Sơ lược về Hội thảo:
Dự kiến, hội thảo quy tụ 150 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu với diễn giả là các chuyên gia đến từ các công ty đa quốc gia là thành viên của USABC.
Hội thảo sẽ cung cấp thông tin về xu hướng nhập khẩu tại một số thị trường trọng điểm, những thuận lợi và thách thức cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, công cụ và giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy thế mạnh riêng có để vươn ra các thị trường xuất khẩu nói trên.
Sau hội thảo, Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 – 12 doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chương trình “Tư vấn kinh doanh – mentoring program” với các công ty đa quốc gia thuộc Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN vì một cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa có sức cạnh tranh.
Giới thiệu sơ lược về Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN
Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ASEAN Business Council, www.us-asean.org) là tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C., đại diện cho hơn 135 tập đoàn thành viên, phần lớn trong số đó nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu Hoa Kỳ do tạp chí Fortune bình chọn. Các công ty thành viên của Hội đồng hoạt động trong những ngành kinh tế đa dạng, năng động và có ảnh hưởng nhất nước Mỹ. Hội đồng hỗ trợ các công ty thành viên kinh doanh ở khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ với các quốc gia trong khu vực.
Tháng 11/2007 Hội đồng khai trương văn phòng tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cử Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc thay mặt Thủ tướng đến dự và phát biểu chúc mừng.
Hội đồng luôn đi đầu trong các nỗ lực khai mở và thúc đẩy quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Từ đầu những năm 1990, Hội đồng cùng với các thành viên có ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế và chính trường Mỹ đã tích cực cùng Việt Nam vận động cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận và sau đó là việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào tháng 7/1995. Tiếp đó, Hội đồng lại vận động thông qua Hiệp định thương mại song phương (BTA, 2001) và lập liên minh ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO (2004 – 2006) và vận động thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR, 2007)
Hội đồng thường xuyên tổ chức đón tiếp các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Mỹ như Chủ tịch nước, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng. Hội đồng cũng phối hợp xây dựng và thực hiện thành công các chương trình thăm quan và làm việc tại Mỹ của đoàn cấp cao các Bộ, ban, ngành của Việt Nam, mới đây nhất là việc góp phần tổ chức thành công chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào tháng 7/2013 và của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 9/2013. Hội đồng phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các Bộ, ban, ngành của Việt Nam để vận động cho những chính sách có lợi cho quan hệ hai nước cũng như tiên liệu và vận động giảm thiểu tác hại của những chính sách không thuận lợi.
Hàng năm, Hội đồng đều tổ chức Đoàn Doanh nghiệp Cấp cao các công ty Hoa Kỳ đi thăm các nước Đông Nam Á. Từ nhiều năm qua tại Việt Nam, Đoàn luôn được các Lãnh đạo Đảng và Chính phủ đón tiếp trọng thị và bày tỏ mong muốn Hoa Kỳ nhanh chóng trở thành nhà đầu tư nước ngoài số một tại Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay năm nào Đoàn cũng có trên 20 tập đoàn lớn tham gia, kể cả trong những giai đoạn kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn như năm 2008 – 2009 hay giai đoạn hiện nay. Tháng 2 năm nay Hội đồng đã đưa 33 công ty hàng đầu Hoa Kỳ thăm Việt Nam, tăng hơn 50% so với con số 20 công ty của năm 2013.
Cơ cấu tổ chức
Hội đồng có trụ sở chính ở Washington, D.C., Hoa Kỳ, và văn phòng đại diện ở tất cả các nền kinh tế lớn ở ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo chiều dọc, Hội đồng có các Ủy ban hợp tác song phương (ví dụ Mỹ - Việt, Mỹ - Thái, Mỹ - Sing, v.v…). Theo chiều ngang, Hội đồng có các Ủy ban chuyên ngành sau:
- ASEAN
- Hải quan
- Quốc phòng và an ninh
- Năng lượng
- Dịch vụ tài chính
- Thực phẩm và nông nghiệp
- Y tế và Khoa học đời sống
- Công nghệ thông tin và truyền thông
- Cơ sở hạ tầng
Hoạt động
Ngoài việc tổ chức các Đoàn doanh nghiệp thường niên thăm các nước ASEAN như đã nói trên, Hội đồng còn thường xuyên có các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở ASEAN, đặc biệt trong lĩnh vực soạn thảo, ban hành, triển khai, tổng kết rút kinh nghiệm các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống xã hội liên có quan đến kinh doanh. Mục đích của các chương trình hỗ trợ kỹ thuật này là vừa giúp cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng được nhu cầu quản lý của mình, vừa tạo điều kiện thuật lợi cho môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, giúp lĩnh vực được quản lý ngày càng phát triển một cách bền vững.
Hội đồng cũng thực hiện các chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp ASEAN mà đa phần là các khách hàng hiện hữu và tiềm năng của các công ty Hoa Kỳ là thành viên Hội đồng.
Hội đồng còn có các chương trình hợp tác đa phương trong khuôn khổ ASEAN và APEC, giúp các tổ chức này xây dựng các quy định chung cho các nước và vùng lãnh thổ thành viên sao cho vừa đảm bảo được yêu cầu quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh. Hội đồng có cơ chế tham vấn thường xuyên với ASEAN trong khuôn khổ một loạt các hội nghị Bộ trưởng ASEAN như Kinh tế (AEM), Tài chính (AFMM), Y tế (AHMM), v.v…
Đặc biệt, trong quá trình đàm phán các hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương giữa Mỹ với ASEAN và các nước thành viên, Hội đồng là tổ chức tin cậy cố vấn cho chính phủ các nước tham gia đàm phán, cung cấp và chia sẻ những thông tin, nguồn lực quan trọng giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng nên những quy định chất lượng cao, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho kinh doanh.
No comments:
Post a Comment