Monday, March 23, 2015

Hơn 189 tấn hóa chất và thuốc trừ sâu đổ xuống sân Golf Tân Sơn Nhất mỗi năm

Ngày 21/03/2015, Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON đã tổ chức Hội thảo khoa học “XÂY MỚI SÂN BAY LONG THÀNH HAY NÂNG CẤP SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT” tại Văn phòng Quốc hội phía Nam, 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh,       Xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI TS Sinh học Nguyễn Đăng Diệp Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp,         


Đã có rất nhiều người lên tiếng, phân tích tác hại của việc xây dựng sân golf trong khu dân cư. Trong bài này chúng tôi chỉ tính toán số lượng hóa chất và thuốc trừ sâu sẽ đổ vào sân golf Tân Sơn Nhất (TSN) hàng năm.

Cỏ sân Golf là linh hồn và là chuẩn mực để đánh giá sân Golf, có 2 loại cỏ thường sử dụng: Cỏ Green là loại cỏ nhỏ, trồng gần lỗ golf và cỏ Fareway, được trồng phía ngoài.
Tất cả mọi sân golf trên thế giới đều phải dùng hai loại hóa chất, là phân hóa học và các loại hóa chất trừ sâu bệnh cho cỏ.

1.                  Về phân hóa học:

Sân golf có thể dùng các loại phân hóa học thông thường. Ở đây thử tính toán với hai loại phân thích hợp nhất với cỏ sân golf.

Loại cỏ Green đòi hỏi chăm sóc đặc biệt giúp rễ cỏ phát triển rất sâu và chắc, lá cỏ luôn luôn phải non và mềm mại, phải thường xuyên cắt bằng, giúp cho trái golf chạy thẳng không bị lệch hướng. Mặt khác sân golf còn đòi hỏi cỏ green không phát triển nhiều lá. Để thỏa mãn các yêu cầu này, phân hóa học Delta-Coated (Controlled Release Fertilizer) là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất vì hạt rất nhỏ và đều, phân giải chậm trong vòng 3 tháng.
Số lượng phân: bón 1-2kg/100m2, chu kì 2-3 tháng 1 lần.
Loại cỏ Fareway yêu cầu chăm sóc đơn giản hơn rất nhiều so với cỏ Green.
Phân hóa học Delta-Top là lựa chọn tối ưu và phù hợp nhất cho cỏ Fareway.
Số lượng phân: Bón 1-2 kg /100m2 chu kì một tháng 1 lần.

Tổng diện tích Sân golf TSN 157,29 ha, trong đó diện tích sân golf trồng cỏ là 111,59 ha. Còn lại là diện tích Nhà hàng, khách sạn 5 sao, nhà ở cho thuê, đường giao thông…

Tính lượng phân hóa học cho cỏ Green:
-      Diện tích trồng cỏ Green chiếm khoảng 10 % là 111,59 ha x 10% = 11,159 ha = 11,159 ha x 10.000 m2/ha = 111.590 m2
-      Số lượng phân Delta-Coated: bón 1-2kg/100m2, chu kì 2-3 tháng một lần, trung bình là 2,5 tháng một lần
-      Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/2,5 tháng = gần 5 lần
-      Số lượng phân cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2
-       Số lượng phân hóa học cho cỏ Green cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5kg/100m2 x 111.590 m2 x 5 lần/năm = 8692,5 kg/năm = 8,692 Tấn/năm.

Tính lượng phân hóa học cho cỏ Fareway:
-      Diện tích trồng cỏ Fareway chiếm khoảng 90 % là 111,59 ha x 90% = 100,431 ha = 1.004.310 m2
-      Số lượng phân Delta-Top: Bón 1-2 kg /100m2 , chu kì bón một tháng 1 lần.
-      Số lần bón trong 1 năm: 12 tháng/1 tháng = 12 lần
-      Số lượng phân cho một lần bón: theo định mức là 1-2kg/100m2, lấy trung bình là 1,5kg/100m2
-       Số lượng phân hóa học cho cỏ Fareway cho toàn sân golf trong một năm là:
1,5kg/100m2 x 1.004.310 m2x 12 lần/năm = 180.776 kg/năm = 180,776 Tấn/năm
Như vậy chỉ tính các loại phân hóa học bón gốc cỏ, thì mỗi năm mặt đất sân golf TSN tiếp nhận: 8,692 Tấn/năm + 180,776 Tấn/năm = 189,468 Tấn/năm.

