Diệp
Văn Sơn-Chuyên viên cao cấp,nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ.
Hiện là Chi hội trưởng Chi hội quản lý
hành chính-Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TPHCM HASCON
Nhiều
quốc gia người ta tính rằng, cứ 10 đến 15 năm muốn hay không muốn, nền công vụ
phải có những thay đổi. Thay đổi là một đòi hỏi khách quan. Thay đổi thường
xuất phát từ kỳ vọng của công chúng và do những biến động về kinh tế - chính
trị, vì thế nếu giữ mối quan hệ chặt chẽ thường xuyên với công chúng, Chính phủ
sẽ nhận thấy những dấu hiệu để dự báo những đòi hỏi của công chúng cần những
thay đổi. Người lãnh đạo công vụ tốt phải chấp nhận và biết đương đầu với những
thách thức của sự thay đổi. Để đương đầu với sự thay đổi có hiệu quả, trước hết
phải dự báo được sự thay đổi. Theo dự báo có 6 xu hướng thay đổi tác động đến sự điều hành của các chính phủ
đối với nền công vụ. Xu hướng chủ đạo thời đại bây giờ chuyển mạnh từ nhà nước
“cai trị” sang nhà nước “dịch vụ” hướng đến mục tiêu cung cấp mọi
dịch vụ ngày càng tốt cho nhân dân .Muốn điều hành tốt nền công vụ có nhiều
thay đổi, chính phủ phải thay đổi chức năng. Việc chuyển biến chức năng của
chính phủ và việc cải cách bộ máy chính phủ là hai mặt không thể tách rời nhau.
Xu hướng thứ nhất : Hoạt động của các cơ quan Chính
phủ như một doanh nghiệp.
Khi
tách chức năng quản lý của Chính phủ ra khỏi chức năng cung cấp dịch vụ, Chính
phủ chỉ còn nhiệm vụ chính là hoạch định chính sách, giám sát, khuyến khích
cạnh tranh lành mạnh, khống chế sự bóc lột, điều tiết giải quyết công bằng xã
hội. Chính phủ tiến tới đơn giản hóa thủ tục luật lệ, linh hoạt hơn trong việc
thiết kế và cung cấp các chương trình phục vụ công chúng với chi phí thấp, tăng
cường trách nhiệm. Chức năng cung cấp dịch vụ công chuyển giao cho các thành
phần khác tham gia đặt dưới sự giám sát kiểm tra, định hướng của Chính phủ.
Trong hoạt động của Chính phủ lấy tiêu chí hiệu suất và hiệu quả để đánh giá và
làm đích để đạt đến. Chính phủ dùng ngân sách đứng ra mời thầu cung cấp các
dịch vụ. Thậm chí ở nhiều nước, Chính phủ thuê các nhà kỷ trị, các chuyên gia
và các tổ chức làm công việc quản lý hành chính theo đường lối của những nhà chính trị (chính khách).
Xu hướng thứ hai : nhất thể hóa theo chiều
ngang
Xu hướng này chống lại xu hướng
đang tồn tại hiện nay là hành động riêng rẽ của các Bộ ngành trong Chính phủ.
Trong thực tế, có nhiều việc phải phối hợp nhiều cơ quan của Chính phủ. Hơn
nữa, các công việc này ngày càng phức tạp, đụng chạm nhiều lĩnh vực rất khác
nhau. Thí dụ việc bảo vệ môi trường, thực hiện chương trình Xóa đói giảm nghèo,
giải quyết các căn bệnh của thế kỷ ... Xuất phát từ xu hướng này, Chính phủ tổ
chức lại thành các Bộ liên ngành đa lĩnh
vực. Nhiều nước đã xuất hiện các Bộ trưởng không Bộ, không phải để
thay thế các Bộ trưởng khác khi vắng mà các vị này có văn phòng, có phụ tá, được
giao trách nhiệm xem xét các việc làm của các Bộ khác liên quan đến công việc
mà họ phụ trách. Hoặc xuất hiện chức danh Bộ trưởng điều phối làm nhiệm vụ
điều phối các chức năng thuộc nhiều Bộ để phục vụ cho một nhiệm vụ nào đó.
Xu hướng thứ ba : Xu hướng cải tiến các dịch vụ, hướng
dịch vụ vào công dân.
