Quan hệ giữa Mỹ và Nga bắt đầu dồn dập căng thẳng ngay sau thời điểm các nhà lãnh đạo của 2 cường quốc:
Dồn dập đòn kinh tế
Theo một sắc lệnh được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ký trước đó, bắt đầu từ ngày 5/8, Nga áp thuế suất bổ sung 25-40% lên nhiều hàng hóa Mỹ, từ thiết bị phục vụ làm đường, ngành công nghiệp dầu khí, máy gia công kim loại và sợi quang học…
Đây là đòn đánh nước Nga nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế 25% với thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ Nga trước đó.
Ở chiều ngược lại, trong một diễn biến mới nhất, Mỹ bất ngờ tuyên bố sẽ trừng phạt nặng Nga do vụ đầu độc cựu điệp viên 2 mang. Theo đó, trong khoảng 2 tuần nữa, Mỹ sẽ ngừng cấp phép cho hoạt động xuất khẩu sang Nga những mặt hàng an ninh nhạy cảm bao gồm cả những thiết bị và các bộ phận điện tử cũng như các thiết bị thử nghiệm và kiểm định máy dành cho ngành hàng không.
Ông Donald Trump và Putin tại Helsinki. |
Mỹ cũng đang tính toán trừng phạt vòng 2 với khả năng ngăn chặn tất cả các khoản vay ngân hàng Mỹ với các doanh nghiệp Nga, cấm hãng hàng không Aeroflot của Nga bay đến Mỹ và lệnh cấm các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Nga sau vụ cáo buộc Nga hạ độc cựu điệp viên người Nga tại Anh.
Gói biện pháp trừng phạt vòng 2 sẽ được kích hoạt 3 tháng sau đó, trừ khi Nga cung cấp được những “đảm bảo đáng tin cậy” về việc họ không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và đồng ý cho Liên Hợp Quốc (UN) tiến hành các cuộc kiểm tra trực tiếp tại hiện trường ở Nga.
Gần đây, có thông tin cho thấy, Mỹ có thể sẽ giúp Ukraine sản xuất máy bay. Theo Interfax-Ukraine, các doanh nghiệp của Mỹ và Séc vừa có thỏa thuận sẽ giúp 1 tập đoàn của Ukraine về hợp tác trong việc thiết kế và sản xuất máy bay tại Ukraine.
Đây được xem là một đón tấn công của Mỹ vào nền công nghiệp quốc phòng của Nga. Nó cũng được xem là hành động mở rộng và kéo dài các biện pháp trừng phạt của Washington và phương Tây đối với Moscow. Hiện Ukraine đã lâm vào tình thế đối lập với Moscow. Kiev sẽ là quân bài quan trọng để Washington và đồng minh kiềm chế Moscow.
Sự căng thẳng Nga Mỹ diễn ra trong bối cảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và ông chủ nước Nga Vladimir Putin đang có mối quan hệ khá tốt đẹp.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov vừa đưa ra lời xác nhận về lá thư mà ông Trump gửi Putin. Theo đó, thượng nghị sỹ Mỹ Rand Paul là người chuyển lá thư của Tổng thống Donald Trump cho Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một chuyến thăm Moscow. Lá thư đề cập đến cách thức Washington và Moscow có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm chống khủng bố.
Mỹ và Ukraine có thể sẽ hợp tác sản xuất máy bay. |
Donald Trump, Putin vẫn nồng ấm?
Trước đó, ông Trump đã có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Putin tại Helsinki với một thái độ được truyền thông Mỹ đánh giá là quá mềm mỏng với Nga. Sau cuộc họp, cả 2 tổng thống đều khẳng định đã đạt được một bước tiến lớn.
Hãng thông tấn Nga TASS hôm 8/8 dẫn nguồn tin từ tờ Politico khẳng định, một tài liệu của Nga bị rò rỉ cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đã đề xuất với người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/7 ở Helsinki một loạt sáng kiến cụ thể về kiểm soát vũ khí. Theo đó, 2 quốc gia có thể cùng nhau hợp tác để giảm thiểu các mối nguy hạt nhân và tái xây dựng một phần lòng tin đã mất.
Cho tới gần đây, ông Donald Trump dường như vẫn đang muốn Mỹ cải thiện quan hệ với Nga, bất chấp 2 đảng của Mỹ đều kịch liệt phản đối và đe dọa tăng cường các biện pháp trừng phạt với Nga.
Trước đó, sau cuộc khủng hoảng Crimea hồi 2014, nước Mỹ thời ông Obama còn là tổng thống, đã sử dụng nhiều phương án, trong đó có hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính hà khắc, nhưng vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Các cuộc tập trận với quy mô lớn nhỏ khác nhau được Mỹ cùng đồng minh liên tiếp tổ chức chủ yếu chỉ mang lại hiệu ứng tinh thần.
Cách tiếp cận với Nga của ông Trump có nhiều điểm khác biệt. Hồi tháng 4, ông Trump được cho đã ra lệnh tạm hoãn ban hành lệnh trừng phạt kinh tế tăng thêm đối với Nga vì lo ngại gây ảnh hưởng đến nỗ lực của ông trong việc đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin về các vấn đề chống lực lượng Hồi giáo cực đoan, an ninh mạng...
Với khẩu hiệu “Make America Great Again”, ông Trump muốn xây dựng một trật tự thế giới do Mỹ là người giữ vai trò lãnh đạo. Trong đó, Mỹ coi việc giải quyết mối quan hệ với 2 cường quốc Nga và Trung Quốc là nhiệm vụ then chốt.
Ngay từ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump đã chỉ trích chính sách bao vây, cấm vận của Chính quyền Obama đối với Nga là kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn tài lực của đất nước. Ông Trump muốn thực hiện cách tiếp cận mới, kể cả xem xét xóa bỏ lệnh cấm vận, thiết lập lại quan hệ đối tác với Nga.
Sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, 2 nhà lãnh đạo Mỹ và Nga đã điện đàm trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng và đều thể hiện mong muốn và phát triển quan hệ hợp tác Nga - Mỹ, mở ra hy vọng về một chương mới quan hệ tốt đẹp hơn giữa 2 nước vốn nhiều thù địch.
Trong khi đó, với con mắt của 1 nhà kinh tế, ông Trump thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại nhiều vấn đề phức tạp hơn như: tình trạng nhập siêu của Mỹ, vấn đề Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và trên hết là tham vọng thống trị về công nghệ với chiến lược “Made in China 2025” và mở rộng tầm ảnh hưởng tại Á, Âu, Phi thông qua kế hoạch “Một vành đại một con đường”.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã thành công trong chiến lược “Trỗi dậy hòa bình” và đã trở thành cường quốc có vai trò và ảnh hưởng ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Giờ đây tham vọng của Trung Quốc ngày càng lớn và những va chạm lợi ích địa chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ đang ngày càng trở nên sâu sắc, có thể gay gắt hơn so với quan hệ giữa Nga và Mỹ.
H. Tú
No comments:
Post a Comment