Tính toán này hoàn toàn phù hợp với những công trình nghiên cứu của Phương Tây về cỏ sân golf, ví dụ: Các nhà khoa học thuộc Cơ Quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khảo sát ở 107 sân golf tại Long Island (Mỹ) thấy rằng mỗi ha đất sân golf sử dụng khối lượng hoá chất gấp 5 lần đất canh tác nông nghiệp. Ở Đông Nam Á, các khảo sát cũng cho thấy mỗi ha sân golf sử dụng đến 1,63 Tấn hoá chất mỗi năm. Nếu theo mức Đông Nam Á, thì sân golf Tân Sơn Nhất sẽ sử dụng mỗi năm: (1,63 Tấn/năm) x (111,59 ha) = 181,9 Tấn/năm, so với kết quả tính toán của bài này thì sai số là: 189,5 – 181,9 = 7,6 Tấn/năm, tương đương (7,6 Tấn/năm) / (189,5 Tấn/năm) = 4%

Nhiều người tưởng rằng phân hóa học chỉ có lợi mà không gây hại cho con người, nhưng thực ra phân hóa học cũng hàm chứa những nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe con người và đối với môi trường sống, đặc biệt là khi dùng cho sân golf với liều lượng cao gấp 5 lần dùng cho nông nghiệp, và nguy hại nhất là những sân golf nằm lọt thỏm giữa lòng khu dân cư như sân golf Tân Sơn Nhất:

-              Phân hóa học có chứa một số chất độc hại:
Bản thân nhiều loại phân hóa học hàm chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người, như các kim loại nặng, các chất kích thích sinh trưởng khi vượt quá mức quy định. Các loại kim loại nặng có trong phân hóa học gồm Asen (As), Chì (Pb), Thuỷ ngân (Hg) và Cadimi (Cd).
-              Tác hại của phân hóa học đối với an toàn thực phẩm và sức khoẻ:
Nitơ và phospho dư thừa sẽ theo nước xả xuống các thủy vực, là nguyên nhân gây ra ô nhiễm nguồn nước, hậu quả là do các quá trình hoạt động của vi sinh vật sẽ làm giảm oxy của nguồn nước ở hạ lưu, gây tác động xấu đến hệ sinh thái. Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn khi sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ những người trực tiếp sử dụng các nguồn nước hoặc sử dụng các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat. Theo các nghiên cứu gần đây, nếu trong nước và thực phẩm hàm lượng nitơ và photpho, đặc biệt là nitơ dưới dạng muối nitrit và nitrat cao quá sẽ gây ra một số bệnh nguy hiểm cho người đặc biệt là trẻ em, với 2 khả năng sau: gây nên chứng máu Methaemoglobin và ung thư tiềm tàng. 
Trong những thập niên gần đây, mức NO3- trong nước uống tăng lên đáng kể mà nguyên nhân là do sự sử dụng phân đạm vô cơ tăng, gây rò rỉ NO3- xuống nước ngầm. Quy định hàm lượng tối đa NO3- trong nước uống của Ủy ban châu Âu là 50 mg/l, của Mỹ là 45 mg/l, của Tổ chức y tế thế giới (WHO) là 100 mg/l.

Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa Phospho trong nguồn nước làm giảm khả năng hấp thu Canxi vì chất này lắng đọng với Canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều Canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ. 

2.                  Về các loại hóa chất độc hại diệt cỏ dại, trừ mối, trừ sâu:

Cũng nhằm bảo vệ cỏ sân golf, tất cả các sân golf đều dùng nhiều loại chất độc hóa học để diệt các loại sâu bọ, các loại gián, mối, và các loại côn trùng khác, đặc biệt loại thuốc diệt cỏ dại và diệt tuyến trùng được dùng với liều lượng lớn. Nói chung, số lượng các loại chất độc hại này cũng thường gấp 5 lần so với đất nông nghiệp và các cây trồng nông nghiệp.

Không như phân bón, liều lượng chất độc hóa học này và chu kì sử dụng là không cố định, bởi phụ thuộc rất nhiều yếu tố không xác định như: thời điểm xuất hiện dịch bệnh, ảnh hưởng của thời tiết, mưa gió… vì vậy không thể có định mức chính xác về số lượng và chu kỳ sử dụng chất độc hóa học dùng cho sân golf, mà chỉ có thể có con số thống kê kinh nghiệm.

Theo thống kê của các nhà khoa học, tại Nhật Bản, một sân golf quy mô bình thường, khoảng 50 ha sử dụng 3-4 tấn chất sát trùng, thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu mỗi năm, tính ra 1 ha sân golf sử dụng từ 60 kg đến 80 kg/năm. Áp dụng mức này cho sân golf TSN sẽ thấy mỗi năm sân golf TSN sử dụng từ 60 kg/ha x 111 ha = 6.660 kg đến 80kg/ha x 111 ha = 8.880 kg.

Tác hại đến môi trường của các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ:
Theo nghiên cứu của chuyên gia Charles Melton tại Đại học California, đa số các loại phân hóa học và thuốc trừ sâu dùng cho sân golf đều có chứa các hợp chất nitrogen và phosphorus, tuy giúp ích cho sân golf nhưng gây tổn hại cho môi trường. Nếu trời mưa hoặc sân golf được tưới nước sau khi bón phân hóa học và thuốc trừ sâu, các hóa chất này sẽ hòa tan và trôi theo dòng nước đến nguồn nước xung quanh. Do có thêm nitrogen, Phytoplankton - một loại vi sinh vật sống nhờ nitrogen - tăng trưởng nhanh hơn, mạnh hơn, dẫn đến chất thải của chúng cũng nhiều hơn, và khi chết, Phytoplankton chìm xuống đáy, trở thành thức ăn cho các loại vi sinh vật khác. Khi số vi khuẩn bùng nổ, sẽ không đủ ô-xy cho cá và các loại động vật sống gần đáy. Do thiếu ô-xy, khu vực này sớm trở thành khu vực chết bởi không có sinh vật nào có thể sống sót.

