Thursday, September 18, 2014

Nga cung cấp những vũ khí nào cho quân nổi dậy Ukraine?

Infornet, 25/07/14 13:22     http://infonet.vn/nga-cung-cap-nhung-vu-khi-nao-cho-quan-noi-day-ukraine-post138795.info        Tờ Financial Times cho hay sức mạnh của lực lượng ly khai miền đông Ukraine đang ngày càng được củng cố nhờ được trang bị nhiều loại khí tài hạng nặng mà chủ yếu do Nga cung cấp.

Không ít loại vũ khí đang được quân nổi dậy Ukraine sử dụng là những thứ mà họ đánh cắp từ các kho khí tài của quân đội chính phủ Kiev tại khu vực miền đông. Tuy nhiên, Nga vẫn được xem là quốc gia cung cấp số lượng lớn vũ khí cho lực lượng ly khai cũng như đào tạo cho những tay súng này ngay trên đất Nga.
Nguồn tin tình báo của NATO cũng nhiều lần tuyên bố họ phát hiện các đoàn xe chở khí tài của Nga đi vào lãnh thổ Ukraine.
Một trong những địa điểm đầu tiên tại Ukraine nhận vũ khí của Nga là thị trấn Snizhne, nơi hệ thống tên lửa Buk bị nghi là thủ phạm bắn rơi chiếc máy bay dân sự của Malaysia MH17 hôm 17/7, được triển khai.
"Nga không thành lập các nhóm du kích, không chỉ tiến hành chiến dịch chống cự mà còn nỗ lực xây dựng một lực lượng quân sự tương xứng", Jonathan Eyal, Giám đốc Viện nghiên cứu Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh trả lời tờ Financial Times.
Ngoài những thiết bị quân sự hạng nhẹ, vũ khí bán tự động, thuốc nổ và máy bay vận tải quân sự, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Nga còn cung cấp cho phe nổi dậy Ukraine cả những vũ khí hạng nặng.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-64
T-64 từng được xem là vũ khí then chốt trong quân đội Nga. Tuy nhiên, kể từ khi Nga thực hiện cải cách quân sự trong 10 năm qua, Moscow đã đưa hàng loạt T-64 vào danh sách chờ nghỉ hưu
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, T-64 được xem là quốc bảo, chỉ được trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ đóng quân tại những khu vực hiểm yếu của Liên Xô và khối Warszawa.
Sử dụng động cơ diesel 5DTF, 700 -750 mã lực, tầm hoạt động của T-64 lên tới 500 km và khả năng lội nước là 1,8 m. T-64 được trang bị 1 pháo nòng trơn D-81T 125 mm (40 viên), 1 súng máy đồng trục PKMT 7,62 mm (1.250 viên), 1 súng máy phòng không NSVT 12,7 mm (300 viên).
Bệ phóng tên lửa đa nòng Grad
Bệ phóng tên lửa Grad có thể phóng được nhiều tên lửa cùng một lúc. Hệ thống này được phát triển dưới thời Liên Xô cũ và phạm vi tấn công mở rộng 20 km.
Theo thông số kỹ thuật của các nhà sản xuất, hệ thống pháo phản lực phóng loạt Grad thiết kế với bệ pháo 40 nòng cỡ 122 mm, đạn phản lực Grad có thể đạt tầm bắn từ 20 - 40 km tùy từng loại.
Tuy được đánh giá là có độ chính xác không cao, nhưng Grad thực sự là "cơn ác mộng" kinh hoàng nhất nếu đánh vào mục tiêu lớn. Tính toán trên lý thuyết cho thấy một tiểu đoàn gồm 18 bệ phóng loại này có thể bắn 720 quả pháo trong một lúc.
Pháo cối tự hành 2S9 Nona
Pháo cối tự hành 2S9 Nona là loại vũ khí được sản xuất từ thời Liên Xô cũ. Nó còn hoạt động như một thiết bị đổ bộ.
