Thursday, September 18, 2014

Nước Ka, khu làng cấm kỵ

Làng nằm dưới chân núi Pư Mưng (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam). Đó là nơi sinh sống của hai tộc người Mơ Nông và Ca Dong. Nếu người Ca Dong ngày càng gần gũi với thế giới hiện đại thì người Mơ Nông vẫn chìm sâu trong những hủ tục truyền đời.


32.Hinh_1
Nắng như nung. Con đường từ trung tâm huyện Bắc Trà My vào làng Nước Ka ngập trong khói bụi của các công trình thủy điện. Bên kia cây cầu bắc qua suối lớn đầu làng Nước Ka là một thế giới im ắng, hoang vu. Phần đất của người Mơ Nông ở làng Nước Ka nằm trên một đỉnh đồi. Đất của người Ca Dong cách đó một con suối. Đường vào làng bị nước chảy làm xói sâu thành những rãnh thông hào đến vai người.

Nghiệt ngã

Đói nghèo và lạc hậu
Ông Nguyễn Thanh Hưng - phó chủ tịch xã Trà Bui - thừa nhận: “Hủ tục đang kìm hãm sự phát triển cuộc sống người dân tại đây. Xã đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhưng đâu vẫn nguyên đấy!”.
Làng có 88 hộ dân, trên 450 nhân khẩu, hầu hết đều thuộc diện đói nghèo. Cả làng không có người học hết trung học phổ thông, mới đây chỉ vài người học hết lớp 9.
Thấy khách lạ, bữa rượu của những người đàn ông Mơ Nông trong căn nhà lá đầu làng khựng lại. Năm người đàn ông da ngăm đen, ở trần trùng trục đứng sựng dậy, chằm chằm nhìn người lạ, không ai nói với nhau lời nào.

Ông Nguyễn Văn Thành, người đưa tôi đến, giục: “Cúi đầu chào họ trước đi! Không chào, họ giận. Ở đây không ai chào khách lạ trước bao giờ!”. Sau màn chào hỏi chúng tôi được phép vào làng. Bữa rượu của những người đàn ông trong căn nhà lá lại tiếp tục. Ông Thành cho biết ở đây đàn ông rất hay uống rượu. Uống nhiều nhưng hiếm khi đánh lộn, gây gổ nhau vì luật làng rất gắt, phạt nặng.

Trong khi những người đàn ông uống rượu thì bên bếp lửa, chị Hồ Thị Phượng, vợ của chủ nhà Hồ Văn Dũng, nằm liệt giường. Uống hết ly rượu, đặt “cạch” xuống nền đất Dũng nói: “Cúng heo, cúng gà, cúng rau rừng, cúng đủ thứ, cúng nhiều mâm rồi mà chưa hết bệnh. Cái làng ni ngày càng nhiều người lạ đến đây quá nên đau là đúng!” - và anh ta nhìn tôi chằm chằm.

Ông Đinh Văn Đứng, một người cao niên trong làng, khi chúng tôi hỏi tuổi lắc đầu bảo “quên mất rồi”. Ông Đứng thì thào nhiều năm trước có công trình cung cấp nước, đưa đường ống dẫn nước về làng nhưng lại lấy nước từ rừng ma nên đến nay cả làng đều không dám uống. “Có khi nước chảy về đây làm dân làng đau cũng không chừng! Con ốc, con cá, nước ở trong các khe suối thuộc khu rừng ma nằm ở phía tây làng. Chỗ nớ chôn cất cha mẹ, ông bà, con em dân làng này, nếu uống nước, ăn cá... là như ăn tim, ăn gan người thân mình, sẽ bị đau và rụng răng” - ông Đứng vừa nói vừa nhìn quanh quất, sợ hãi.

Cách đây hai năm, con suối trước cổng làng từng là nơi chứng kiến hủ tục hà khắc của làng dành cho cô gái trẻ Hồ Thị Diêu. “Con Diêu nó hư hỏng. Ra rừng đẻ là đúng!” - già làng Hồ Văn Lé nói. Ở làng này ông là quan tòa. Diêu quen chàng Cấy trong làng. Cấy đi đãi vàng trong lúc Diêu có bầu. Tính tháng tính ngày thấy sai, Cấy từ chối cưới hỏi.

Rồi ngày sinh nở cũng đến, làng phạt con heo 10 gang tay, nhà nghèo không đủ sức lo liệu nên Diêu phải ra rừng đẻ. Một cái chòi lá chính tay Diêu dựng bên suối vài ngày trước khi sinh, rồi cô một mình vượt cạn. Biết tin này, hội phụ nữ rồi chính quyền địa phương huyện ra sức can ngăn, thuyết phục mãi làng mới chấp nhận cho Diêu trở về. Sinh con chưa được bao lâu, Diêu rời làng đi biền biệt, có người nói cô về thôn Trà Dơn cách đó mấy chục cây số về hướng rừng sâu. Đứa bé gái của cô cũng lìa đời ít lâu sau vì bệnh.

Có chìm theo làn nước?

Nhiều hủ tục
Ở đây, đàn bà, con gái hằng tháng đến chu kỳ của phụ nữ thì không được lên nhà trên, không được bước vào nhà người khác. Nhà nào có người chết gặp phải mùa rẫy thì gia đình đó tự lo, làm cầu thang phía sau nhà, tự đem thi thể người chết đi chôn, không được đi cửa trước.
Sinh con trước bảy ngày, rốn chưa rụng, chưa cúng, chưa xin tên thì không được uống nước trong làng, phải tự đi lấy nước ở hố sâu ngoài làng để uống... Nước Ka có hơn mười hủ tục như vậy.
Ông Nguyễn Văn Thành là người Kinh đến làng này để buôn bán từ rất lâu, có cái quán nhỏ ở đầu rừng. Ông bảo: “May đó, nếu đúng mùa lúa vừa gieo thì đố ai vào được làng”.
Dân làng Nước Ka tin rằng nếu người lạ vào làng mà không cúng bái, không được dân làng chấp thuận thì lúa gieo không mọc, bắp không ra hoa, sắn không cho củ... Do vậy họ rất kỵ người lạ vào làng mùa gieo trồng.

Khi chúng tôi đến, cái quán của ông Thành mấy ngày nay là nơi “tị nạn” của năm thanh niên. “Thằng Bơi, thằng Vướt, thằng Nhưn, thằng Ka... Tụi hắn vác xác người đi chôn trong mùa rẫy nên làng không cho về. Chúng phải ở đây hai ngày nữa!” - ông Thành cho biết. Ngược lên con dốc phía đầu làng, những căn nhà lá ọp ẹp, xiêu vẹo liền kề nhau vắng lặng bóng đàn ông.

Bà Hồ Thị Vui đang bóc vỏ trái trẩu mới hái trên rừng về ngồi trước hiên nhà, cho biết: “Hắn (chồng bà Vui - PV) đi hơn 10 ngày rồi. Làng chưa cho về, hắn không dám về. Xong mùa rẫy tôi mới lên đó, đi mà buồn!”. Hóa ra chồng bà Vui cùng 18 hộ dân khác của làng vừa đi theo diện di dời giải tỏa của công trình thủy điện Sông Tranh về nơi ở mới. Theo tục lệ của làng, người đã bỏ làng đi là không được quay về làng cũ, vì sợ mang theo bệnh tật và những tai ương khác về làng.

Hơn 10 năm trước, xã Trà Bùi cách biệt với huyện Trà My bởi con sông lớn trước mặt. Mưa một cơn là làng bị cô lập. Chính quyền dựng một cây cầu lớn qua sông. Từ đó, cung đường từ Nước Ka đến trung tâm huyện đã dần thu hẹp lại. Những tưởng có cây cầu, hạ tầng được nâng cấp thì mọi thứ sẽ đổi thay.

Nhưng hơn 10 năm qua khu làng vẫn vậy, những câu chuyện nhuốm màu huyền hoặc cứ đeo bám người dân trong làng. Chỉ hai mùa rẫy nữa là dân làng Nước Ka sẽ đến nơi tái định cư làng mới. Làng Nước Ka sẽ chìm trong biển nước của thủy điện Sông Tranh II. Nhưng điều người ta suy nghĩ là liệu những hủ tục cổ xưa đó có được dìm trong nước, hay sẽ tiếp tục bám theo chân người Mơ Nông đến nơi ở mới?

TẤN VŨ - BẮC BẰNG

No comments:

Post a Comment