Việc Trung Quốc tổ chức khai trương AIIB được xem là dấu mốc quan trọng của hệ thống các định chế tài chính lớn tại châu Á và trên thế giới, nhưng nó lại diễn ra trong một bối cảnh không thực sự thích hợp.
Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh nhau trên thương trường
Một sự kiện đáng chú ý diễn ra trên thế giới trong tuần này là việc Trung Quốc đã chính thức khai trương Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với tổng số vốn lên tới 100 tỷ USD.
Việc ra đời AIIB được xem là yếu tố quan trọng định hình khuôn khổ các quỹ tài chính lớn trên toàn cầu, bên cạnh Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Nhiều chuyên gia trên thế giới đã nói về tương lai các quỹ tài chính lớn trên thế giới theo thế kiềng ba chân, khi mà thế giới giờ đây đã có 3 tổ chức tài chính lớn có thể tác động tới sự phát triển của toàn cầu.
Tạo thế kiềng 3 chân
Nhận định trên có thể chính xác, đúng là giờ đây khuôn khổ các quỹ tài chính đang là kiềng ba chân với ba nhánh WB, ADB và AIIB. Nhưng cũng giống như chân kiềng, khi một chân ngắn hơn hai chân còn lại, thì áp lực mà nó phải chịu cũng là lớn nhất.
Việc Trung Quốc tổ chức khai trương AIIB có quy mô lên đến 100 tỷ USD do nước này khởi xướng đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất với mức đóng góp 29,78 tỷ USD, diễn ra trong một bối cảnh không thực sự thích hợp.
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong suốt 3 thập kỷ tăng trưởng vừa qua, khi nhân dân tệ liên tục mất giá còn thị trường chứng khoán (TTCK) nước này thì đang rơi vào tình trạng trì trệ nhất từ trước đến nay. Bất chấp những khó khăn đang phải đối mặt, việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân khai trương AIIB được xem là một dấu mốc quan trọng của hệ thống các định chế tài chính lớn tại châu Á và trên thế giới.
Nếu như bỏ qua những vấn đề liên quan đến việc tăng cường ảnh hưởng chính trị của giới lãnh đạo Trung Quốc, việc thiết lập AIIB được xem là một bước đi quan trọng đối với sự phát triển kinh tế trong tương lai của châu Á.
Đã từ lâu, khu vực châu Á chủ yếu nằm dưới tầm ảnh hưởng của hai định chế tài chính lớn là WB và ADB. Cả hai ngân hàng phát triển này đều chịu ảnh hưởng và sự chi phối của Mỹ, khi Mỹ luôn là cổ đông hàng đầu tại cả hai ngân hàng. Dù cả WB lẫn ADB đều đặt mục tiêu hàng đầu là xóa đói giảm nghèo, những khoản chi lớn nhất của hai tổ chức tài chính này là đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, vốn được xem là khâu có vai trò tác động lớn nhất tới phát triển kinh tế của các quốc gia.
Theo đó, trong 5 năm gần nhất, tổng vốn đầu tư mà WB cam kết sẽ đổ vào các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á là 39,7 tỷ USD; còn ADB đạt khoảng trên 60 tỷ USD. Trong đó, khoản đầu tư cho cơ sở hạ tầng châu Á luôn chiếm trên 70% nguồn vốn phân bổ hàng năm của ADB. Tuy nhiên, dù đã bỏ ra những khoản tiền lớn như vậy, tổng mức đầu tư của WB lẫn ADB đều mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng ở các quốc gia châu Á. Cụ thể, số tiền 39,7 tỷ USD mà WB đã chi ra trong 5 năm vừa qua chỉ đáp ứng được 1,1% nhu cầu của các nước châu Á và 4,1% nhu cầu của các nước Đông Nam Á. Còn con số trên 60 tỷ USD của ADB chỉ đáp ứng được 1,4% nhu cầu của cả châu Á.
Trong khi đó, theo tính toán, tổng số tiền mà các quốc gia châu Á cần để phát triển cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ năm 2010-2020 là khoảng 8.000 tỷ USD. Ngoài việc không đủ khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu vốn của các quốc gia châu Á, WB và ADB còn bị phàn nàn về những điều kiện hết sức ngặt nghèo mà hai định chế này đặt ra để đổi lấy những khoản vay. Chủ yếu là những ràng buộc về mở cửa và cải cách nền kinh tế, hay cải cách về chính trị. Đôi khi những đòi hỏi này gây ra những hậu quả nặng nề, như trường hợp Indonesia trong giai đoạn khủng hoảng tài chính châu Á là một ví dụ.