Cuộc
sống càng cải thiện thì nhu cầu của công dân đòi hỏi phải được cung cấp những
dịch vụ tốt nhất, vì thế Chính phủ phải luôn luôn cải tiến các dịch vụ và tạo
điều kiện thuận lợi để các tổ chức cung cấp cạnh tranh về chất lượng dịch vụ
theo chiều hướng có lợi cho khách hàng (công dân).
Muốn thực hiện được mục tiêu
trên, Chính phủ và các tổ chức cung cấp dịch vụ, trong thời đại công nghệ thông
tin bùng nổ, phải tổ chức các kênh thông tin thông suốt với khách hàng (công
dân) để chỉ đạo nhanh nhạy, để tiếp nhận những thông tin phản hồi giúp cho người
phục vụ có cơ sở điều chỉnh thường xuyên để nâng cao chất lượng dịch vụ. Điều
này xuất hiện khái niệm “Chính phủ điện tử”. Ngoài việc tổ
chức hệ thống thông tin, Chính phủ phải ban hành các cơ chế về tài chính thích
hợp hướng vào xu hướng ngày càng nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo môi trường
cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp dịch vụ. Chính phủ phải thiết kế các
kênh cung cấp dịch vụ theo quan điểm tạo thuận lợi cho người nhận dịch vụ thay
vì giành thuận lợi cho các cơ quan của Chính phủ.
Xu hướng thứ tư : Xu hướng ủy quyền và phân quyền
Những
nhu cầu của xã hội ngày càng đa dạng, phong phú và luôn thay đổi. Vì thế Chính
phủ trung ương khó nắm bắt và thường không đáp ứng kịp thời những nhu cầu của
người dân. Mặt khác trình độ của các cấp địa phương cơ sở ngày càng được nâng
cao, linh động chủ động hơn và được công dân giám sát chặt chẽ. Cho nên, các
cấp địa phương chính là cấp xử lý công việc và cung cấp dịch vụ hiệu quả và kịp
thời nhất. Đứng ở góc độ tài chính công xem xét, khi ủy quyền và phân quyền sẽ
giảm đáng kể chi phí. Không gì bằng làm cho người dân (người đóng thuế) được hưởng
dịch vụ kịp thời, chất lượng cao với chi phí thấp. Lúc đấy, chính quyền sẽ thật
sự gần dân, gắn bó với dân, vì dân.
Xu hướng thứ năm : phải luôn luôn thay đổi các quy
định theo chiều hướng giải phóng mọi tiềm lực của xã hội.
Các Quy định, Luật lệ dù thế
nào đi nữa theo thời gian sẽ trở thành lạc hậu, kìm hãm sự phát triển. Thậm chí
nhiều quy định có thể coi là chuẩn mực ở thời gian đầu, đến lúc nào đó theo
thời gian trở thành vật cản, làm thiêu chột các sáng kiến. Điều này cũng dễ
hiểu “Vì cây đời mãi mãi xanh tươi”.
Xu hướng đơn giản hóa các quy định, chú trọng nhiều hơn vào kết quả, khuyến
khích mọi thành phần luôn luôn cải tiến nhằm đóng góp năng lực nhiều hơn cho
cộng đồng.
Xu hướng thứ sáu : Xu hướng quan hệ đối tác, hợp
tác.
Chính
phủ của mỗi nước phải đương đầu với những vấn đề lớn lao, bao gồm y tế, an
toàn, môi trường, công ăn việc làm và sự cạnh tranh ... những vấn đề này đang
lôi cuốn các cơ quan chức năng tham gia và kể cả các thành phần khác cùng tham
gia. Vì thế các kế hoạch hữu hiệu để giải quyết các vấn đề trọng đại đòi hỏi
phải có sự đối tác và cộng tác tiến hành thường xuyên ở mọi phía mọi cấp độ
(cấp độ quốc gia, cấp độ vùng, cấp độ khu vực ...). Các vấn đề trên không phải
là vấn đề của riêng ai, cho nên hợp tác và xu thế đối tác là tất yếu nhằm để
động viên mọi nguồn lực, phát huy hết mọi thế mạnh của từng khu vực, từng thành
phần trong xã hội.
