Nguyễn Huỳnh Nhật Dương (hàng đầu, thứ hai từ trái qua), thủ khoa Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2011 vẫn là sinh viên học giỏi nhất khóa - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại CLB gia sư thủ khoa Hà Nội, hằng năm có hàng chục thủ khoa ở các trường ĐH lớn đến làm thêm để trang trải cho việc học tập của mình. Anh Đinh Quang Cường, Chủ tịch câu lạc bộ cho biết: “Trong số hơn 20 thủ khoa đang làm việc ở đây thì có tới hơn 90% xuất thân từ nông thôn. Hầu hết những bạn này trong quá trình học tập cũng như vào đời đều thành công”. Anh Cường cũng cho biết câu lạc bộ hoạt động được 5 năm và anh thường xuyên đến các trường THPT để chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết học tập để trở thành thủ khoa. Anh nhận thấy HS ở các vùng nông thôn có ý chí hơn các học sinh thành thị: “Nhiều gia đình có điều kiện còn thuê cả gia sư là giáo sư đến dạy cho con mình. Tuy nhiên vẫn không nhiều học sinh thành thị có thành tích cao trong học tập vì các em không có ý chí”.
Đạt thành tích cao
Phan Nguyên Vũ là thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM năm 2010 với 28 điểm. Đến khi tốt nghiệp, Vũ đạt điểm trung bình chung tích lũy 4 năm học đạt 8,9. Phạm Thị Khánh Vân, thủ khoa Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM năm 2009 cũng chính là người đứng đầu của trường 4 năm sau đó.
Đang học năm cuối ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM, thủ khoa năm 2009 Bùi Thị Song Hạnh chia sẻ: “Để có thể học tốt ở bậc ĐH, thủ khoa cần thay đổi cách học phù hợp so với bậc phổ thông. Quan trọng hơn, việc chuyên tâm mới quyết định kết quả học tập”. Nguyễn Huỳnh Nhật Dương là thủ khoa Trường ĐH Nông lâm TP.HCM năm 2011. Đến nay Dương vẫn giữ được phong độ học tập, là một trong những sinh viên giỏi nhất khóa.
Bùi Quang Hùng từng là thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và á khoa Trường ĐH Luật TP.HCM, đồng thời đậu ĐH Bách khoa TP.HCM với 27 điểm. Sau 4 năm học tập tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Hùng là một trong 3 người có thành tích học tập xuất sắc nhất khóa. Sau khi tốt nghiệp, Hùng được giữ lại trường, tiếp tục học tập cao lên và hiện là Trưởng phòng Tài chính kế toán của trường. Nói về bí quyết học tốt ở bậc ĐH, Hùng cho rằng ban đầu khi xa gia đình, đến thành phố lớn sẽ có nhiều ngỡ ngàng, thậm chí bị sốc. Nhưng thường phần lớn những thủ khoa là người có phương pháp học tập tốt và phương pháp tiếp cận, xử lý vấn đề nhanh nên sẽ vượt qua và thích nghi. “Sau khi thi đậu, mình đặt ra mục tiêu mới là phải giỏi tiếng Anh và phải giữ được thành tích học tập. Mình luôn xác định học tập vẫn là quan trọng nhất”, Hùng cho biết.
Tiến sĩ Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ đa số những thủ khoa của trường đều giữ được kết quả học tập tốt, trong đó có ít nhất 2 người là thủ khoa cả đầu vào lẫn đầu ra. “Vì các em có sẵn tố chất nên dù có những ngỡ ngàng, khó khăn do thay đổi môi trường sống thì các em vẫn hòa nhập rất nhanh. Hiếm có em nào bị sa sút đến mức khó chấp nhận. Chỉ trừ những trường hợp có cú sốc nào đó hoặc hoàn cảnh đặc biệt, hoặc vì tự mãn...”, ông Hoàng nhìn nhận.
Xác định mục tiêu rõ ràng
Nguyễn Thị Thùy Dung được nhiều sinh viên biết đến như một “ngôi sao” về thành tích học tập vì cô là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra Trường ĐH Ngoại thương (Hà Nội). Thùy Dung xuất thân từ một vùng quê nghèo xã Nhật Tân, H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Với niềm đam mê học tiếng Anh, cô cũng giành được những thành tích đáng nể trong môn này, nhận được nhiều học bổng. Dung tốt nghiệp xuất sắc với điểm trung bình tích lũy tín chỉ 3,72/4.
Chia sẻ về những thành công này, Thùy Dung cho biết: “Vì có mục tiêu rõ ràng nên mình tìm phương pháp học phù hợp và hiệu quả nhất với bản thân”.
