Nhân dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, dư luận quốc tế đã có nhiều đánh giá tích cực, coi đây là một sự kiện quan trọng đối với Việt Nam và là bước đệm giúp Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trong tương lai.
Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam là cột mốc lịch sử quan trọng trong tiến trình đổi mới toàn diện và đồng bộ được tiến hành từ năm 1986. Đó là nhận định của bài xã luận đăng trên trang thông tin điện tử của hãng thông tấn Prensa Latina (Cuba) ngày 19-1 và được trang mạng latinamerica.shafaqna.com đăng lại.
Bài viết nhận định trong 30 năm thực thi chính sách đổi mới vừa qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng cả về kinh tế - xã hội, văn hóa, chính trị và ngoại giao. Trong đó, thành tựu nổi bật cần nhắc đến chính là sự chuyển mình của Việt Nam, từ một quốc gia nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, giành được vị thế quốc tế đáng kể trong quan hệ ngoại giao cũng như thương mại.
Bài viết nhấn mạnh Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII với trọng tâm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam được dư luận quốc tế đánh giá là sự kiện quan trọng Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, trang tin Bloomberg nhận định kinh tế Việt Nam tiếp tục là điểm sáng giữa lúc các nền kinh tế mới nổi lớn nhất thế giới - gồm Nga, Brazil và Trung Quốc - đang loạng choạng. Theo bài viết, Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng kinh tế vững chắc gần 7% trong năm 2016 này, qua đó trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhu cầu trong nước tăng cộng với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bùng nổ giúp Việt Nam ứng phó được những mối đe dọa toàn cầu đã gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu và tình trạng tiền tệ giảm giá.
Một báo cáo hồi tháng 1-2016 của Ngân hàng ANZ nhận định Việt Nam sẽ có thêm 2 năm 2016 và 2017 đầy xán lạn. “Người dân Việt Nam đang lạc quan hơn về tương lai” - Trinh Nguyen, nhà kinh tế học về thị trường châu Á mới nổi tại Ngân hàng Natixis SA, nhận định. Theo Bloomberg, bản dự thảo kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cho thấy Việt Nam nhắm đến mục tiêu nâng GDP bình quân đầu người lên 3.200 USD - 3.500 USD vào năm 2020 so với bình quân 2.171 USD vào năm 2015, theo ước tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam phấn đấu kìm giữ lạm phát ở mức 5% và thâm hụt ngân sách không quá 4% GDP.
Trao đổi với TTXVN, bà Poldi Sosa, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam, cũng đánh giá cao tình hình phát triển của Việt Nam thời gian qua. Bà khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò tiên phong trong tất cả thành tựu của đất nước. Theo bà, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn lãnh đạo thành công nhân dân trên con đường xây dựng đất nước. Cuối cùng, bà bày tỏ hy vọng Đại hội Đảng lần này sẽ đưa ra chính sách mới để phát triển đất nước trong tương lai và đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.
Giới truyền thông Trung Quốc đưa tin đa dạng về công tác chuẩn bị cũng như chương trình nghị sự của Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam. Tân Hoa Xã ngày 19-1 nhấn mạnh người dân Việt Nam kỳ vọng lớn lao vào ban lãnh đạo mới của đất nước khi Đại hội XII diễn ra và nhận định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang đứng trước cơ hội mới.
Trả lời trước truyền thông Pháp, GS Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Úc, dự đoán các lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ tăng cường quan hệ với Mỹ và các đối tác khác trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 18-1, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân cho biết đã có 156 thư điện của các chính đảng và bạn bè các nước trên thế giới gửi chúc mừng Đại hội XII, con số cao nhất ở các kỳ đại hội.
LỤC SAN
No comments:
Post a Comment