Các xu hướng này đang
làm thay đổi nền công vụ. Nền công vụ đặt trước trách nhiệm lớn hơn,
đáp ứng tốt hơn và rõ ràng hơn bắt đầu từ những quy định của Chính phủ. Có sự
cộng tác nhiều hơn nữa các cấp trong Chính phủ, tiếp cận các chương trình theo
phương pháp toàn diện hơn. Chính phủ thấy rằng, không thể và không nên đơn phương
làm mọi việc. Không có sự độc quyền trong khu vực công mà có sự chia sẻ cởi mở
hơn, chuyển hướng ưu tiên cho khách hàng (công dân), chuyển từ kiểm soát sang
hợp tác. Một Chính phủ thành công là Chính phủ biết đương đầu với sự thay đổi,
chấp nhận thay đổi và quản lý cho được sự thay đổi. Và trước hết đến lượt mình
chính phủ phải thay đổi chức năng, muốn thay đổi chức năng không có con đường
nào khác, chính phủ phải thay đổi bộ máy thay đổi tổ chức.
Khi
xác định chức năng chính là cầm lái, đòi hỏi chính phủ phải tổ chức gọn
nhẹ, linh hoạt vì không có lý gì bộ phận cầm lái nhiều hơn bộ phận bơi
chèo. Tức là theo nguyên tắc chính phủ nhỏ xã hội lớn.
Thực
trạng việc chuyển biến chức năng của chính phủ hiện nay đang đứng trước những
thách thức, những khó khăn, bất cập sau:
Một
là, hiện nay nước ta đang ở vào thời kỳ quá độ từ kinh tế kế hoạch sang kinh tế
thị trường. Trong thời kỳ quá độ này, chính phủ có hai vai trò song song. Một
mặt, trong thời kỳ đầu của kinh tế thị trường, chính phủ là người khởi động,
thúc đẩy, tổ chức nền kinh tế thị trường. Mặt khác, chính phủ phải giải quyết
những vấn đề do nền kinh tế kế hoạch để lại, phải gánh vác chức năng xã hội như
vấn đề bảo trợ xã hội. Điều đó đang làm cho việc chuyển biến chức năng chính
phủ trở nên khó khăn hơn.
Hai
là, việc chuyển biến chức năng chính phủ là điều kiện quan trọng để cải cách
thể chế kinh tế và phát triển kinh tế thị trường, đồng thời tiến trình cải cách
thể chế kinh tế và mức độ phát triển của kinh tế thị trường lại quyết định việc
chuyển biến chức năng chính phủ. Nếu không từng bước cải cách thể chế kinh tế,
không có cơ sở nhất định của kinh tế thị trường thì việc chuyển biến chức năng
chính phủ chỉ là nói suông. Quá trình đổi mới hơn 20 năm chứng tỏ, tốc độ cải
cách những mặt quan trọng của thể chế kinh tế như vấn đề quyền sở hữu, cải cách
doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp và quy định sự chuyển
biến chức năng của chính phủ. Nhưng ở nước ta, tốc độ phát triển của kinh tế
thị trường ở nhiều nơi còn rất thấp nên những vấn đề tồn tại về sự chuyển biến
chức năng chính phủ càng nhiều.
Ba
là, việc chuyển biến chức năng của chính phủ và việc cải cách bộ máy chính phủ
là hai mặt không tách rời nhau. Muốn cải cách bộ máy thì phải chuyển biến chức
năng. Nếu chức năng không chuyển biến thì các bộ máy đã bị giải thể sẽ phải
thành lập lại. Đồng thời, nếu chuyển biến chức năng thì phải cải cách bộ máy,
bởi vì “miếu” còn đó thì chức năng vốn có của nó không thể chuyển biến thật sự.
Nhưng trong quá trình cải cách thể chế hành chính trước kia, thường có hiện tượng
coi nhẹ mối quan hệ giữa hai mặt đó, chỉ chú ý cải cách bộ máy, ít chú ý chuyển
biến chức năng, bởi vì việc cải cách bộ máy có quy định cụ thể về số lượng còn
việc chuyển biến chức năng không có và không thể có quy định về số lượng.
Bốn
là, việc chuyển biến chức năng chính phủ có quan hệ mật thiết đến lợi ích của
những người trong cơ quan chính phủ. Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch, nhiều cơ
quan chủ quản về kinh tế có quyền hành rất lớn đối với các doanh nghiệp thuộc
sở hữu nhà nước. Họ sử dụng chức quyền của mình để can dự vào công việc kinh
doanh của doanh nghiệp, thậm chí mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của một
nhóm người. Việc chuyển biến chức năng chính phủ ảnh hưởng đến lợi ích của họ
nên họ không thích, thậm chí có những người dùng cách này, cách khác để ngăn
trở việc cải cách chức năng của chính phủ.