Ở một tỉnh miền núi, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng với quyết tâm học tập để thoát nghèo, Nguyễn Chí Long đã trở thành thủ khoa Trường ĐH Y Thái Nguyên và á khoa Trường ĐH Ngoại thương năm 2009. Long đã tốt nghiệp loại giỏi Trường ĐH Ngoại thương. Long cho biết: “Khi đã trở thành thủ khoa của một trường ĐH, tôi luôn ý thức bản thân mình không được tự mãn vì những gì mình đạt được, luôn coi mình là một người bình thường như bao người khác, dám nghĩ, dám làm và làm được”. Hiện anh đang làm việc cho một công ty nước ngoài với mong ước sau này sẽ là một doanh nhân thành đạt để trở thành trụ cột cho gia đình, giúp bố mẹ có cuộc sống tốt hơn.
Biện Thành Trí, điểm cao nhất Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2009 đã tốt nghiệp vào tháng 7.2013 với điểm tích lũy trung bình chung 8,58. Chia sẻ về việc giữ vững phong độ học tập, Trí tâm sự: “Quan trọng nhất của việc học là đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn đề ra ngay từ đầu. Trong đó, mục tiêu ngắn hạn là học tốt để có học bổng trang trải học phí, mục tiêu dài hạn là có thể tìm được công việc tốt sau khi ra trường”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với Trí chính là ngoại ngữ. “Do không được học sớm từ bậc phổ thông nên dù tốt nghiệp ra trường mình vẫn phải dành thêm 6 tháng để tiếp tục học tiếng Anh đến khi đủ trình độ đọc viết thông thạo đáp ứng cho công việc của một kỹ sư kỹ thuật”, Trí nói thêm.
Ý kiến
Quyết chí thoát khỏi cảnh nghèo
Do bị khiếm thị nên tôi nghĩ mình phải không ngừng nỗ lực để chứng tỏ khả năng bản thân và để người khác không nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại. Mặt khác, gia đình tôi, cha mẹ tôi (ở H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là những nông dân chính gốc. Hằng ngày đối diện với cảnh cha mẹ mình ra đồng với con trâu, cái cày lam lũ, nên tôi càng quyết chí thoát khỏi cảnh nghèo. Khi tôi đạt được kết quả cao, chẳng hạn đậu thủ khoa đầu vào và đầu ra, đó là một cách để tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã âm thầm giúp đỡ tôi.
Nhạc sĩ, ca sĩ trẻ HÀ CHƯƠNG (thủ khoa đầu vào và đầu ra Học viện Âm nhạc quốc gia VN)
Nhà càng nghèo, càng có động lực
Việc trở thành thủ khoa của một trường ĐH không phụ thuộc vào hoàn cảnh gia đình giàu hay nghèo. Quan trọng nhất là bạn phải có năng lực và học giỏi. Điều quan trọng thứ hai là môi trường học tập tốt, như trường học và gia đình. Thầy giỏi sẽ có trò giỏi. Và bố mẹ dù nghèo nhưng nếu biết quan tâm, động viên, khuyến khích con học hành, tạo động lực cho con thì con sẽ luôn nỗ lực. Mình nghĩ nhà càng nghèo, càng có động lực học tập để thay đổi cuộc sống.
BÙI QUANG HÙNG (thủ khoa ĐH Kinh tế TP.HCM năm 1996)
Thành công bằng việc học là động lực của học trò nghèo
Thành công bằng việc học là động lực của học trò nghèo, trước hết là giúp bản thân đỡ vất vả, sau là giúp gia đình, đó là lý do chúng ta có nhiều thủ khoa xuất thân từ nông thôn. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi truyền đạt lại và luôn nhắc 6 người em của tôi rằng nên bám sát sách giáo khoa. Học thật chắc và kỹ. Các em nghe lời và đều đỗ đại học năm đầu tiên với điểm số cao. Vì lẽ đó, tôi nghĩ học chắc, kỹ và bám sát chương trình phổ thông là đã trang bị được cơ bản cho kỳ thi ĐH.
ĐÀO THỊ HẰNG (thủ khoa ĐH Nông Lâm Huế năm 2004)
“Con nhà nông sướng, ít bị học thêm”
Thực ra thủ khoa đến từ mọi thành phần. Học sinh ở thành thị học thêm nhiều, nhưng học thêm nhiều thì có khi còn dốt đi ấy chứ. Do đó phải nói là: con nhà nông sướng, ít bị học thêm. Tôi không thấy khác biệt lớn giữa học sinh ở miền quê và thành thị về công nghệ. Điều khó khăn nhất của các em có lẽ là điều kiện tài chính thôi. Bây giờ có internet, các em học sinh ở nông thôn không đến nỗi thiếu thông tin, có thể lấy đề thi thử, học qua mạng, trao đổi qua mạng, cho nên cũng không mấy thiệt thòi. Nếu các em ấy còn chủ động thì chắc sẽ còn giỏi hơn các bạn thành phố và đạt thủ khoa là điều bình thường.
Tiến sĩ TRẦN NAM DŨNG (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM)
NHƯ LỊCH - MỸ QUYÊN - NHẬT HẠ (ghi)
|
Vũ Thơ - Hà Ánh - Mỹ Quyên
No comments:
Post a Comment