Sunday, September 14, 2014

TS Nguyễn Bách Phúc: 'Nếu không ngắt điện, tất cả nhà máy điện miền Nam sẽ hỏng'

Báo VnExpress, ngày 23/05/2013, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/thi-truong/neu-khong-ngat-dien-tat-ca-nha-may-dien-mien-nam-se-hong-2759070.html,   "Việc xe cẩu chở cây làm chập đường dây điện 500 kV là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng đối với sự ổn định của Hệ thống điện. Nếu không ngắt điện, toàn bộ Nhà máy phát điện của Hệ thống điện miền Nam sẽ bị hỏng", TS Nguyễn Bách Phúc cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM cho biết, tất cả nhà máy điện làm việc chung trong cùng một Hệ thống điện phải luôn luôn “đồng bộ” với nhau, không thể tách rời. "Sự cố cần cầu chở cây gây chập mạch vào chiều qua trên đường dây cao áp 500 kV gây cháy một đoạn dây nghe qua tưởng nhỏ nhưng đây là một sự cố cực kỳ nghiêm trọng và là chuyện tối kị đối với yêu cầu ổn định của Hệ thống điện. Hậu quả là đã làm "tan rã" cả Hệ thống điện", ông Phúc cho biết.
Tại thời điểm xe cẩu chở cây vướng dây điện, tất cả nhà máy điện, các trạm biến thế nằm trong Hệ thống điện, dù xa hay gần nơi xảy ra sự cố, đều chưa bị hỏng hóc gì, và vẫn có thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, hiện tượng mất đồng bộ sẽ nhanh chóng phá hoại Hệ thống, trước hết là hủy hoại các Nhà máy phát điện. Để đảm bảo an toàn, hệ thống tự động sẽ tự ngắt các Nhà máy điện có nguy cơ bị hủy hoại ra khỏi Hệ thống chung.

"Hệ thống điều khiển này là hoàn toàn tự động, con người không thể và không kịp can thiệp, thông thường trong vòng khoảng 0,2 giây sau khi xảy ra sự cố, tất cả Nhà máy điện sẽ tự động tách ra khỏi Hệ thống điện, người ta thường gọi đó là tình trạng tan rã Hệ thống điện", ông Phúc giải thích.

xe-cau-1-1369217837-1369298386_500x0.jpg
Chiếc xe cầu trồng cây gây nên vụ mất điện toàn miền Nam chiều 22/5. Ảnh:Nguyệt Triều.
Theo ông Phúc, nếu không có hệ thống ngắt tự động này, hậu quả là khôn lường, tất cả các máy phát điện sẽ bị hỏng hết. Hệ thống điện hoạt động theo nguyên tắc Năng lượng phát ra của tất cả các máy phát điện phải luôn luôn bằng Năng lượng tiêu thụ của tất cả các Hộ tiêu thụ điện. Hay nói cách khác tổng lượng điện phát ra phải bằng với tổng lượng tiêu thụ. Đây là công việc bắt buộc phải thực hiện thường xuyên, từng phút từng giờ của toàn bộ Hệ thống điện.
"Chiều qua, tại thời điểm xảy ra sự cố chập đường dây điện 500 kV, các Nhà máy điện của Hệ thống miền Nam vẫn phát điện bình thường, Công suất phát ra khoảng trên dưới 10.000 MW, trong khi Hệ thống tiêu thụ đột ngột ngựng tiếp nhận Năng lượng, Công suất tiêu thụ đột ngột giảm xuống, gần như bằng 0. Nếu không lập tức tách các Nhà máy phát điện ra khỏi Hệ thống, và lập tức ngưng chạy các Nhà máy phát điện, thì Năng lượng điện khổng lồ phát ra sẽ chạy đi đâu? Khi đó các máy phát điện sẽ quay lồng lên dữ dội, sẽ bị cháy, và tất cả các nhà máy phát điện có thể bị tự phá hủy hoàn toàn, tất cả các nhà máy điện nằm trong Hệ thống điện ở Miền Nam này sẽ cùng chung số phận” - ông Phúc nói.
Ông Phúc cho rằng sự cố xe cẩu chiều qua là một sự cố hy hữu, rất ít khi xảy ra. Phải có lực tác động mạnh thì mới có thể dồn 2 sợi dây điện cách nhau khoảng 10 mét chập vào nhau. Những trường hợp như thả diều, ném đá thì không thể gây chập đường dây điện cao áp được. Còn nếu người ta cố ý gây ra thì chịu thua, không thể có đủ tiền để xây dựng Hệ thống bảo vệ cho lưới điện dài hàng nghìn cây số. Chính phủ cũng đã có quy định rất cụ thể về khoảng cách để bảo đảm an toàn hành lang lưới điện.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, sự cố điện tương tự, gây cúp điện trên diện rộng như chiều qua cũng đã từng xảy ra ở nhiều nước. Vào năm 1963, một sự cố đã làm rã Hệ thống điện, gây cúp điện hoàn toàn 1/3 nước Mỹ, và phải mất đến 13 giờ mới được khôi phục, do hệ thống rất lớn. Tại Pháp vào thập niên 70, có một lần khoảng 80% diện tích nước Pháp bị mất điện hoàn toàn. Liên Xô trước đây cũng có một lần bị cúp điện hoàn toàn một tỉnh (diện tích lớn hơn cả nước Pháp). Riêng tại Việt Nam, ở Sài Gòn trước đây chừng mươi năm cũng đã từng gặp sự cố này nhưng khu vực chịu ảnh hưởng chi trong phạm vi Sài Gòn và vài tỉnh xung quanh chứ không lớn như sự cố ngày hôm qua, mất điện 22 tỉnh miền Nam.Phúc giải thích.

dien6-1-1369298387_500x0.jpg
Đây là Trạm biến thế Tân Định, tỉnh Bình Dương, gần nơi xảy ra sự cố. Ảnh: Nguyệt Triều
Hữu Công - Duy Khang


No comments:

Post a Comment