Wednesday, October 1, 2014

MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG HƯỚNG QUY HOẠCH THỦY LỢI

TS Trần Đình Lương,
Phó Chủ Nhiệm Ban Tư Vấn Xây dựng- Đô thị, Hội Tư Vấn KHCN & QL TPHCM.


Ngày 15 tháng 11/2007 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ký Quyết định thành lập Tổ công tác Nghiên cứu đề xuất giải pháp chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh (gọi tắt: TNCCN) do G.S NGuyễn Sinh Huy(2) làm Tổ trưởng . Sau hơn ba tháng tập trung nghiên cứu TNCCN đã có Báo cáo Quy hoạch thủy lợi tìm giải pháp chống ngập lụt cho thành phố Hồ Chí Minh mà Báo cáo tóm tắt (BCTT) đã được đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng từ tháng 03/2008 .

Theo chúng tôi, trong một thời gian ngắn các thành viên thuộc TNCCN do GS Nguyễn Sinh Huy làm Tổ trưởng đã xây dựng được Đề án Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho thành phố Hồ Chí Minh với những nội dung chính trình bày trong BCTT và được đăng tải trên Báo Sài Gòn Giải Phóng là sự cố gắng lớn, bước đầu đáp ứng một phần những nguyện vọng và bức xúc của nhân dân và chính quyền thành phố về định hướng giải quyết tình trạng úng ngâp khu dân cư và đường phố trong mùa mưa .
Giải pháp chống ngập mà TNCCN đề xuất, được chú trọng đến những diễn biến của thủy triều và tác động của nó tới khả năng tiêu thoát của hệ thống kênh rạch và thoát lũ trên sông lớn, một yếu tố mà trong bản QHTNTT – JICA ít chú trọng - như nhận xét của Th.S Hồ Long Phi (1) .
Về tổ hợp mưa-triều bất lợi, theo Th.S Trương Văn Hiếu (3) : Thống kê trong thời kỳ dài ở thành phố HCM (1978 -1998) có 54,64 % những trận  mưa có lượng mưa > 40mm rơi vào thời kỳ triều cường (vào đầu và giữa tháng âm lịch, mực nước đỉnh triều xẩy ra từ 3 đến 5 ngày liên tục) , mưa thường rơi vào buổi chiều,đỉnh triều hàng ngày lệch pha khoảng 1 giờ so với đỉnh của ngày trước , đó là điều kiện làm cho sự đồng pha giữa đỉnh triều và mưa cường độ cao vào buổi chiều xẩy ra khá thường xuyên, là nguyên nhân gây  úng ngập cục bô thường xẩy ra. Nhưng trong Đề án này (BCTT) chưa thấy đề cập mô hình tổ hợp mưa-triều bất lợi trong tính toán .
Quy hoạch tiêu thoát nước mưa ở các khu đô thị thường phải bố trí những hồ điều hòa, còn gọi là hồ đệm (buffer lake), có dung tích đủ chứa tổng lượng nước mưa tràn mặt (theo tần suất thiết kế) của tiểu lưu vực do hồ này phải nhận trước khi tiêu ra kênh trục chính. Hà nội có các hồ đệm như: hồ Hoàn Kiếm, hồ Thuyền Quang, hồ Bảy Mẫu, Ba Mẫu, hồ Tây v.v…Thành phố Hồ Chí Minh trước đây trong kế hoạch chỉnh trang đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn (do người Pháp đề ra năm 1943) với tầm nhìn quy hoạch 60 năm, phát triển thành phố đến năm 2000 với quy mô hơn một triệu dân. Kế hoạch cũng đưa ra giải pháp phải đào một hồ lớn ở vị trí phía Tây đường Đinh Tiên Hoàng ngày nay để chứa nước mưa và lấy đất tôn cao nền xây dựng. Tuy nhiên Đề án này đã không được thực hiện. (theo Báo Nhân Dân, ngày 10/3/2008) .
Trong Đề án quy hoạch này chưa thấy bố trí hồ điều hòa mà chỉ giới thiệu các “hồ điều tiết”, bao gồm các kênh rạch ở phía Nam Sài Gòn và một số khu vực đất trũng không nên san lấp để có đủ dung tích dự phòng chứa lượng nước mưa rút từ trung tâm thành phố nhưng không tháo ra sông được trong thời gian triều cường. (trang 30 – BCTT). Như vậy chưa có khảo sát, đo đạc tính toán các dung tích phần kênh rạch, các khu đất trũng có thể thay thế các hồ điều hòa cần thiết .
Về Sơ đồ Quy hoạch hệ thống kiểm soát nước, chống ngập úng và cải thiện môi trường khu vực thành phố Hồ Chí Minh (Bảng 8 - trang 25 - BCTT). Chúng tôi thấy hệ thống đê và cống ngăn triều bao cả một phần đất rộng lớn của Tỉnh Long An (thuộc địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, là vùng nông nghiệp phát triển, đã có quy hoạch thủy lợi tưới tiêu hợp lý và được thực hiện gần hoàn chỉnh với mức bảo đảm (tần suất thiết kế) theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp, khác với tiêu chuẩn tiêu thoát nước đô thị. Nên chăng nghiên cứu tuyến đê bao trong, trừ lại phần đất này.
Theo KS Trần Hoàng (4): Để làm sớm nên giới hạn khu vực thành phố, chưa nên bao các vùng nông nghiệp của tỉnh Long An vì theo quy hoạch, Bộ NN&PTNT cùng Tỉnh đã xây dựng các cống ngăn mặn, gạn triều tiêu úng như: C. Rạch Chanh, C. Đồi Ma, C. Xóm Bồ, C. Bến Trễ phía sông Vàm Cỏ đông, C. Trị Yên, C. Nhà Ràm, C. Xóm Lũy, C. Ông Hiếu phía sông Cần Giuộc . Chưa nên tác động vào hai đầu cửa sông lớn: Bến Lức (Chợ Đệm) và Rạch Cát (Cần Giuộc) vì ảnh hưởng đến tuyến giao thông thủy huyết mạch cho thành phố HCM và cả đồng bằng sông Cửu Long .
Ý kiến của chúng tôi về Đề án Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh là cần được nghiên cứu bổ sung thêm một số vấn đề :
-  Cần nghiên cứu và lựa chọn những mô hình “mưa - triều đồng pha bất lợi” để đưa vào bài toán thủy lực tính tiêu thoát nước đô thị trong Báo cáo quy hoạch .
-  Cần đánh giá khả năng tiêu thoát nước mưa của hệ thống cống ngầm nội đô và các dự án thủy lợi trước đây để tận dụng dự án công trình đã có mà không mâu thuẩn với quy hoạch .
-  Cần khảo sát tính toán phần dung tích các kênh rạch và vùng trũng có thể sử dụng để tạm chứa nước mưa + nước thải sinh hoạt (sau xử lý) trong thời gian ngăn triều. Nếu thiếu cần bố trí thêm các hồ đệm (hồ điều hòa).
-  Về Sơ đồ Quy hoạch  hệ thống công trình  kiểm soát nước chống ngập úng khu vực bờ hữu sông  Sài Gòn- Nhà Bè (Bảng 9 – trang 29- BCTT). Chúng tôi đề xuất nên để ngỏ các cửa sông Chợ Đệm (ra sông Vàm Cỏ đông) và sông Cần Giuộc (ra sông Vàm Cỏ) ; Đưa tuyến đê bao trong vào phía bờ tả sông Cần Giuộc – Rạch Nước Lên; Đặt cống (có âu thuyền) trên sông Chợ Đệm ở vị trí  cắt qua đê bờ tả sông Cần Giuộc; Đặt cống (có âu thuyền) trên sông Bà Lào ở đoạn dưới đê bờ tả sông Cần Giuộc. Như vậy tuyến Kênh Tham Lương - Rạch Nước Lên – Sông Cần Giuộc sẽ trở thành Trục lấy nước để thau chua rửa mặn, làm sạch môi trường.

