Hành khách mua vé tàu tết tại ga Sài Gòn. Đây là hình ảnh đã khác nhiều so
với tình trạng chen lấn, chờ đợi như những năm trước - Ảnh: Hoàng Thạch Vân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này, ông Thành cho biết Đường sắt VN đã nhìn thấy sự trì trệ của mình và có “thiết kế” để đổi mới. Khi có thiết kế rồi mà triển khai không thành công thì người đứng đầu phải biết nghỉ để người khác có năng lực hơn điều hành
* Thưa ông, từ vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) được điều động làm chủ tịch HĐTV Đường sắt VN chín tháng nay, bản thân ông nhìn sự trì trệ của đường sắt như thế nào?
- Trong giai đoạn vừa qua có nguyên nhân khách quan nên đường sắt được đầu tư nhiều. Nhưng xét về mặt nội tại, tính bao cấp trì trệ trong đường sắt còn nhiều. Nói như vậy để thấy nhu cầu đổi mới của đường sắt là từ nội tại, vì sự sống còn của ngành, chứ không phải sự thúc ép của bất cứ ai cả.
* Đường sắt sẽ đổi mới những gì, cách làm như thế nào?
ông TRẦN NGỌC THÀNH - Ảnh: T.Phùng
- Chúng tôi xác định các mục tiêu: thứ nhất là phải đúng giờ, thứ hai là an toàn, thứ ba là hiệu quả. Nhưng quan trọng nhất là phải có được sự thuận tiện cho hành khách. Khách hàng thấy mình thân thiện thì người ta mới đi với mình.
Về vận tải hành khách, chúng tôi tính thị trường, thị phần để từ đó quyết định đầu tư nhà ga, cung độ khai thác và tăng tần suất chạy tàu để hành khách có nhiều lựa chọn. Ở các ga ở trên trục đường đông dân cư thì tất cả các tàu đều phải đỗ chứ không còn phân biệt tàu SE1 đỗ thì SE3 không đỗ. Đó là quan điểm tư duy bao cấp sai lầm khi phân phối vận tải cho nhân dân kiểu: tôi cho chuyến tàu này đỗ rồi thì chuyến sau không đỗ nữa. Phải xác định khách hàng là thượng đế, đón người ta và đỗ lại để người ta về thì họ mới đi tàu.
* Để làm được vậy phải làm gì?
- Hiện đường sắt đang tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng để rút ngắn thời gian chạy tàu trong khoảng cách giữa hai ga, từ đó có thêm thời gian đỗ tàu ở các ga để phục vụ nhu cầu hành khách nhiều hơn. Khách nhiều thì thu được nhiều tiền hơn và dùng tiền đó cân đối, tiếp tục đầu tư. Năm 2014 đường sắt sẽ đầu tư thêm đoàn tàu mới và nâng cấp các đoàn tàu hiện có để có những đoàn tàu sạch đẹp, văn minh, an toàn.
* Có đủ tiền để làm những việc như ông vừa nêu?
- Phải khai thác hạ tầng có hiệu quả bằng nguồn vốn như hiện nay nhưng đầu tư theo thứ tự ưu tiên, tháo nút thắt, chúng tôi chưa hi vọng có vốn lớn để đổi mới toàn diện. Sẽ đầu tư trọng điểm, giải quyết nút thắt để tăng năng lực chạy tàu.
* Vậy hành khách có thể nhìn thấy những đổi mới cụ thể nào trong năm 2014?
- Trong năm này và một số năm tiếp theo, đường sắt sẽ đổi mới một số việc. Cụ thể, tại các ga sẽ có những công trình thuận tiện gồm phòng chờ, mái che, cầu vượt, phong cách giao tiếp bán hàng thân thiện, công nghệ bán vé hiện đại bằng hệ thống điện tử. Năm 2014 sẽ bán vé điện tử. Hành khách mua vé qua mạng hoặc qua điện thoại thông minh. Nói tóm lại là sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại để bán vé. Việc bán vé điện tử sẽ ngăn chặn được nạn “cò” vé, nhất là trong các ngày tết. Việc này ngành đường sắt từng kêu khó. Do đang triển khai nên chi phí chưa tính trước được, nhưng đây là việc bắt buộc phải làm.
Còn trên tàu thì tàu đẹp, phục vụ văn minh hơn, đúng giờ hơn và cảm thấy thuận tiện hơn, ăn uống đa dạng, sạch sẽ hơn và giá cả hợp lý hơn. Trên mạng đường sắt tần suất chạy tàu, việc đón khách ở các ga sẽ nhiều hơn và cung độ hợp lý hơn, giờ giấc chuẩn hơn. Việc lắp đặt thiết bị thu gom chất thải vệ sinh trên các đoàn tàu cũng được các nhà cung cấp lắp thử từ tháng 10-2013 và sẽ đánh giá loại nào phù hợp để lắp đặt đồng loạt trong năm 2014.
* Ông nói sao khi vé tàu vẫn bị chê đắt?
- Vận tải đường sắt là đại chúng nên trên tàu phải tính toán bao nhiêu toa giường nằm, bao nhiêu toa ghế mềm để có dải giá vé rộng cho khách lựa chọn theo nhu cầu và khả năng chi trả. Còn so sánh giá vé tàu cao nhất với máy bay giá rẻ lại là câu chuyện khác. Nếu lấy vé cao nhất của giường nằm gắn vào chất lượng toa ghế gỗ thấp nhất để bán phục vụ dân sinh thì quá đắt. Vé Hà Nội vào TP.HCM giá hơn 1,7 triệu không còn chỗ để bán nhưng chúng tôi vẫn duy trì nhiều ghế để bán giá mấy trăm ngàn. Cái này không có lực lượng vận tải nào làm được, máy bay giá rẻ cũng không thể bán vé phổ biến 300.000-400.000 đồng được.
* Khối lượng công việc có lẽ là rất lớn, ông có tin những việc đó sẽ thực hiện thành công?
- Đúng là nhiều nhưng không phải bây giờ mới vẽ ra mà ngành đường sắt đã làm trong năm 2013 và đến năm 2014 sẽ được thể hiện dần bằng kết quả. Khi thiết kế thì mọi người không thấy nhưng khi thi công sẽ nhìn thấy công trình. Và đến năm 2014 mà không nhìn thấy đường sắt có sự đổi mới về tổ chức vận tải, tổ chức phục vụ chất lượng, tổ chức chạy tàu hợp lý thì đương nhiên toàn bộ kế hoạch triển khai của đường sắt không thành công, không đi vào cuộc sống. Nếu vậy, người đứng đầu phải biết dừng để người khác tốt hơn thay thế. Tôi có niềm tin với kết quả của cả bộ máy đường sắt làm từ năm 2013 chứ không phải do cá nhân ông chủ tịch. Nhưng nếu ông chủ tịch đưa thiết kế từ năm 2013 mà không thi công thành sản phẩm thì người đứng đầu phải biết từ giã. Đó là văn hóa, là quyết tâm đổi mới ngành đường sắt.
TUẤN PHÙNG
No comments:
Post a Comment