Đó là ví von của tạp chí tài chính Forbes (Mỹ) nhưng lột tả chân thực không khí ảm đạm của những phiên họp đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế thế giới(WEF) lần thứ 46 đang diễn ra ở Davos - Thụy Sĩ. “Tình hình tài chính thế giới trở nên quá bất ổn, châm ngòi cho những làn sóng vỡ nợ và phá sảnmới sớm bùng nổ” - ông William White, Chủ tịch Ủy ban Rà soát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhấn mạnh.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và nhà sáng lập WEF Klaus Schwab (phải) tại hội nghị Ảnh: REUTERS
Chia sẻ với báo Telegraph (Anh) tại Davos, ông White cảnh báo tình trạng hiện nay tồi tệ hơn nhiều so với năm 2007 - thời điểm bùng phát khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi tất cả “đạn dược” để chống chọi với suy thoái kinh tế đã cạn kiệt. Những ánh mắt lo ngại đặc biệt hướng về khoản nợ ngày càng chồng chất của Trung Quốc, vốn dùng để kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính và quốc hữu hóa những công ty sống dở chết dở.
Theo Viện McKinsey Global, tổng nợ của nền kinh tế số 2 thế giới đã tăng từ mức xấp xỉ 160% GDP vào thời điểm bắt đầu khủng hoảng tài chính nói trên lên mức 280% hiện nay. Kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc đồng nghĩa với việc phần lớn số nợ đó sẽ không hẹn ngày trả. Trong khi đó, tổngnợ công và nợ doanh nghiệp tại các nền kinh tế đang nổi (EM) hiện đạt mức 185% GDP. Đau đầu hơn, phần lớn số nợ doanh nghiệp này lại gắn chặt với đồng USD. Khi đồng nội tệ của các EM tiếp tục hạ giá so với tờ bạc xanh, gánh nặng nợ nần càng trầm trọng, nhất là khi tăng trưởng của các nền kinh tế này tiếp tục teo tóp.
Kinh tế châu Âu và Mỹ được kỳ vọng có thể làm đầu tàu dẫn dắt kinh tế toàn cầu thoát khỏi hố sâu nợ nần nhưng giới phân tích chứng minh sự lạc quan này là sự hiểu lầm chết người. Theo Telegraph, một cuộc bùng nổ nợ ở quy mô tương tự đang xảy ra trên khắp 34 quốc gia của OECD - tổng nợ hiện tương đương 265% GDP.
Thu Hằng
No comments:
Post a Comment