Monday, September 19, 2016

Ba hoa cái tôi, cái tội và cái tồi

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 17/09/2016,        http://www.thesaigontimes.vn/151329/Ba-hoa-cai-toi-cai-toi-va-cai-toi.html,            Thành ngữ Việt Nam có câu “học ăn, học nói, học gói, học mở”, nhưng tiếc thay nhiều người của công chúng, từ ca sĩ, người mẫu nổi tiếng đến đại gia hay quan chức quyền uy, vì quên mất lời nhắn nhủ của người xưa nên mới có những phát biểu gây sốc trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.

Chỉ xét theo khía cạnh quản trị truyền thông, chúng ta có thể nhìn thấy những lời “chém gió”, thái độ “khinh người”, “ta đây” và những lời dối trá, đạo đức giả sẽ nhanh chóng trở thành vạ miệng. Trong kinh doanh, 80% uy tín của một con người được xây dựng từ những lời nói ra và thái độ của họ nên cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng.
Đó là ứng xử khi thất bại và cả lúc thành công, ứng xử với con nợ và chủ nợ, ứng xử với khách hàng, với nhân viên, với đối tác, với các cổ đông... Ấy là thước đo bản lĩnh, trình độ văn hóa, nhân cách và cả sự thông minh, sự khôn ngoan của người chủ doanh nghiệp. Giá như mỗi lần nói dối thì mũi dài ra, như trong truyện cổ tích, hay mỗi lần mị dân thì tai dài ra, thì hay biết mấy! Nhưng rất tiếc là đôi khi lộng giả thành chân, nhiều kẻ vênh mặt khoe khoang tiền bạc và quyền lực, hoặc sử dụng sự thông minh để làm những chuyện lưu manh, tráo trở.
Cái tôi
Có lẽ không nên trích dẫn những câu nói hợm mình làm bẩn trang báo. Những kẻ phát ngôn gây sốc với chủ đích quảng cáo, tự lăng xê chính mình, thể hiện quyền lực đều có chung một cái tôi xấu xí. Cái tôi bị đặt sai chỗ nên chẳng phải là lòng tự trọng, cũng chẳng phải là sự tự hào chính đáng, mà là sự tự kiêu vô lối, tự cao tự đại và tự hủy hoại hình ảnh của mình.
Cái tôi có thể được phô trương lộ liễu qua áo quần, xe hơi, đồ trang sức... Cái tôi đó vẫn còn có thể hiểu được và chúng ta cũng có thể chúc mừng sự giàu có của họ. Nhưng dựa vào những áo mão cân đai và sự khoe mẽ để khinh miệt người khác là một điều không thể chấp nhận.
Có kẻ kiêu căng, xem trời bằng vung, đến khi vướng vào vòng lao lý thì nhũn như con chi chi. Có kẻ may mắn vừa bước lên đài danh vọng, đã quên ngay những ngày hàn vi. Thế là giàu mà không sang, chẳng bằng kẻ nghèo mà không hèn. Khi thất thế sa cơ, liệu các bộ mặt đó sẽ thế nào? Và họ có thể chịu đựng được cái thân phận xuống dốc thê thảm của mình để không làm những điều xằng bậy không? Cái tôi chân chính chẳng bao giờ cứu được nếu cái tôi xấu xí đã ăn hết lục phủ ngũ tạng.
Những nhà doanh thương lừng danh như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô..., những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng và cả những chiến sĩ anh hùng có bao giờ để cái “tôi” trên cái “chúng ta” đâu!
Cái Tội
Một phát ngôn sai là chuyện vô cùng bình thường, nhất là ở lứa tuổi chưa trưởng thành. Một phát ngôn do lỡ lời cũng rất thường xảy ra. Phải xét ở thái độ là vô tình hay cố ý. Chẳng ai chê trách, làm tình làm tội một người nói sai vì thiếu thông tin, vì nhận thức kém, vì trình độ giới hạn, nhưng ba hoa, kênh kiệu thì chỉ chuốc lấy sự chê trách của dư luận.
Cái tội muốn nói đến ở đây là tội nghiệp.
Từ “tội nghiệp” trong tiếng Việt rất hay. Nó không như danh từ pity trong tiếng Anh là lòng thương hại. Tội nghiệp được dùng như một lời ta thán đầy sự thông cảm, chia sẻ và phán xét vừa bao dung vừa công bằng. Nếu phát ngôn sai mà được dư luận nhìn nhận là tội nghiệp thì thật là còn may mắn.
Lịch sử thế giới có rất nhiều phát ngôn tội nghiệp, nhưng vẫn có một giá trị nhất định nào đó, vì họ phát biểu với góc nhìn hoặc tầm nhìn bị hạn chế, vì họ hiểu và tiên liệu chưa đúng. Năm 1902, nhà toán học và thiên văn lừng danh Simon Newcomb đã nhận định rằng bay với những chiếc máy nặng nề trong không khí là điều viển vông và vô nghĩa, nếu không nói là bất khả thi. Nhưng 18 tháng sau lời phát biểu đó, anh em nhà Wright thực hiện một chuyến bay lịch sử tại Kitty Hawk (Bắc Carolina) mở đầu cho thời kỳ phát triển công nghiệp máy bay vô cùng mạnh mẽ. Hay Henry Ford đã nhận được lời khuyên của một người bạn tốt là chủ tịch ngân hàng Michigan Savings khi bày tỏ ý định muốn lập nhà máy sản xuất ô tô: “Rồi những chú ngựa vẫn được tiếp tục sử dụng, còn xe ô tô chỉ là thứ mới lạ được sử dụng trong phút chốc mà thôi”. Darryl Zanuch, nhà sản xuất phim lừng danh của 20th Century Fox đã nhận xét cách đây khoảng 70 năm rằng: “Ti vi sẽ không tồn tại lâu, vì mọi người sẽ sớm chán việc mỗi tối nhìn chằm chằm vào cái hộp gỗ”. Ngay cả thiên tài làm phim Charlie
Chaplin cũng tiên đoán sai về nghệ thuật thứ 7 mà ông yêu mến: “Phim chiếu rạp chỉ là mốt nhất thời. Chúng như các vở kịch được đóng hộp. Cái khán giả muốn thấy là những cơ thể bằng xương bằng thịt trên sân khấu”.
Những người đã nhận xét như thế không phải là tội đồ. Họ rất tội nghiệp. Họ không ba hoa.
Cái Tồi
Vậy làm sao tránh được vạ miệng, tránh được việc bị ném đá, bị chê bai, thậm chí bị xếp vào loại tồi theo nhiều nghĩa xấu nhất của từ này? Một người của công chúng, nhất là quan chức hay chủ doanh nghiệp mà phát ngôn ba hoa, nói thánh nói tướng, nói bất chấp dư luận, bất chấp sự thật, thì thật là một thảm họa. Nói dại sẽ nguy hiểm hơn nói dai, nói dài.
Kỹ năng và nghệ thuật phát ngôn
Phát ngôn là tạo cầu nối với truyền thông và dư luận, là cơ hội làm sáng tỏ sự thật, lẽ phải và qua đó xây dựng hình ảnh và uy tín, thể hiện sự chân thành và khiêm tốn, thể hiện năng lực xuất sắc về chuyên môn của bản thân. Khéo ăn nói là kỹ năng rất quan trọng (tránh “lời nói, đọi máu”). Lời nói không mất tiền mua, nhưng nếu ta đã biết bệnh vào từ cửa miệng thì họa thường do miệng phát ra. Đó là nguyên tắc nằm lòng đầu tiên.
Đã là kỹ năng thì có thể học và thực hành, nếu chúng ta biết giới hạn của cái tôi, biết rõ những gì là cái tội và cái tồi để tránh. Muốn cao tay ấn trước bao phóng viên rất trình độ, biết đặt nhiều câu hỏi thông minh, lắt léo và đâm thấu chỗ nhược, muốn vượt qua thì phải giỏi sử dụng ngôn từ và thật bản lĩnh. Không có cách nào khác, vì im lặng hay né tránh trong những trường hợp này có thể bị xem là thua cuộc, có lỗi và bất lực.
Luôn chuẩn bị tốt cho một cuộc họp báo, cần hiểu mọi lý do đưa đến các câu hỏi có thể sẽ được đặt ra trong cuộc họp báo. Hãy tỏ ra sự quan tâm, hứng thú và tin tưởng đối với đề tài muốn nói. Nếu không tạo được niềm cảm hứng và tin tưởng cho bản thân mình thì sẽ khó có thể làm điều đó cho người khác. Thiếu tự tin, sự tự nhiên và tâm thế tự do thì rất khó nói đúng và nói cho hay. Nên phác thảo trước những thông tin cần cung cấp cho báo chí như các số liệu thống kê, các kết quả nghiên cứu hay các bằng chứng bảo đảm tính chính xác và độ tin cậy.
Lập luận phải logic, có cơ sở và vững chắc. Chính kiến phải rõ ràng, quang minh chính đại. Xin đừng nói những gì mà bạn không dám chắc 100%.
Lời cuối nhưng không là lời cuối cùng, các thông điệp được chuyển tải luôn tuân thủ tám nguyên tắc: rõ ràng và xúc tích, chân thật và xây dựng, tích cực và chân thành, khiêm tốn và bản lĩnh.
Lời nói luôn có một sức mạnh rất đặc biệt. 

Nguyễn Thanh Lâm

No comments:

Post a Comment