Friday, January 22, 2016

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển'

Báo VnExpress, ngày 22/01/2016,           http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/bo-truong-bui-quang-vinh-doi-moi-he-thong-chinh-tri-la-dieu-kien-de-phat-trien-3346539.html,          Nhìn lại thời điểm Việt Nam từng có vị thế rất đáng nể, thu nhập bình quân ngang bằng thế giới nhưng nay chỉ chưa tới một phần năm bình quân toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho đây là điều cần suy ngẫm.

Kéo dài hơn 16 phút nhưng tham luận của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với
nội dung chính là bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay trước yêu cầu cải cách
bức thiết nhận được sự tập trung tuyệt đối của hơn 1.000 đại biểu tham dự
phiên thảo luận tại Đại hội Đảng sáng nay (22/1). 

Nhìn lại quá trình đổi mới 30 năm, cũng như hơn 7 thập kỷ sau khi giành độc lập, người đứng đầu ngành kế hoạch & đầu tư cho rằng thành tựu lớn nhất là đưa Việt Nam từ một trong những nước nghèo nhất thế giới trở thành một nước có thu nhập trung bình. Từ 1986 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng 4 lần, số hộ nghèo từ trên 50% giảm xuống còn dưới 5%.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, thực tế Việt Nam hiện nay vẫn còn thua kém nhiều các quốc gia trong khu vực và thế giới. "Ít ai biết rằng đầu thế kỷ XIX, Việt Nam đã có một vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như kinh tế. Lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp 1,5 lần Thái Lan... Thu nhập bình quân ngang bằng thế giới. Nay mức thu nhập của người dân chưa tới một phần năm bình quân toàn cầu và tương đương một phần ba Thái Lan", ông Vinh so sánh.
Cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng nhưng kết quả có được sau 30 năm tiến hành đổi mới và khoảng 40 năm sống trong hoà bình, tức là tương đương nhiều nước trong khu vực, lại là một điều cần suy ngẫm.
bo-truong-bui-quang-vinh-doi-moi-he-thong-chinh-tri-la-dieu-kien-de-phat-trien
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng khu vực tư nhân cần là trọng tâm phát triển trong giai đoạn mới. Ảnh: Nhật Minh
Một nguy cơ khác đối với Việt Nam hiện nay là việc nền kinh tế đang đi gần tới giai đoạn cuối của giai đoạn dân số vàng (dự kiến kết thúc vào khoảng 2020-2025). Trong khi đó, những động lực còn lại như tài nguyên, vốn đầu tư, những thành quả về thể chế của Đổi mới 1986 đã gần như tới hạn. Đất nước lại phải bước ra sân chơi hội nhập, phải chấp nhận cạnh tranh... Trong bối cảnh đó, ông Vinh cho rằng đổi mới hơn nữa và phát triển đất nước là một nhiệm vụ cấp bách.
Trích lục lại rất rõ trang 99 của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, được thông qua chính tại hội trường này cách đây 5 năm, nêu rõ đổi mới chính trị cần đi đôi với đổi mới kinh tế, bản tham luận tái khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ này chính là thước đo cao nhất cho thành công của 30 năm Đổi mới. 
Theo Bộ trưởng Vinh, Việt Nam đã tích cực đổi mới thể chế kinh tế, song nhiệm vụ đổi mới chính trị gần như chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn. "Chính vì vậy, công cuộc đổi mới trong 5 năm qua chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn", vị trưởng ngành nhận xét.
Thành tựu lớn nhất của 30 năm qua được nhận định là chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thị trường. Đây chính là động lực giúp thay đổi cuộc sống của người dân, đưa đất nước phát triển. Trong khi đó, theo phân tích của Bộ trưởng Vinh, cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước và các cấp gần như không thay đổi. "Một hệ thống chính trị phù hợp với nền kinh tế kế hoạch hoá trước đây, đặc biệt là trong hoàn cảnh chiến tranh nay đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường, thậm chí còn là rào cản, trở ngại cho sự phát triển", ông nhận xét.
Vì vậy, việc đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với nền kinh tế là một yêu cầu hết sức cấp bách. "Đảng là lãnh đạo cao nhất của đất nước, cần chủ động và nghiêm khắc nhìn lại mình, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết mà Đại hội đã xác định", ông Vinh nói đồng thời nhận định đây là nhân tố tiên quyết, quan trọng nhất cho quá trình đổi mới tiếp theo.
Về đổi mới thể chế kinh tế, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng cần thực hiện trên 3 trụ cột.
Trước hết, việc phát triển kinh tế cần đi đôi với bền vững về môi trường. Theo đó, Việt Nam cần có mức tăng trưởng cao và ổn định trong vòng 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân 7% (tương đương tăng GDP), để đạt mức thu nhập 15.000-18.000 USD một đầu người vào năm 2035.
Trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà kinh tế đoạt giải Nobel - Paul Krugman: "Năng suất không phải tất cả nhưng về lâu dài, nó gần như là tất cả", Bộ trưởng Vinh khẳng định tăng năng suất là con đường duy nhất giúp Việt Nam đạt được mục tiêu nêu trên, bởi năng suất lao động của Việt Nam hiện ở mức rất thấp so với khu vực, sau khi liên tục sụt giảm từ năm 1990 đến nay.
Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng cần tập trung cao độ phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, bởi sức khoẻ của doanh nghiệp nội là sức khoẻ của nền kinh tế. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực này thông qua hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản và xác lập các quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; thúc đẩy và tạo điều kiện cho khởi nghiệp; xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học.
Trụ cột thứ 2 được nhắc tới là công bằng và hội nhập xã hội (bình đẳng cho mọi người). Theo phân tích của vị trưởng ngành Kế hoạch, quá trình phát triển, cạnh tranh ở mức cao sẽ khiến khoảng cách giàu nghèo tăng lên. Nhà nước, nhất là nhà nước xã hội chủ nghĩa, khi đó cần thực hiện chức năng, tạo điều kiện cho mọi người dân có khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản nhất, đảm bảo công bằng trong phát triển.
Trụ cột thứ 3 là nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Điều này là một quá trình phức tạp do lịch sử để lại. Bên cạnh đổi mới ở bộ máy công chức, nguyên tắc thị trường cần được áp dụng đầy đủ hơn, phân biệt khu vực công - tư, bảo vệ quyền tài sản, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quản trị Nhà nước, hoạch định chính sách...
Để đạt được điều này, ông Vinh và các nhà khoa học xác định, Việt Nam cần thực hiện các chuyển đổi lớn, bao gồm: Xây dựng một nhà nước pháp quyền hiện đại với nền kinh tế thị trường đầy đủ, xã hội dân chủ phát triển ở trình độ cao; Thúc đẩy hiện đại hoá nền kinh tế song hành với nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân; Phát triển năng lực sáng tạo, lấy khu vực tư nhân làm trung tâm; Bảo đảm công bằng xã hội; Phát triển bền vững và môi trường; Tăng cường tính kết nối giữa các vùng kinh tế...
Với những phân tích nêu trên, ông Vinh bày tỏ hy vọng có thể giúp thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách đúng đắn cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
"Nước ta đang đứng trước bước ngoặt của đổi mới và phát triển. Để đạt được khát vọng hướng tới Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là cải cách các vấn đề nêu trên. Chúng tôi tin tưởng rằng những thế hệ người Việt Nam hiện nay chắc chắn có đủ ý chí, bản lĩnh và năng lực để thực hiện", ông Vinh kỳ vọng
Nhật Minh

No comments:

Post a Comment