Sinh ra vốn là đứa trẻ lành lặn trong một gia đình có hai anh em ở tỉnh Long An. 19 tháng tuổi, trong lúc đang cầm ly sữa bằng thủy tinh đứng trên giường thì Vinh ngã xuống đất, bị mảnh vỡ găm vào mắt và vĩnh viễn cướp đi ánh sáng của cậu bé.
Khác với những người bị khiếm khuyết về cơ thể, ngay từ lần đầu gặp gỡ, nhiều người dễ dàng cảm nhận được tinh thần lạc quan, cởi mở của chàng sinh viên khiếm thị năm nhất ĐH RMIT. Hiện, Vinh theo học ngành truyền thông. Dù mới nhập học hơn một tháng nhưng cậu cho biết đã khá quen với môi trường mới.
"Phải đến lúc 6 tuổi em mới cảm nhận được hết khiếm khuyết của cơ thể mình khi không còn đôi mắt", Vinh nói về thời điểm phải một mình lên TP HCM học nội trú ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu theo đúng tuổi đi học.
Vinh phát biểu trong buổi lễ trao học bổng tại trường ĐH RMIT. Ảnh: Nguyễn Loan.
|
"Đó có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất của em khi lần đầu tiên xa cha mẹ, phải tự làm lấy mọi việc sinh hoạt cá nhân từ giặt quần áo, rửa chén bát và học tập. Phải mất 3-4 tháng em mới làm quen được với những sinh hoạt của trường. Em đã khóc rất nhiều", Vinh kể.
Nam viên cũng cho rằng chính vì phải xa nhà trọ học từ nhỏ nên cậu đã rèn luyện được tính tự lập. Song, nỗi nhớ nhà thì vẫn luôn thường trực trong lòng đứa trẻ 6 tuổi.
"Lúc nhỏ cứ cuối tuần là ba mẹ em lên đón. Lên cấp 3 em có thể tự đi xe buýt nên những lúc được nghỉ học em lại bắt xe về thăm gia đình. Từ khi cha mẹ ly hôn và đều có gia đình mới, nhiều khi nhớ nhà em cũng không biết phải về đâu", Vinh nhỏ giọng, nói.
Với tâm niệm không để mình thua thiệt so với bạn bè, toàn bộ thời gian Vinh dành hết cho việc học. Cậu bé khiếm thị có niềm đam mê đặc biệt với tiếng Anh từ khi còn bé nên luôn tranh thủ nghe những bài nhạc hay chương trình radio bằng tiếng nước ngoài. Thế nên dù không biết mặt chữ nhưng năm lớp 2 Vinh đã phát âm khá chuẩn ngôn ngữ này.
Đây được cho là lý do Vinh lọt vào "mắt xanh" của một giáo viên nước ngoài đến từ Tổ chức từ thiện Loreto khi về trường Nguyễn Đình Chiểu dạy. Cậu được thầy kèm cặp và tiến bộ từng ngày nên vài năm sau đã có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh.
Cũng từ năm lớp 3, khi nhận thấy cậu học trò đặc biệt này học tốt tất cả các môn, trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đã để cho cậu bé chuyển qua trường tiểu học gần đó để học theo chương trình hòa nhập. Thêm một lần nữa Vinh lại bị "sốc" trước môi trường mới khi phải học cùng với các bạn bình thường khác.
"Nhiều lúc bị bạn bè chọc ghẹo, hay trời mưa gió phải một mình đi bộ tới trường em chỉ ước mình có thể nghỉ học. Nhưng rồi nhiều khi ốm không được tới trường, không được gặp bạn bè em mới nhận ra khao khát được học lên, được sống có ý nghĩa của mình", Vinh tâm sự.
Vinh (thứ 2 từ phải qua) là sinh viên khiếm thị duy nhất giành được
học bổng toàn phần năm nay của ĐH RMIT. Ảnh: Nguyễn Loan.
|
Khi học hết cấp 3, giấc mơ vào đại học của Vinh bị nhiều trường từ chối vì sợ cậu không theo kịp chương trình. Không nản lòng, Vinh tìm về trường ĐH Tân Tạo (Long An) gần nhà để nộp đơn xin học nhưng cậu tiếp tục bị từ chối. Để thuyết phục được trường, chàng trai khiếm thị phải tự mình viết thư trình bày nguyện vọng và gặp trực tiếp Phó hiệu trưởng. Nhận thấy nghị lực và khả năng của Vinh, ĐH Tân Tạo lần đầu tiên chấp nhận một sinh viên khiếm thị vào trường.
Sau hai năm theo học, khi biết ĐH RMIT có học bổng cho sinh viên khiếm thị, Vinh gửi hồ sơ, ôn tập bài vở với hy vọng được học trong trường ĐH quốc tế này. Với khả năng tiếng Anh lưu loát, nghị lực của bản thân và sự tự tin, Vinh đã vượt qua phần phỏng vấn khảo sát của trường để trở thành sinh viên khiếm thị duy nhất nhận học bổng 100% của RMIT, tương đương 700 triệu đồng.
"Em chọn ngành truyền thông để có thể khẳng định mình là một người có thể học và làm việc như những người bình thường khác", Vinh nói và cho biết sau khi thi khảo sát đã được vào học ở lớp L7 - lớp tiếng Anh có trình độ cao nhất của RMIT.
Dù giành được học bổng toàn phần, song chàng sinh viên khiếm thị vẫn năng nổ kiếm thêm việc làm bên ngoài. Vinh khoe vừa được vào làm phục vụ bàn ở một quán ăn, mặc dù khá xa trường học nhưng cứ 14h cậu lại bắt xe buýt đi làm, đến 22h thì thuê xe ôm về. "Tiền lương không cao, phải dành hơn một nửa đi xe nhưng em vẫn thích đi làm để học thêm kinh nghiệm làm việc và khả năng giao tiếp với mọi người", Vinh cười tươi.
Nói về cậu sinh viên đặc biệt này, bà Carol Witney - Trưởng phòng hỗ trợ người khuyết tật ĐH RMIT - cho biết, Vinh rất có nghị lực và biết rõ mục đích cũng như định hướng tương lai của mình. Hoàn toàn khác với nhiều người khuyết tật, Vinh rất tự tin vào bản thân và sống cởi mở chứ không khép mình.
"Chúng tôi hy vọng với suất học bổng này Vinh có thể tự tin khẳng định bản thân, sống có ích và tìm được một công việc tốt sau này", bà Carol Witney chia sẻ.
Nguyễn Loan
No comments:
Post a Comment