Năm
là, chính phủ là một bộ phận hợp thành quan trọng của bộ máy nhà nước. Việc quy
định chức năng chính phủ phải phù hợp với thể chế chính trị. Tình hình cải cách
thể chế lãnh đạo, chế độ nhân sự… cũng ảnh hưởng trực tiếp đến việc chuyển biến
chức năng chính phủ. Nhưng cải cách là một quá trình lâu dài, tiến dần từng bước,
không thể thực hiện xong trong một sớm một chiều. Thí dụ, việc dân chủ hoá, thể
chế hoá đời sống chính trị của đất nước, việc quy định phân cấp của trung ương
và địa phương đều cần được cải cách và những điều đó đều có ảnh hưởng rất lớn
đến việc chuyển biến chức năng của chính phủ.
Sáu
là, hoạt động quản lý chính phủ và hoạt động tự quản của các tổ chức xã hội có
mối quan hệ nương tựa lẫn nhau. Do đó, việc chuyển biến chức năng của chính phủ
phải tuỳ thuộc vào trình độ quản lý của các tổ chức xã hội. Số lượng, chất lượng
hoạt động quản lý của chính phủ không hoàn toàn tuỳ thuộc vào ý chí của chính
phủ mà trên một mức độ lớn, tuỳ thuộc ở chỗ xã hội dành cho chính phủ những
không gian và điều kiện như thế nào, tuỳ thuộc ở trình độ và năng lực tự quản
lý của xã hội. Hiện nay, trình độ tự quản lý của xã hội ở nước ta còn tương đối
thấp, thể chế bảo hiểm xã hội chưa được kiện toàn, tổ chức và cơ chế tự quản
của xã hội chưa được hoàn thiện, năng lực tự quản lý của xã hội còn hạn chế,
điều đó khiến cho chính phủ phải quản lý nhiều việc, ảnh hưởng đến việc chuyển
biến chức năng của chính phủ.
Bài
học từ lịch sử: Tổ chức chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà – Một mô hình
bộ máy chính phủ hiện đại.
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư
tưởng tổ chức một nhà nước pháp quyền kiểu mới, đặc biệt là tư tưởng tổ chức
một chính phủ theo mô hình chính phủ hiện đại là một di sản cần được nghiên cứu
một cách nghiêm túc để rút ra những bài học bổ ích cho việc xây dựng một chính
phủ phù hợp với xu thế cải cách hành chính.
Có lẽ
trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp xúc,
chiêm nghiệm nhiều mô hình chính phủ của nhiều nước. Người đã chắt lọc, tiếp
thu mặt tích cực hợp lý của việc tổ chức các chính phủ này để sau này khi cách
mạng thành công, giành độc lập, Người đứng ra thiết kế bộ máy chính phủ hợp lý,
một chính phủ hiện đại.
Sau
khi Tổng khởi nghĩa toàn quốc thắng lợi (19-25/8/1945). Ngày 25/8/1945 , Uỷ ban Dân tộc giải phóng
đã về Hà Nội. Theo đề nghị của Hồ Chủ tịch, Uỷ ban Dân tộc tự cải tổ thành
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.
Ngày 28/8/1945 , Chính phủ ra
Tuyên cáo và công bố danh sách Chính phủ.
Tuyên
cáo nêu rõ: “Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ công hoà thật là một
chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày
triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hoà chính thức”.
Chính
phủ lâm thời gồm 15 thành viên, 13 Bộ và 2 Bộ trưởng không giữ bộ nào.
Ngày 6/1/1946 , cuộc Tổng tuyển cử
bầu Quốc hội, sau đó ngày 2/3/1946 ,
Quốc hội đã họp kỳ họp thứ nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc báo cáo của Chính
phủ lâm thời trước Quốc hội. Quốc hội đã bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ
và giao cho Chủ tịch thành lập Chính phủ mới.
Hồ
Chủ tịch đã đệ trình trước Quốc hội cơ cấu và các thành viên của Chính phủ liên
hiệp kháng chiến gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 10 Bộ trưởng. Đây là chính phủ
hợp hiến đầu tiên. 10 Bộ gồm có: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Kinh tế, Bộ Tài
chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Xã hội – Y tế- Cứu tế và Lao động, Bộ Giáo dục, Bộ Tư
pháp, Bộ Giao thông công chính, Bộ Canh nông.