Nước này đã phải chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt về cải cách chính trị và nền kinh tế để đối lấy những khoản vay, kết quả cuối cùng là những hậu quả trầm trọng vượt ra ngoài dự tính của các quan chức WB. Ngoài ra, các định chế của WB và ADB cũng thường bị các nước châu Á phàn nàn là lạc hậu và chậm đổi mới, gây ra những khó khăn của các nước trong việc tiếp cận nguồn vốn vay.
Trong bối cảnh đó, AIIB ra đời được xem như một luồng gió mới thổi vào bầu không khí ngột ngạt vì thiếu vốn và các điều kiện ngặt nghèo mà WB và ADB tạo ra.
Dù có nguồn vốn ít hơn (100 tỷ USD so với 163 tỷ USD và 278 tỷ USD của ADB và WB), bù lại AIIB được xem là sẽ cởi mở hơn trong việc phân bổ nguồn vốn vay, với các điều kiện cởi mở hơn. Các quốc gia châu Á nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung từ nay có thêm lựa chọn để đa dạng hóa nguồn vốn vay phát triển cơ sở hạ tầng, thay vì phụ thuộc vào WB và ADB như trước. Đó là chưa kể, sự ra đời của AIIB cũng buộc Mỹ phải tìm cách cải tổ cách thức tổ chức và hoạt động của hai định chế là WB và ADB sao cho phát triển hơn trong cuộc cạnh tranh với AIIB.
Nhưng chân nào ngắn sẽ chịu áp lực lớn nhất
Tuy nhiên, không phải một khi AIIB được khai trương là đã có thể chen chân vào hệ thống các định chế tài chính tại châu Á một cách dễ dàng.
Cựu chuyên gia về Trung Quốc thuộc Bộ tài chính Mỹ, David Loevinger, cho rằng: “Mở một ngân hàng phát triển là việc dễ, còn điều hành được nó mới là việc khó”. Một thực tế là Trung Quốc gần như không có bất cứ kinh nghiệm nào trong việc điều hành một định chế tài chính đa phương lớn như AIIB. Dù Trung Quốc đã cam kết sẽ áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về quản trị và minh bạch tại AIIB, nhưng rõ ràng việc các quốc gia thành viên sáng lập khác của AIIB đồng thuận rằng cần thời gian để ngân hàng mới này đi vào hoạt động cũng là một sự thừa nhận về năng lực điều hành có hạn của chính phủ Trung Quốc.
Chính vì Trung Quốc không có kinh nghiệm điều hành hoạt động, nên AIIB đang được dự báo sẽ trở thành cái chân kiềng ngắn nhất, tức phải chịu nhiều áp lực nhất. Nói cách khác, nó sẽ phải đóng vai trò học việc một thời gian nhất định trước khi có thể tự đứng ra tổ chức các hoạt động của riêng mình.
Theo dự kiến, AIIB sẽ hợp tác với ADB trong việc hoàn tất các dự án cơ sở hạ tầng mà ADB đã triển khai trước đó. Nói cách khác, AIIB sẽ đảm nhận phân khúc khó nhằn nhất để đổi lấy kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Và điều này sẽ không sớm chấm dứt trong ngày một ngày hai. Viễn cảnh trong tương lai gần với AIIB là: WB và ADB sẽ tiếp tục giữ vị trí hoạch định các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng chủ chốt ở châu Á, trong khi đó AIIB sẽ giữ vai trò hoàn tất các công đoạn cuối của các dự án đó.
Việc thiết lập một tổ chức tài chính đa phương như AIIB cũng buộc Trung Quốc dần phải học cách tuân thủ các quy tắc quốc tế. Sẽ không có chuyện các doanh nghiệp Trung Quốc dễ dàng được nhận các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn tại châu Á xuất phát từ các gói vay vốn mà AIIB thực hiện.
Theo luật, các dự án này sẽ được đấu thầu một cách công khai và không có ưu ái. Nếu như Trung Quốc không muốn mất tiền chỉ để lấy tiếng, thì các doanh nghiệp và lãnh đạo nước này buộc phải hành xử theo các quy tắc quốc tế. Nói tóm lại là, trong ba chân kiềng, chân nào ngắn nhất thì phải chịu áp lực lớn nhất.
Nhàn Đàm
No comments:
Post a Comment