Với Bản Đề án Quy hoạch này TNCCN đã đưa ra được phương hướng đúng, nhưng chưa đủ để tìm giải pháp tối ưu chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh . Để lập bộ “Hồ sơ quy hoạch” đầy đủ cần bổ sung các quy hoạch chuyên đề như : Quy hoạch xây dựng ; Quy hoạch giao thông vận tải ; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội v.v… Do vậy ta nên gọi Đề án quy hoạch này là “ Báo cáo phương hướng quy hoạch thủy lợi nhằm tìm giải pháp chống úng ngập cho thành phố Hồ Chí Minh”, nếu được bổ sung các vấn đề đã nêu trên , theo chúng tôi đây sẽ là một hướng chủ đạo nhằm tìm ra giải pháp hợp lý chống úng ngập tại thành phố Hồ Chí Minh .

Nguồn tham khảo :

(1) – ThS Hồ Long Phi- Phó Ban Điều phối chống ngập Tp HCM (Tham luận Hội thảo khoa học)
(2) - GS Nguyễn Sinh Huy - Tổ trưởng TNCCN ( BCTT Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm     kiếm giải pháp chống ngập lụt cho thành phố Hồ Chí Minh )
(3) - ThS Trương Văn Hiếu – Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường Phía Nam ( Tham luận Hội thảo khoa học)
(4) - KS Trần Hoàng – Nguyên Trưởng phòng quy hoạch, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam.

No comments:

Post a Comment