Dư luận lo ngại việc quan chức đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm để “nín thở qua sông”, “hoãn binh chi kế” chứ không hẳn nhận ra cái sai của chính mình.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo về tình hình tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018 và tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương. Sau phần báo cáo, bộ trưởng nhận trách nhiệm về việc để xảy ra những sai phạm mà ông cho là nghiêm trọng.
Việc người đứng đầu ngành giáo dục nhận trách nhiệm là cần và nên làm nhưng điều dư luận quan tâm hơn chính là sau khi nhận trách nhiệm về những khiếm khuyết, bê bối của kỳ thi THPT quốc gia 2018, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cần sớm có hành động cụ thể, quyết liệt. Xã hội đang cần có câu trả lời minh bạch, công bằng về sai phạm và cách xử lý những cá nhân, tổ chức liên quan, kể cả trách nhiệm người đứng đầu.
Với một sai phạm bê bối trong ngành GD-ĐT đặc biệt nghiêm trọng như vậy, ảnh hưởng đến tương lai của rất nhiều thí sinh và gia đình, ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội, gây tổn thương cho những học sinh trung thực và những nhà giáo chân chính…, thì ở nhiều nước trên thế giới, kết cục là việc từ chức của bộ trưởng.
Có ý kiến cho rằng ở ta khó từ chức vì còn một vài lý do khá tế nhị, trong đó có cả quan niệm chức vụ của một người là do nhân dân ủy thác và Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân để bố trí, bổ nhiệm hoặc giới thiệu ra ứng cử… Với quan niệm như vậy, người cán bộ, công chức các cấp xem việc bố trí, bổ nhiệm, lên xuống, ra vào là chuyện của tổ chức; còn bản thân thụ động chờ đợi tổ chức phân công, nói làm thì làm, nói nghỉ thì nghỉ.
Cũng vì vậy, có ý kiến lo ngại không khéo việc xin lỗi, nhận trách nhiệm đã bị lạm dụng. Trước công luận gay gắt, bức xúc, đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm để "nín thở qua sông", "hoãn binh chi kế" chứ không hẳn nhận ra cái sai của chính mình.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment