Hôm rồi gặp một anh nông dân, thuyết phục anh ráng mà vươn lên, thay đổi cách mần ăn để mà khá giả trong thời buổi cạnh tranh khó khăn này. Ảnh thở dài: “Thôi anh ơi, giàu nghèo là có số cả rồi. Mấy anh hổng nhớ ông bà mình nói sao, làm cho lắm tắm cũng hổng có quần thay, làm lai rai cũng bữa thay bữa đổi. Có người còn nói giày dép còn có số huống chi tui, rồi bôn ba hổng qua thời vận mà”.
Đây đó không ít bà con mình nghĩ giống như anh nông dân này.
Mà đâu chỉ có vậy. Không ít bà con còn mặc cảm với người khá giả, giàu có hơn mình. Nông dân thì cho rằng do thương lái, doanh nghiệp chận chẹt mình mới nghèo, mới khổ như vầy. Lại than thở, lại oán trách.
Chợt ngẫm nghĩ lại nhiều tấm gương cần mẫn, không cam chịu, tự tin để vươn lên. Này nhé, chị Phạm Thị Huân ở Long An trước khi trở thành đại gia trong nghề trứng vịt sạch là một người nghèo, rất nghèo. Chị lặn lội mua chịu từng chục trứng từ người nuôi vịt trong làng rồi bán ra chợ xã, từ chợ xã bán ra chợ huyện, chợ tỉnh, bán tuốt lên Sài Gòn. Rồi tích cóp dần từ chút vốn liếng, chị đầu tư nuôi vịt đẻ trứng. Mới đầu thì chỉ vài trăm, sau lên vài ngàn con, giờ là những trang trại hoành tráng cung cấp vài triệu trứng sạch với thương hiệu “Ba Huân” nổi tiếng cả nước, còn xuất khẩu ra nước ngoài nữa chứ.
Hay như chị Võ Thị Lấn ở Lâm Đồng đó, mười đứa con, từ một người bán rau dưa ở chợ làng, chịu khó học hỏi, mà nhất là không cam chịu, không ngồi đó mà than mà trách, giờ trở thành bà chủ thương hiệu trà “Tâm Lang” nổi tiếng cả nước, sản phẩm bán ra cả nước ngoài mới đáng phục làm sao.
Rồi đến chị Võ Thị Cúc ở Trà Vinh, người phụ nữ cũng không cam chịu cái nghèo, chế biến trái bần - một loài trái cây dại thành những đặc sản ưa chuộng của mọi người: lẩu bần, kẹo bần, mứt bần, bột bần... nổi tiếng cả nước với thương hiệu “cô Tư Cúc” và đang “lục đục” bán ra xứ ngoại quốc đó. Chị không những thoát nghèo mà còn hỗ trợ giảm nghèo cho bà con vùng cù lao của chị nữa.
Đó là chuyện ở Long An, ở Lâm Đồng, ở Trà Vinh. Còn nói đâu xa, ngay ở Đồng Tháp mình đây, chuyện anh Phạm Văn Bên, cố giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May mà ở trong và ngoài nước đều biết đến. Ảnh cũng xuất thân từ một gia đình nghèo khó, rồi mày mò với nghề sản xuất xà bông, gặp bao nhiêu lần lao đao, lận đận nhưng vẫn không bỏ cuộc trong những lúc tưởng chừng kết thúc cuộc đời. Rồi ảnh chuyển sang làm nghề thu mua, chế biến lúa gạo, rồi cũng tiếp tục “lên bờ, xuống ruộng” trước khi trở thành một doanh nhân thành đạt mà khi mất đi để lại niềm tiếc thương vô hạn của biết bao người.
“Trời sinh voi sinh cỏ”, không ít bà con mình nghĩ như vậy. Thế là phó mặc cho sự đời, vẫn tự hào, thậm chí là hơi bảo thủ với cái kinh nghiệm bao đời mà nay đã lạc hậu với sự thay đổi nhờ khoa học, kỹ thuật, nhờ biết tiếp cận thông tin thị trường.
Thời buổi ngày nay cả thế gian này đều thay đổi. Người người, nhà nhà tìm cách thay đổi phương cách sản xuất chớ hổng còn tự hào với cái kinh nghiệm ba bốn đời nữa rồi. Họ làm giàu bằng sự thay đổi tư duy để thích nghi với thị trường. Nào là nông nghiệp thông minh. Nào là sản xuất theo yêu cầu của thị trường. Nào là hợp tác với nhau trong sản xuất, mua bán. Nào biết tiết kiệm từng loại vật tư đầu vào, nào giống, nào phân, nào thuốc, nào nhân công... để giảm chi phí. Rồi còn phải giao lưu để biết thiên hạ người ta mần ăn ra sao, có cái gì hay hơn mình không?... Vậy sao còn nhiều người vẫn cố hữu trong tiềm thức là mình nghèo là vì cái số do ông trời định đoạt?
Nhiều người trở nên khá giả do biết chắt chiu, cần mẫn, không phó mặc cho số phận đẩy đưa. Nhiều người trở nên giàu có do biết nắm bắt cơ hội, biết quy luật của cuộc sống, của thị trường, biết thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu nhờ vận dụng kiến thức của nhà khoa học, nhà tư vấn. Ngược lại, trong xã hội không hiếm gặp những trường hợp đã nghèo nhưng không biết cần kiệm, sống sĩ diện, làm gì cũng muốn “bằng chị, bằng em”, mà không biết “liệu cơm gắp mắm”. Thậm chí có không ít người nghèo còn sa vào tệ nạn, rượu chè, bài bạc, sống bê tha, sống nay không cần biết đến ngày mai là gì. Rồi ngước nhìn lên mà than trời trách đất và đổ thừa cho cái duyên, cái số.
Trước khi ngồi đó mà luận bàn “nghèo một chiều”, “nghèo đa chiều” thì hãy làm sao để bà con mình nhận ra cái nghèo đôi khi cũng do chính mình gây ra. Bà con hãy nghĩ rằng: “Trời nào có phụ ai đâu/Hay làm thì giàu, có chí thì nên”. Và, “Non cao cũng có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo cũng có lối đi” kia mà!
Thì ngay trước mắt chúng ta: bà con ở miệt cồn An Hòa, Đồng Tháp mình đang vượt qua suy nghĩ cũ kỹ, tự ti, phó mặc để thay đổi rồi đó, đang “canh tân” rồi đó!
Lê Minh Quang
|
Monday, September 19, 2016
Chuyện “giày dép còn có số”
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 17/09/2016, http://www.thesaigontimes.vn/151360/Chuyen-giay-dep-con-co-so.html, mà cũng hổng phải số quần áo, giày dép. “Số” ở đây được hiểu là số phận, vận mệnh của con người.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment