TBKTSG: Thưa ông, Đại hội XI năm 2010 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 7,5% trong giai đoạn 2011-2016, nhưng ngay sau đó đã phải thay đổi để chuyển sang ổn định kinh tế vĩ mô. Đến nay, thì mục tiêu ổn định vĩ mô đã cơ bản đạt được. Ông có thể nói gì về điều này?
- Ông Vương Đình Huệ: Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trước tình hình suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn dự báo và những khó khăn về kinh tế vĩ mô trong nước, Đảng và Nhà nước đã quyết định điều chỉnh từ mục tiêu phát triển nhanh sang tăng trưởng ở mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Đó là bước chuyển hướng chiến lược, và đến nay tôi có thể khẳng định chúng ta đã thành công kép. Chúng ta chuyển hướng đã đúng, và tổ chức thực hiện tốt để đạt được thành quả như vậy.
Lập lại ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là thành quả của năm 2015 mà là của cả quá trình thực hiện rất bền bỉ và kiên trì. Nếu chúng ta tăng trưởng 7%, mà lạm phát đến 17-18% thì có ý nghĩa gì đâu. Năm nay chúng ta tăng trưởng gần 6,7% mà lạm phát chỉ dưới 1% là thành quả rất tốt. Việc chuyển hướng có tính chiến lược vào thời gian đầu nhiệm kỳ là sự lựa chọn hết sức khó khăn. Quá trình thảo luận, hoàn thiện dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trung ương đều thống nhất, đánh giá việc điều chỉnh mục tiêu là hết sức đúng đắn và chúng ta đã thực hiện thành công.
Hơn nữa, năm 2015 chứng kiến kinh tế thế giới và Trung Quốc sụt giảm, tỷ giá các đồng tiền trong khu vực biến động mạnh, mà chúng ta cơ bản giữ được kinh tế vĩ mô ổn định thì đó là điểm sáng.
TBKTSG: Nhìn vào cơ cấu kinh tế hiện nay, đâu là những điểm ông lưu tâm nhất?
- Một trong những vấn đề tôi còn băn khoăn là động lực tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực có tỷ trọng xuất khẩu chiếm 65-70% tổng xuất khẩu của cả nước. Mà bản thân khu vực này chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa, tỷ lệ giá trị gia tăng rất thấp, và tác động lan tỏa của ứng dụng công nghệ và quản trị với nền kinh tế còn yếu.
Trong khi đó khu vực kinh tế trong nước, gồm doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh... còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp tăng trưởng vẫn thấp, xuất khẩu thì giảm cả về lượng và giá trị.
Chúng ta phải suy nghĩ, tại sao trong một quốc gia mà lại có sự lệch pha giữa hai khu vực kinh tế là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, mà tôi muốn gọi là doanh nghiệp dân tộc? Thậm chí có một số chuyên gia còn nói với tôi là họ lo ngại có rủi ro “hai nền kinh tế trong một quốc gia”. Chúng ta phải làm như thế nào để khu vực doanh nghiệp trong nước mạnh lên? Đó là câu hỏi lớn, tôi cho đó là trọng tâm của 2016 mà chúng ta nên làm.
TBKTSG: Vậy câu trả lời của ông là gì?
- Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải tập trung nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới. Chúng ta đã chứng kiến làn sóng đầu tư thứ nhất vào thời kỳ đổi mới từ 1986 và làn sóng đầu tư thứ hai vào những năm 2000 sau khi có Luật Doanh nghiệp. Giờ đây, chúng ta có Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi theo những nguyên tắc hiện đại, tiến bộ, minh bạch; và có hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp.
Chúng ta cần có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung thuận lợi mà ai cũng được hưởng; phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp trong nước và cả khu vực FDI thì việc quan trọng đầu tiên là chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và thực thi; phải áp đặt kỷ luật thị trường cho tất cả doanh nghiệp. Đó là tác động theo chiều ngang - cách tác động tốt nhất ở mọi quốc gia. Thứ hai, chúng ta phải tác động theo chiều dọc, tức là tác động chính sách đến từng loại hình doanh nghiệp.
TBKTSG: Thưa ông, vấn đề là phải tiếp tục cải cách khu vực DNNN nếu muốn có thêm không gian cho khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển?