2S9 Nona được lực lượng Quân đội Liên Xô thiết kế và chính thức đưa vào hoạt động năm 1981.
Trong đó, xe pháo cối tự hành 2S9 Nona-S được thiết kế riêng cho lực lượng đổ bộ đường không Liên Xô. Có khoảng 1.000 chiếc Nona-S được sản xuất. Pháo cối tự hành 2S9 đã chiến đấu rất hiệu quả tại chiến trường Afghanistan và hai cuộc chiến tranh tại Chechnya.
2S9 Nona-S mang trên mình một khẩu pháo cối 2A51 cỡ 120 mm, có thể bắn thẳng lẫn bắn gián tiếp. Nói cách khác, nó vừa là một khẩu pháo vừa là một khẩu súng cối hạng nặng. Với đạn pháo thường, tầm bắn của 2S9 là 8,9 km, đạn pháo tăng tầm là 12,8 km còn với đạn cối 120 mm là 7,1 km.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-2
BMP-2 là một hệ thống chiến đấu bộ binh thứ hai được Liên Xô thiết kế và đưa vào chế tạo từ thập niên 80. So với BMP-1, BMP-2 không khác nhiều mà chỉ có một vài cải tiến để tăng khả năng tự vệ cho xe. Những cải tiến này được quyết định sau khi BMP-1 tham gia chiến đấu thực tế và bộc lộ những điểm yếu của nó trong Chiến tranh Yom Kippur.
BMP-2 có tháp xe rộng hơn so với BMP-1. Xa trưởng sẽ ngồi trong tháp xe cùng với pháo thủ. Ngoài kíp xe, xe chỉ mang theo tối đa 7 chiến sĩ thay vì 8 như xe BMP-1.
Hỏa lực trên xe trở nên mạnh hơn với pháo tự động 2A42 30 mm, súng máy PKT đồng trục 7,62 mm cùng hộp đạn 2.000 viên, và tên lửa chống tăng 9M111 Fagot hoặc 9M113 Konkurs. Ngoài ra, xe có thể được trang bị cả RPG-7 với cơ số đạn là 5 quả. Số lỗ châu mai mỗi bên xe giảm xuống còn 2. Giáp xe được tăng cường.
Hệ thống tên lửa đất đối không Buk
Buk là hệ thống tên lửa đất đối không tự hành. Hoạt động của hệ thống Buk dựa trên theo sự đạo từ radar. hHệ thống này bị tình nghi là thủ phạm bắn rơi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia hôm 17/7 tại miền đông Ukraine, cướp đi sinh mạng của gần 300 người.
Hệ thống tên lửa Buk là một dòng tên lửa đất đối không tầm trung tự hành được Liên Xô cũ và Nga phát triển. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa hành trình, các loại bom chính xác, máy bay cánh quay và cánh cố định cũng như máy bay không người lái.
Hệ thống tên lửa Buk là sự kế thừa của hệ thống NIIP/Vympel 2K12 Kub (tên ký hiệu NATO là SA-6 "Gainful").
Phiên bản đầu tiên của Buk được chấp nhận trang bị trong quân đội Liên Xô và Nga với mã định danh GRAU là 9K37 và có tên ký hiệu do NATO đặt là "Gadfly" cũng như tên định danh của Bộ Quốc phòng Mỹ là SA-11.
Kể từ khi được đưa vào biên chế, hệ thống tên lửa Buk đã được cải tiến nâng cấp liên tục với phiên bản mới nhất mang tên 9K37M2 "Buk-M2".
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Financial Times (FT), tờ báo về kinh doanh quốc tế, được xuất bản hàng ngày tại London và 23 thành phố trên toàn thế giới. Lượng phát hành trên toàn cầu của FT đạt 390.121 bản. Tính cả trang web FT.com, trung bình một ngày có 1,9 triệu lượt đọc FT trên thế giới.

No comments:

Post a Comment