Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (25-12), ông Nguyễn Ngọc Công, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực cùng tham gia dự án này theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Ông Công cho biết tuyến đê bao ven bờ hữu sông Sài Gòn có cao trình 2,5 mét so với mặt nước biển. Tuyến đê bao này kết hợp với 3 cống ngăn triều vận hành gồm cống Tân Thuận, Bến Nghé, Phú Xuân thì sẽ giúp giảm ngập úng do triều căn cơ cho 7 quận nội thành TPHCM.
Theo ông Công, hiện nay có hai nhà đầu tư quan tâm đến dự án này, một đơn vị trong nước và một doanh nghiệp của Đức. Các nhà đầu tư nói trên đề xuất phương án nhà đầu tư sẽ bỏ tiền xây tuyến đê, đổi lại nhà đầu tư được sử dụng một số đoạn đê bao làm nơi neo đậu tàu thuyền, ca nô có thu phí, làm cảng, sử dụng diện tích đất bên trong tuyến đê làm du lịch sinh thái ven sông.
Ông Công cho biết thêm một số khu vực đoạn bờ hữu ven sông Sài Gòn đang có sẵn các đoạn cảng hiện đang hoạt động sẽ được tận dụng mặt cảng làm đê bao, không cần xây đê nữa.
“Trong tuần tới, trung tâm chống ngập sẽ tiếp tục làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore để trình bày, kêu gọi đầu tư vào dự án tuyến đê này. Các nhà đầu tư Singapore rất có thế mạnh về xây dựng đê và cảng biển”, ông Công cho biết thêm.
Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu TPHCM, cho biết dự án tuyến đê 12.000 tỉ đồng này chỉ có thể giúp giải quyết ngập do triều, nước tấn công từ bên ngoài, còn bên trong vẫn chưa giải quyết triệt để được.
Ông Phi cho biết hiện nay hệ thống cống thoát nước các quận nội thành đang còn thiếu gần 4.000 km nên mưa lớn là ngập. Ví dụ trận mưa mấy hôm trước khu vực đường Đồng Đen (Tân Bình) bị ngập nặng do mưa bởi hệ thống thoát nước bị yếu, quả tải.
Do vậy, theo ông Phi, cần hoàn thiện các giải pháp chống ngập cả bên ngoài (ngập do triều) lẫn bên trong (ngập do mưa) gồm các loại công trình như đê bao, cống ngăn triều, cải tạo cống thoát nước nội thành, xây hồ điều tiết nước mưa … Nếu không, việc chống ngập cho TPHCM sẽ kém bền vững.
Theo ông Nguyễn Ngọc Công của Trung tâm chống ngập, dự án tuyến đê 12.000 tỉ đồng này là một phần trong dự án quy hoạch thủy lợi chống ngập cho TPHCM (dự án 1547) được Chính phủ phê duyệt năm 2008 với tổng vốn ban đầu khoảng 11.000 tỉ đồng đến nay đã tăng lên 57.800 tỉ đồng.
Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành của dự án 1547 chỉ gồm 31/149 km đê bao ven sông Sài Gòn, 1/9 cống ngăn triều lớn. Tuyến đê bao đã xây dựng chủ yếu ven bờ tả sông Sài Gòn và cống ngăn triều lớn Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Văn Nam
No comments:
Post a Comment