Friday, September 26, 2014

MobiFone đã được "cởi trói"

Thesaigontimes, ngày 24/6/2014, http://www.thesaigontimes.vn/116405/MobiFone-da-duoc-%22coi-troi%22.html,          Giá trị doanh nghiệp của Công ty Thông tin di động MobiFone có thể lên đến 4 tỉ đô la Mỹ ở thời điểm cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2015-2016 - Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) đã đưa ra con số này trong một bản tin gửi cho khách hàng gần đây.

MobiFone là “vùng sáng” kinh doanh hiệu quả nhất của VNPT.
Năm 2006, khi Nhà nước lần đầu tiên lên tiếng về việc chuyển đổi sở hữu của MobiFone, các chuyên gia nước ngoài dự kiến giá trị doanh nghiệp khi đó khoảng 2 tỉ đô la Mỹ. Giá trị của MobiFone đã lớn gấp hai lần trong con mắt của giới đầu tư trong vòng tám năm qua.
“Vùng sáng”
Quyết định 888/QĐ-TTg của Chính phủ ngày 10-6-2014 phê duyệt đề án tái cơ cấu tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) vừa qua đã chính thức cho phép MobiFone tách khỏi VNPT và chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông, chuẩn bị cổ phần hóa.
Có nhiều lý do khiến lộ trình cổ phần hóa MobiFone chậm trễ và thay đổi suốt những năm qua, trong đó có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất MobiFone là “vùng sáng” kinh doanh hiệu quả nhất của VNPT. Theo văn bản của Bộ Tài chính gửi Văn phòng Chính phủ ngày 29-10-2013, năm 2012 VNPT đạt lợi nhuận sau thuế 5.855 tỉ đồng. Trong số này phần đóng góp của MobiFone là 3.878 tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của MobiFone là 52,1%, trong khi của cả tập đoàn chỉ có 13,7%. Sang năm 2013, lợi nhuận trước và sau thuế của MobiFone đều khả quan hơn năm 2012.
So sánh với Vinaphone, doanh thu hàng năm của cả hai tương đương nhau, nhưng lợi nhuận sau thuế của Vinaphone chỉ bằng một nửa của MobiFone. Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt là ở chỗ nhân viên của MobiFone ít hơn (bằng khoảng 45%  số lượng nhân viên của Vinaphone) và công ty thuê ngoài nhiều hơn. Những công việc như chăm sóc khách hàng, bán hàng, phân phối... đều được MobiFone thuê, còn Vinaphone thì đảm đương hết những hoạt động này.
Thứ hai, VNPT luôn muốn MobiFone nếu tách ra, sẽ gánh luôn các công ty con mà hoạt động không phải tất cả đều mang lại lợi nhuận. Nói trắng ra, quan điểm của VNPT là “nạc phải đi kèm mỡ”. Trong đề án tái cơ cấu trình Chính phủ ngày 27-9-2013, VNPT đưa ra hai phương án. Theo đó phương án 1 là tách MobiFone ra khỏi tập đoàn để hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone với việc điều chuyển về đây quyền sở hữu và nghĩa vụ tài chính liên quan đến hệ thống vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2, Công ty Tài chính Bưu điện, cộng thêm phần vốn góp của VNPT tại 62 doanh nghiệp với tổng vốn 1.640 tỉ đồng. Phương án này, theo VNPT, được Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất lựa chọn.
Trong danh sách 62 đơn vị sẽ được điều chuyển về MobiFone để thoái vốn có những công ty niêm yết như SAM, HAS, POT, VTC, SZL, BMI... Chiếm đa số là các công ty thuộc lĩnh vực xây lắp, dịch vụ bưu chính, đầu tư với số vốn nhỏ. Thoái được vốn khỏi những doanh nghiệp trên với giá bằng mệnh giá (tức bảo toàn được vốn nhà nước) trong bối cảnh chứng khoán sụt sùi hiện nay là chuyện gần như chưa thể thực hiện.
