều để chống úng ngập cho toàn thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai.

Theo GS.TS Đào Xuân Học, giải pháp đưa ra hoàn toàn có tính khả thi. Trước mắt, ngay trong giai đoạn 1 của dự án, có thể xây dựng 6 tuyến cống lớn tại Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống dọc theo các trục đường giao thông.Giải pháp được đưa ra hướng đến mục đích hạ thấp mực nước triều và kiểm soát, hạn chế tối đa tác hại của lũ lụt và triều cường bằng cách lắp đặt 12 hệ thống cống ở khắp thành phố. Đồng thời tăng cường năng lực tiêu thoát cho hệ thống cống nội thành ở các quận vùng trũng như quận 6, 7 và 8... Ngoài ra, chú trọng hướng thoát nước cho các tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tham Lương - Bến Cát, Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Tàu Hủ - Bến Nghé.

"Hoàn thành hệ thống cống này, mực nước triều sẽ giảm xuống dưới 1m, thành phố sẽ không còn ngập do triều hay mưa. Đến khi quy hoạch được thực hiện, mực nước trên kênh rạch sẽ được kiểm soát, kể cả khi nước biển dâng"- GS.TS Học khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cảnh báo: Kiểm soát triều trong điều kiện nước biển dâng trong tương lai là một việc làm mới mẻ và khó vì thế công việc phải được tiến hành dần theo quá trình diễn biến của tự nhiên. Do vậy, cần xem xét những phản ứng của tự nhiên đối với những tác động của con người để có kế hoạch điều chỉnh hợp lý.

Tác hại khi TP.HCM cho lắp hệ thống có thể làm dâng mực nước gây ngập ở các vùng khác ven sông Đồng Nai - Sài Gòn từ 20 đến 25cm. Ngoài ra, việc xây dựng các cống thoát sẽ làm tích lũy ô nhiễm phía thượng lưu công trình. Ô nhiễm cũng lan tràn xuống hạ lưu do nước chảy một chiều. Do vậy, cần được lưu ý giải quyết vấn đề này để giảm thiểu tác động xấu

Tại buổi hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đề nghị UBND TP.HCM cho ý kiến chấp thuận để bộ này trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai thực hiện ngay đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP.HCM” trong năm 2009.

Trần Duy

No comments:

Post a Comment