Da giày có những tăng trưởng lớn, nhưng vẫn cần nhìn lại các hạn chế để phát triển bền vững hơn. Ảnh: Văn Nam.
Tăng trưởng cao
Theo số liệu cung cấp tại hội thảo, trong năm 2013 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu ngành da – giày – túi xách đạt 10,4 tỉ đô la Mỹ, tương đương 10% GDP của cả nước. Mục tiêu trong năm 2014 của ngành này là xuất khẩu trên 12 tỉ đô la Mỹ. Tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay đối với da, giày là 14% và túi xách 18%.
Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự báo sẽ được lãnh đạo các quốc gia sẽ hoàn tất trong cuối năm nay và có hiệu lực trong giữa hoặc cuối năm sau. Đón đầu xu hướng mới, các doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị, đẩy mạnh đầu tư sản xuất tạo nên sự tăng trưởng. Ngoài ra, chi phí nhân công của Trung Quốc hiện đã rất cao và các chính sách về môi trường của nước này càng khó hơn khiến nhiều công ty về da giày đang chuyển dịch sang Việt Nam.
Không chỉ tăng trưởng về sản lượng và giá trị xuất khẩu, ngành da giày túi xách còn nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm. Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, trong năm 2013, để xuất khẩu 10,4 tỉ đô la, ngành da – giày – túi xách chỉ nhập khẩu 4,2 tỉ đô la; tỷ lệ nội địa hóa, tiền công, giá trị gia tăng trong nước tạo ra khoảng 60%, khá hơn ngành dệt may (dệt may chỉ khoảng 40%).
Cơ cấu nguyên liệu nhập khẩu cũng đa dạng: nhập khẩu da khoảng 1,7 tỉ đô la Mỹ, đáp ứng gần 60% nhu cầu, chủ yếu nhập từ Hàn Quốc, Đài Loan, Ý, Thái Lan. Nhập khẩu da từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 7%, chứng tỏ các doanh nghiệp không bị lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc về da nguyên liệu.
Nhưng vẫn yếu kém về nguyên liệu và năng suất
Các nguyên phụ liệu khác cho ngành da giày nhập khẩu trên 2,5 tỉ đô la, trong đó nhập từ Trung Quốc chiếm khoảng 60%, tương đương khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Nếu cộng cả dệt may và da giày thì kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc trong năm qua đã lên đến 10,5 tỉ đô la Mỹ, và theo ông Kiệt, “đây là con số rất đáng quan ngại”.
Hiệp hội da – giày – túi xách đang ngồi lại với Hiệp hội Dệt may tìm giải pháp để giảm thiểu sự phụ thuộc này, làm sao để đến năm 2015 tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm dệt may-da giày đạt khoảng 60 – 65%, năm 2020 lên 80%.
Ngoài sự chủ động của doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ chính sách. “Đặc biệt ở việc giải quyết xử lý chất thải, nước thải, cần chi phí lớn, kỹ thuật tiên tiến”, ông Kiệt nói. Cùng với đó, theo ông Dũng, cần đầu tư mới và phát triển các trung tâm nghiên cứu thời trang, các trung tâm phân tích đánh giá chất lượng nguyên phụ liệu, sản phẩm.
Tuy Việt Nam có lợi thế về nhân công thấp, nhưng năng suất lao động lại không cao. Theo công trình nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong cùng thời gian, một công nhân Trung Quốc có thể làm ra 25 chiếc áo sơ mi polo, trong khi đó công nhân Việt Nam chỉ làm ra có 12 chiếc. Bên cạnh đó doanh nghiệp tại Việt Nam đang sử dụng gấp hai đên ba lần lượng điện, nước và nhiên liệu so với doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Kiệt chia sẻ để nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực da – giày – túi xách và cả dệt may, hiệp hội phải thành lập các trường để dạy nghề, bồi dưỡng cho công nhân, cấp quản lý tại các công ty và cả lãnh đạo công ty. Vì theo ông Kiệt các trường nghề, cao đẳng, đại học hiện nay quá nặng về lý thuyết, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
“Đây là thời điểm tốt về kinh tế, chính trị để quy hoạch lại sự phát triển đồng bộ, bền vững của ngành da – giày – túi xách và dệt may”, ông Kiệt nói.
Thái Ngọc
No comments:
Post a Comment