Wednesday, October 1, 2014

Hội thảo góp ý “Quy hoạch thủy lợi tìm kiếm giải pháp chống ngập úng cho thành phố Hồ Chí Minh”


(ICARD - 27/3/08) - Ngày 26/3, đông đảo nhà khoa học chuyên ngành về thủy lợi đã đóng góp ý kiến cho đề án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập úng cho Thành phố (TP) Hồ Chí Minh” do Viện Kinh tế, Sở Giao thông Công chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã có 11 ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, sau khi giáo sư (GS) Nguyễn Sinh Huy, tổ trưởng tổ công tác nghiên cứu chống ngập TP Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt đề án này.
Giảng viên Hồ Long Phi, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đề án đã đưa ra một tầm nhìn tương đối tổng thể cho việc kiểm soát triều và lũ; giải pháp kiểm soát triều và lũ được đề xuất về căn bản là hợp lý và khả thi trong dài hạn; tuy nhiên, cần phải có thêm thời gian và kinh phí để tiếp tục nghiên cứu chi tiết về nhiều khía cạnh. Theo ông Phi, trước mắt cần phải tập trung dứt điểm các khu vực ngập triều cục bộ như Văn Thánh, Bình Quới, quận 6, 7, 8, 12, Thủ Đức... bằng các giải pháp trung hay ngắn hạn. Song song với các dự án kiểm soát triều cục bộ, việc hoàn thành các dự án ODA lớn trong vòng 3 đến 5 năm tới sẽ có thể làm giảm hơn 70% số vị trí ngập trên toàn thành phố. Điều cấp bách không kém là phải nghiên cứu và ban hành ngay quy chế phát triển đô thị mới theo hướng sinh thái, sao cho không còn phát sinh những điểm ngập mới trong thời gian chờ đợi một phương án kiểm soát triều tổng thể theo diễn biến của tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu.
Theo TS. Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, đây là đề án lớn, rất quan trọng lại thực hiện trong thời gian ngắn nên các khiếm khuyết là điều không thể tránh khỏi. Các dự án do TP. Hồ Chí Minh thực hiện như dự án vệ sinh môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Kênh Đôi – Kinh Tẻ, Tân Hóa – Lò Gốm đều còn đang ngổn ngang với bao khó khăn, trở ngại nên càng phải quan tâm đánh giá thực trạng để “lồng ghép” vào đề án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho thành phố, vì nó tương tác hỗ trợ lẫn nhau. Theo TS. Trường, nếu chỉ chú trọng đến giải pháp ngập do lũ và triều, như vậy đề án đã bỏ qua và không nghiên cứu giải pháp chống ngập do tác động của mưa. Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay, sau mỗi trận mưa chưa phải lớn đã gây ngập do các hệ thống kênh mương, cống bị thu hẹp làm hạn chế việc tiêu thoát nước. Do đó, đề án này cần được tiếp tục nghiên cứu, mở rộng trong một giải pháp tổng thể khai thác, sử dụng bền vững dòng chảy kiệt và lũ của hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động ảnh hưởng của mực nước biển dâng; đồng thời nghiên cứu đưa ra quy trình vận hành liên hồ thích hợp cho hệ thống các công trình thủy điện trên sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn để giảm sự gia tăng mực nước vào lúc đỉnh triều.
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông Công chính cho biết, việc giải quyết bài toán chống ngập úng cũng như kẹt xe trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần có giải pháp đồng bộ và thời gian, nhưng trước mắt phải có phương án giải quyết giảm ngập để nâng chất lượng cuộc sống của người dân thành phố nhưng không hạn chế đến tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển cảng biển. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã huy động lực lượng các nhà khoa học chuyên ngành xây dựng đề án chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh. Đề án rất cần sự đóng góp đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý để bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó lập dự án, tính toán kinh phí triển khai thực hiện.


(Theo TTXVN)

No comments:

Post a Comment