Xét
về mặt hình thức có thể nhận thấy mô hình Chính phủ Việt Nam dân chủ
cộng hoà rất gần với Chính phủ của các quốc gia phát triển ngày nay mà trong tư
tưởng chỉ đạo chúng ta đang hướng tới giảm Bộ, giảøm cơ quan thuộc Chính phủ,
tổ chức bộ liên ngành đa lĩnh vực. Trước kia trong nền kinh tế kế hoạch
tập trung, hễ có ngành sản xuất nào thì có bộ đó. Thí dụ: Bộ Cơ khí – Luyện
kim, Bộ Điện - Than, Bộ Công nghiệp nặng, Bộ Công nghiệp nhẹ, Bộ Nông nghiệp và
Công nghiệp thực phẩm… Khi chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa tách quản lý hành chính nhà nước ra khỏi hoạt động sản xuất kinh
doanh đòi hỏi phải tổ chức bộ liên ngành đa lĩnh vực. Thí dụ ta đã nhập 3 Bộ:
Thuỷ lợi, Lâm nghiệp, Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Tổng cục cao su
Việt Nam
thành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhập Bộ Điện – Than, Cơ khí –
Luyện kim, Công nghiệp nặng, Công nghiệp nhẹ, Tổng cục Hoá chất thành Bộ Công
nghiệp. Hiện nay các Bộ này hoạt động bình thường, có hiệu quả.
Trên
thế giới ngày nay chúng ta thấy nhiều Chính phủ của các nước phát triển tổ chức
không quá 15 Bộ. Vì vậy, nhiệm vụ đối với chính quyền địa phương do Chính phủ
quản lý, ngay từ những ngày đầu mới giành được độc lập, dù bận trăm công nghìn
việc, lo chống “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, Hồ Chủ tịch nhanh chóng
ban hành Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 về “Tổ chức chính quyền nhân dân ở
các địa phương” và ngay sau đó, ngày 21/12/1945 lại ban hành tiếp Sắc lệnh số
77/SL về “Tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố”. Rõ ràng là
dù Chính phủ lâm thời còn rất non trẻ, nhưng dưới sự lãnh đạo và điều hành trực
tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã phân biệt rõ sự khác nhau của việc tổ
chức quản lý địa bàn nông thôn so với địa bàn đô thị. Ở địa bàn nông thôn, do
xác định cấp huyện là cấp trung gian giữa tỉnh và xã cho nên không thiết kế Hội
đồng nhân dân huyện, chỉ có uỷ ban hành chính huyện.
Trên
địa bàn đô thị, Sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945 của Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh
lãnh đạo chỉ thiết kế “ở mỗi thành phố đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân
thành phố, Uỷ ban hành chính thành phố và Uỷ ban hành chính khu phố” (Điều 3).
Như vậy là ở thành phố theo Sắc lệnh 77/SL có hai cấp và Hội đồng nhân dân chỉ
có ở cấp thành phố. Phải chăng đây là tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng
chính quyền nhân dân: lấy hiệu quả làm mục tiêu, gọn nhẹ theo đúng khoa học về
tổ chức và đỡ tốn tiền của dân, có hiệu lực để phục vụ tốt cho dân. Mô hình tổ
chức đô thị hai cấp chính quyền theo Sắc lệnh 77/SL giống như tổ chức quản lý
đô thị của các thành phố như Pa-ri, Tô-ky-ô…
Sở dĩ
có sự phân biệt này là do xuất phát từ những đặc điểm khác nhau khá rõ nét giữa
địa bàn đô thị và nông thôn. Điều đáng nói là cho đến nay chưa có những kết
luận cần thiết về vấn đề này.
Thực
trạng quản lý đô thị ngày nay còn những bất cập, lôn xộn có lẽ vì thiết kế bộ
máy quản lý đô thị không khác gì bộ máy quản lý nông thôn.
Học
tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền, tổ chức
hoạt động của Chính phủ không nên chỉ nói những vấn đề lý luận chung chung mà
phải nghiên cứu những việc Bác đã làm, những mô hình Bác tự tay thiết kế chúng
ta mới mong rút ra những bài học bổ ích trong việc xây dựng tổ chức lại chính
phủ hoạt động hiệu lực, hiệu quả. /.
Tài liệu tham khảo:
S.Chiavo-Campo
và P.S.A.Sundaram.
Cải
thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh.
Ngân
hàng phát triển châu Á ADB.
No comments:
Post a Comment