- Đúng như vậy. Ban Kinh tế Trung ương trong năm 2015 đã hoàn thành Đề án “Tiếp tục đổi mới và cải cách khu vực DNNN”. Một trong những nội dung quan trọng là giải quyết vấn đề đại diện chủ sở hữu đối với DNNN theo hướng hạn chế, đi đến xóa bỏ vai trò đại diện chủ sở hữu DNNN của các bộ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tiến tới thành lập một cơ quan chuyên trách để làm nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước. Cơ quan chuyên trách đó mô hình như thế nào, cách vận hành ra sao, chúng tôi đã nêu ra vài phương án. Lựa chọn phương án nào là do Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội sẽ xem xét quyết định.
Cho dù phải còn tính toán thêm, nhưng tinh thần đó đã được nêu trong Kết luận của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa X về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và cũng đã được đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XII của Đảng.
Vấn đề thứ hai là phải áp đặt kỷ luật thị trường đối với DNNN, nâng cao năng lực quản trị của DNNN, tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả quá trình cổ phần hóa và thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo nguyên tắc thị trường.
Đấy là hai hướng mà chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
TBKTSG: Xây dựng các loại thị trường vẫn còn đang là đại vấn đề từ nhận thức, đến hành động. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Một trong những trọng điểm của năm 2016 và các năm tiếp theo, theo tôi là cần gỡ bỏ các vướng mắc để phát triển đồng bộ các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ.
Tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ và đồng bộ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Chúng ta phải kiên trì giải bài toán này.
Thị trường hiện đại ở đây là gì? Là phải có thị trường phát triển, đồng bộ cả về trình độ, quy mô, cơ cấu và đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Chúng ta cần nhận thức rõ nhiều vấn đề về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu là do còn có nhiều vướng mắc trong phát triển các loại thị trường. Nếu chúng ta chỉ tập trung tháo gỡ thủ tục hành chính, mà không tháo gỡ những vướng mắc về các yếu tố thị trường và các loại thị trường thì chúng ta vẫn không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản.
Tôi lấy ví dụ, chúng ta muốn xử lý nợ xấu cho thực chất thì phải có thị trường mua bán nợ, mà muốn có thị trường mua bán nợ thì phải phát triển các định chế tài chính và các thể chế cần thiết cho thị trường này.
Ví dụ thứ hai là thị trường tài chính. Chúng ta đối diện vấn đề cân đối ngân sách và áp lực nợ công là vì thị trường trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu dài hạn còn kém phát triển. Muốn phát triển thị trường trái phiếu dài hạn thì phải xây dựng được đường cong lãi suất chuẩn, và phải có thị trường chứng khoán phái sinh.
Ngay cả với nông sản, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề thị trường thì luôn gặp điệp khúc được mùa rớt giá. Đến tháng 5, tháng 7 là dưa hấu lại chất đống ở cửa khẩu. Tất cả là bài toán thị trường hết, không chỉ là thị trường xuất khẩu, mà còn thị trường trong nước và thị trường biên mậu nữa. Muốn giảm thiểu rủi ro cho người nông dân thì phải có sàn giao dịch, có thị trường giá cả tương lai, để san sẻ bớt rủi ro của người sản xuất, của nông dân sang cho các nhà thương mại, chứ không chỉ khổ người nông dân. Đối với thị trường đầu vào của nông nghiệp cũng vậy, có giải quyết bài toán thị trường thì mới mong có vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp có giá cả hợp lý và chất lượng tốt.
Một vấn đề tôi muốn nói thêm là chúng ta cần chuyển trọng tâm từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Tôi muốn nhấn mạnh đến tinh thần thượng tôn pháp luật. Chúng ta có một hệ thống pháp luật tốt, tăng cường trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là của người đứng đầu thì mọi việc mới hữu ích được. Khâu thực thi pháp luật của chúng ta còn bất cập, chưa được như mong muốn. Đây là điều phải khắc phục.
Tư Giang
|
Friday, January 22, 2016
Ông Vương Đình Huệ: “Phải tiến tới KT thị trường hiện đại”
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 21/01/2016, http://www.thesaigontimes.vn/141453/Ong-Vuong-Dinh-Hue-Phai-tien-toi-KT-thi-truong-hien-dai.html, Nhân dịp năm mới 2016, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng Vương Đình Huệ trao đổi với TBKTSG về những vấn đề phát triển kinh tế trong giai đoạn tới.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment