Monday, September 29, 2014

Nợ xấu và cấp bậc ngân hàng

Thời báo Kinh tế Sài Gòn,   Thứ Sáu,  28/3/2014, 15:41 (GMT+7),      http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/112456/No-xau-va-cap-bac-ngan-hang.html           Trước đây nợ xấu được xóa bằng chính sách. Nay nợ xấu được xóa bằng tiềm lực tài chính của các ngân hàng thương mại. Mà các ngân hàng lại không khỏe như nhau, vì thế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thể kê cùng một đơn thuốc để giải quyết căn bệnh nợ xấu.

Hải Lý


Đến nay việc phân loại ngân hàng vẫn chưa được thực hiện một cách chính thức và minh bạch. Ảnh: Tuệ Doanh







Phá băng tín dụng là trái tim của tăng trưởng kinh tế năm nay, nhưng trái tim ấy đang bị đau vì căn bệnh hiểm nghèo nợ xấu. Không giống như những thời kỳ trước đây, nợ xấu được xóa bằng chính sách, thể hiện dưới nhiều hình thức, của Nhà nước. Nay Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại xóa nợ xấu dựa trên tiềm lực tài chính của chính mình. Sự khác nhau này buộc các ngân hàng sớm muộn cũng phải đòi cho được nợ, nếu không muốn lấy cho bằng hết “của cải riêng tư” là lợi nhuận ra bù đắp.
Câu chuyện nợ xấu, vì thế, giờ đây đã mang một hình hài khác, màu sắc khác. Thông tư 09 ban hành ngày 18-3-2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02 về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro là bước đệm cần thiết. Tuy nhiên bước đệm ấy không phải không có mặt trái của nó.
Sự lấn cấn của lợi ích
Mặt trái đầu tiên cần tính đến của Thông tư 09 không có gì mới hơn là làm chậm lại tiến trình tái cơ cấu ngân hàng. Việc tự đánh giá định kỳ tài sản đảm bảo và giữ nguyên nhóm nợ giống như bức màn che bớt phần nào thực trạng nợ xấu. Khi nợ xấu chưa phơi bày đến mức tận cùng của nó, thì các tổ chức tín dụng chưa đến nước bức bách phải giải quyết nợ xấu bằng mọi cách, nước vẫn chưa đến chân nên chưa phải nhảy. Thay vào đó, các ngân hàng sẽ cho vay tiếp, nuôi nợ để đòi nợ.
Vì sự mập mờ của nợ xấu, các nguồn lực tài chính tiềm năng cả trong và ngoài nước sẽ chưa đổ vào ngân hàng. Nói như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng “không có tiền thì làm được gì!” và Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình “tháo gỡ sở hữu chéo phải có tiền tươi thóc thật”. Càng chậm trễ trong việc mở rộng cánh cửa thu hút các nguồn lực tài chính, càng làm cho cơ hội vực dậy các ngân hàng nhỏ lại và nếu không co kéo hợp lý, sự teo tóp của cơ hội dễ dẫn đến con số không. Lúc bấy giờ trở tay có thể không kịp nữa.
Một thí dụ không khó tìm để minh họa cho sự lấn cấn trong việc vẽ nên thực trạng nợ và qua đó xử lý nó. Cách đây không lâu khi một tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nêu trong một bản báo cáo của họ rằng tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam có thể lên tới 15%, NHNN đã ngay lập tức lên tiếng phản bác, cho biết tỷ lệ nợ xấu, nếu tính toán một cách thận trọng, bao gồm cả nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780, cũng chỉ 9%; đồng thời nhấn mạnh tỷ lệ nợ theo báo cáo định kỳ của các ngân hàng, chỉ bằng khoảng phân nửa.
Mỗi bên phân loại nợ theo chuẩn mực, tiêu chí khác nhau, kết quả cho ra khác nhau là tất nhiên. Đáng chú ý có lẽ là sự vênh nhau giữa các tỷ lệ quá lớn, nó khiến người ta tự hỏi về sự chênh lệch giữa các tiêu chí và như thế nỗi băn khoăn về thực trạng nợ sẽ dày thêm.
Không chết vì đau nhưng đau đến chết?
Nhiều người ví von ngân hàng gánh chịu sức ép nợ xấu như người bệnh. Muốn phẫu thuật phải dành thời gian bồi bổ để người bệnh đủ sức vượt qua cuộc đó. Đang yếu mà phẫu thuật ngay có thể đứt luôn. Đại diện NHNN đã phát biểu không dưới một lần rằng trong tương lai sẽ phải thực hiện Thông tư 02, việc nới rộng thời gian với những điều khoản mềm mại hơn là các bước chuẩn bị thích hợp với mức độ sức khỏe của các ngân hàng.
Bằng phương thức này về tổng thể bác sĩ không muốn người bệnh chết vì đau. Song, dường như vị bác sĩ đã quên mất một điều: các ngân hàng không mắc cùng một thứ bệnh, và ngay cả những ngân hàng mắc chung một bệnh, mức độ trầm trọng của bệnh tật cũng không giống nhau. Có ngân hàng bệnh nặng, có ngân hàng bệnh nhẹ, tại sao lại kê đơn như nhau cho tất cả? Sự áp dụng đổ đồng Thông tư 09 dưới góc độ này là lãng phí. Sẽ  linh hoạt và hiệu quả hơn nếu có một sự phân loại các ngân hàng và áp dụng Thông tư 09 ở các cấp độ khác nhau. Một thời hạn “nghỉ ngơi” ngắn hơn cho việc giữ nguyên nhóm nợ, chẳng hạn, cho những ngân hàng tương đối khỏe và dài hơn cho các ngân hàng ọp ẹp. Việc phân loại các ngân hàng từ trước đến nay chưa bao giờ được thực thi chính thức và công khai bởi nó nhạy cảm nhưng người gửi tiền đủ sáng suốt để biết Vietcombank đáng tin cậy hơn một ngân hàng nằm trong danh sách tái cơ cấu. Người dân, thông qua nhiều cách tiếp cận thông tin, có đủ sự bình tĩnh để đánh giá các ngân hàng. Tại sao cơ quan quản lý không minh bạch hóa sự đánh giá đó của người gửi tiền?
Trong hệ thống ngân hàng có những mắt xích yếu và những mắt xích vững chắc. Nếu Nhà nước có đủ nguồn lực gia cố tất cả các mắt xích thì không nói làm gì. Đằng này ngân sách quốc gia có hạn và việc thực thi các chính sách mới, nhất là trong bối cảnh tiền thừa, lãi suất hạ, tín dụng vẫn không ra được, không thể cân bằng đồng đều, chính xác quyền lợi của các chủ thể có liên quan. Một chính sách được thực tế chấp nhận và hiệu quả sẽ nhắm tới đích củng cố các mắt xích yếu và tạo điều kiện cho mắt xích khỏe trở nên mạnh hơn. Sự phân hóa giữa các ngân hàng, sự tạo dựng vị trí và cấp bậc của từng ngân hàng đang chờ được cơ quan quản lý công khai hóa cho toàn dân biết.





No comments:

Post a Comment