Cũng theo ông Melton, việc sử dụng thuốc trừ sâu ở sân golf sẽ làm tăng lượng thủy ngân có hại cho sức khỏe. Một nhóm nghiên cứu ở Canada đã lấy mẫu đất từ những khu vực trồng cỏ và đường lăn bóng của một sân golf và mẫu bùn lắng của các kênh dẫn nước. Sau khi phân tích, các chuyên gia nhận thấy các khu vực trồng cỏ có mật độ thủy ngân cao nhất và vượt tiêu chuẩn môi trường của Canada. Phần bùn lắng của một hồ ở sân golf cũng có mức thủy ngân cao hơn mức ở một hồ khác cách đó hơn 8 km. Cá ở hồ sân golf cũng có nhiều thủy ngân hơn cá ở hồ kia.

Thuốc trừ sâu không chỉ gây tổn hại nguồn nước và môi trường nước mà còn có thể gây hại cho sức khỏe con người. Trong thuốc trừ sâu có những thành tố có thể đe dọa cả con người lẫn động vật. Mỗi lần sử dụng thuốc trừ sâu và phosphate hữu cơ, mọi loại khí thoát ra từ thuốc trừ sâu sẽ phát tán trong không khí và được hấp thụ ở các môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường. Thường thuốc trừ sâu phát tán trong không khí sẽ xâm nhập vào con người qua phổi và da. Tiếp xúc liên tục có thể gây ra hàng loạt hậu quả cho sức khỏe, nhẹ thì bị ngứa mắt, ngứa mũi, ngứa cổ, nhức đầu, choáng váng, còn nặng hơn thì bị tổn thương hệ thần kinh trung ương và thận, tăng nguy cơ ung thư và gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Trong số những chất độc này có diazinon, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ năm 1988 đã cấm sử dụng chất diazinon tại các sân golf và trang trại trồng cỏ.
Thuốc trừ sâu sân golf sẽ làm ô nhiễm nước ngầm thành phố, nguy hại nhất trước hết là cho dân chúng sống xung quanh sân golf TSN, phải hứng chịu 189 Tấn phân hóa học và gần 9 Tấn chất độc hóa học hàng năm này.

Xin nhắc lại câu chuyện người dân thuộc xóm Gốc Đa, nơi liền kề với sân golf Tam Đảo không ít lần kiến nghị vì mỗi lần sân golf phun thuốc trừ sâu và thuốc giữ ẩm cho cỏ là bầu không khí nồng nặc mùi hóa chất gây ngột ngạt, khó thở. Nước thải của sân golf được chảy trực tiếp ra mương thủy lợi. Một lượng lớn hóa chất từ sân golf ngày càng ngấm sâu vào nguồn nước đe dọa sức khỏe của người dân. Nguồn nước sinh hoạt ở đây đang có biểu hiện nhiễm hóa chất. Nước xuất hiện mùi khét khó chịu, dù được đun sôi nhưng ít ai dám uống.

Mọi người cũng chưa quên cá Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt đã từng có lúc chết hàng loạt, truy tìm nguyên nhân, đã phát hiện ra chính là phân hóa học và chất độc của sân golf ở cạnh hồ. Chủ sân golf đã tìm mọi cách để xử lý, với chi phí vô cùng tốn kém, nhằm mục đích giữ lại sân golf đẹp nhất Châu Á này, vốn được xây dựng bởi vị Hoàng đế ăn chơi xa xỉ Bảo Đại từ năm 1920.

Trên thế giới đã có rất nhiều sân golf, nhưng hầu hết nằm ở vùng đất xa dân cư, và đòi hỏi chủ sân golf phải đầu tư rất tốn kém cho việc bảo vệ môi trường. Hầu như không có ai đặt sân golf giữa vùng dân cư, vì một lẽ đơn giản là cho dù siêu lợi nhuận của sân golf là vô cùng lớn nhưng cũng khó đáp ứng được đòi hỏi của các biện pháp xử lý tác hại môi trường.

Theo luật Việt Nam, trong báo cáo đầu tư xây dựng công trình buộc phải kèm theo báo cáo tác động môi trường, cơ quan phê duyệt đầu tư phải xem xét nghiêm túc tác động môi trường. Xin hỏi trong báo cáo đầu tư xây dựng sân golf TSN có báo cáo tác động môi trường không? Cơ quan phê duyệt đầu tư có xét tới tác động môi trường không? Cơ quan nào phê duyệt?

Chúng tôi nghĩ rằng vì tính mạng và sức khỏe của nhân dân Hồ Chí Minh trước hết là Nhân dân quận Tân Bình, đặc biệt là của cư dân xung quanh sân golf Tân Sơn Nhất, nên chăng các cơ quan quản lý môi trường của các cấp chính quyền thành phố kiểm tra lại tác động môi trường của sân golf TSN và có kết luận thích đáng.

                                                         

No comments:

Post a Comment