Sự phản đối của Bộ Tài chính
Đề xuất theo phương án trên của VNPT đã không nhận được sự ủng hộ của Bộ Tài chính. Cơ quan quản lý ngân khố quốc gia cho rằng việc chuyển giao Vinasat 1 và 2 thuộc hệ thống hạ tầng mạng truyền dẫn cho MobiFone, vốn hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động, là chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh của MobiFone. Hơn nữa các vệ tinh này, ngoài mục tiêu sản xuất kinh doanh, còn phục vụ an ninh quốc phòng. Mục tiêu thứ hai sẽ gây khó dễ cho quá trình cổ phần hóa MobiFone.
Tương tự Bộ Tài chính lập luận “đòi hỏi” MobiFone “cõng” Công ty Tài chính Bưu điện và phần góp vốn của VNPT ở 62 doanh nghiệp là không thích hợp vì những đơn vị này kinh doanh dịch vụ tài chính, công nghiệp, xây dựng, thương mại... vốn chẳng liên quan gì đến ngành nghề chính của MobiFone. Trên thực tế, câu chuyện nằm ở hiệu quả làm ăn. Công ty Tài chính Bưu điện tính đến ngày 31-12-2012 đã lỗ lũy kế 635 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ là 500 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 127 tỉ đồng. Còn 62 doanh nghiệp kia, theo báo cáo của chính VNPT, tổng lỗ phát sinh năm 2012 là âm 157 tỉ đồng (15 doanh nghiệp), còn 22 doanh nghiệp khác phải trích dự phòng đầu tư vốn 269 tỉ đồng.
Vì sao Bộ Tài chính lại có quan điểm “tiến bộ” đến thế về MobiFone? Đơn giản nếu MobiFone cổ phần hóa thành công thì số tiền ngân sách có thể thu về không nhỏ (có thể tới 1 tỉ đô la Mỹ nếu giá trị doanh nghiệp khoảng 4 tỉ đô la Mỹ như HSC ước tính). Với cơ chế quản lý quốc doanh, MobiFone đã có hệ số lợi nhuận hơn 50% vốn chủ sở hữu. Cổ phần hóa xong, với cơ chế quản lý mới, hiệu quả kinh doanh của MobiFone hoàn toàn có khả năng cao hơn. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục thoái vốn khỏi MobiFone sau đó, thí dụ từ 75% xuống 51%, ngân sách quốc gia sẽ là người hưởng lợi.
“Cởi trói” cho MobiFone
Quyết định 888 đã “cởi trói” cho MobiFone khi điều chuyển nguyên trạng doanh nghiệp về Bộ Thông tin và Truyền thông. Quyết định cũng yêu cầu bộ này trong năm nay phải trình Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa MobiFone để triển khai thực hiện.
Theo dự kiến, MobiFone sẽ bán ra bên ngoài 25% cổ phần, kể cả cho nước ngoài và đối tác chiến lược. Câu chuyện chọn đối tác nào cho một trong ba “gã khổng lồ” viễn thông (cùng với Viettel và Vinaphone) lại được đặt ra. Hiện tại, ước tính thị phần viễn thông di động của MobiFone cao hơn của Vinaphone, nhưng chỉ bằng khoảng một nửa thị phần của Viettel. Để có thêm thị phần, hoặc MobiFone phải cạnh tranh với những nhà mạng nhỏ khác như Vietnamobile, Gmobile hoặc giành thị phần của người đứng đầu là Viettel. Chắc chắn Viettel sẽ không đứng yên để nhìn thị phần của mình co lại.
Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết MobiFone sẽ là một bước tiến mới, một cột mốc trên đường cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hiện tại những thông tin về đối tác chiến lược, về kế hoạch kinh doanh sau khi chuyển đổi sở hữu MobiFone vẫn còn phải chờ cho đến khi đề án cổ phần hóa được Chính phủ chấp thuận. Hy vọng tới đây sau Vietnam Airlines sẽ là MobiFone “ra mắt” công chúng với tư cách công ty cổ phần.
Hải Lý

No comments:

Post a Comment