Thursday, June 29, 2017

TP. HCM cần 100.000 tỷ đồng để chống ngập

Báo VnExpress, ngày 20/09/2015, http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tp-hcm-can-100-000-ty-dong-de-chong-ngap-3281838.html

Vì sao đầu tư gần 29.000 tỷ đồng TP. HCM vẫn ngậpTrong 5 năm tới thành phố xây nhiều công trình thoát nước, cống kiểm soát triều, hồ ngầm điều tiết... nhưng các chuyên gia cho đây là phương án "cấp cứu tạm thời".

Trong kế hoạch chống ngập trên khu vực rộng 550 km2, giai đoạn 2016-2020, TP. HCM tiếp tục thực hiện Quy hoạch 752 và 1547 Thủ tướng đã phê duyệt với tổng kinh phí 100.000 tỷ đồng. "Dù thành phố có huy động mọi nguồn lực ngân sách và xã hội hóa thì vẫn còn thiếu hơn 43.000 tỷ đồng. Vì vậy thành phố kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và nguồn vay từ Ngân hàng nhà nước", một lãnh đạo UBND TP cho biết.

Với số tiền này, thành phố sẽ đầu tư các công trình thoát nước và xử lý nước thải cho vùng trung tâm, Bắc, Đông bắc, Đông Nam và phía Tây như kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (gần 9.900 tỷ đồng); rạch Xuyên Tâm quận Bình Thạnh (5.100 tỷ đồng); xây 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao với gần 60.000 tỷ đồng; xây dựng 200 km cống thoát nước với mức đầu tư 11.610 tỷ đồng.


ngap-17-2607-1381294207.jpg
Để giải quyết ngập thành phố cần 100.000 tỷ đồng. Ảnh: An Nhơn.
Bên cạnh đó, thành phố triển khai xây 8 cống kiểm soát triều (Vàm Thuật, rạch Nước Lên, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định); 68 cống nhỏ dưới đê; 19 km đê bao sông Sài Gòn với tổng kinh phí hơn 12.800 tỷ đồng. 

3 hồ điều tiết cũng được xây (trong tổng số 103 hồ đã quy hoạch với tổng diện tích 875 ha) gồm: Gò Dưa (quận Thủ Đức 95 ha, giai đoạn một sẽ xây dựng 25 ha); Bàu Cát (quận Tân Bình, 4 ha) và Khánh Hội (quận 4; 4,8 ha) với tổng kinh phí hơn 950 tỷ đồng. 

Đây là giải pháp đầu tiên thành phố thực hiện nhằm giải quyết cho các khu vực đang bị ngập và ngăn chặn những điểm mới phát sinh. Dự kiến hồ Bàu Cát được khởi công trong quý 2 năm sau và hoàn thành sau 8 tháng. Với kinh phí gần 100 tỷ đồng, đây là hồ ngầm sâu bằng bêtông cốt thép với khả năng chứa khoảng 10.000 m3 nước, phục vụ chống ngập cho khu vực 20 ha.

"Nếu thành phố thực hiện xong các dự án theo quy hoạch thoát nước giai đoạn 2016-2020 sẽ hết ngập, nhưng lượng mưa phải không vượt tần suất dự báo", ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP. HCM - nói về tính khả thi của kế hoạch.

Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn KHCN và Quản lý TP. HCM) cho rằng, về lý thuyết việc xây hồ điều tiết sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập úng. Nhưng với tình hình hiện nay dù xây 103 hồ với diện tích chưa đến 1.000 ha "thì cũng chẳng thấm vào đâu chứ nói chi 3 hồ".
"San lấp hàng trăm nghìn ha đất sình lầy, kênh rạch để xây khu đô thị, cao ốc... giờ đi xây hồ điều tiết với vài ha giống như muối bỏ biển. Chưa kể bây giờ tấc đất là tấc vàng, lấy đất đâu ra để xây hồ, tiền đâu mà bồi thường cho nổi", ông Phúc nói.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Phúc, dù huy động đủ 100.000 tỷ đồng để đầu tư cũng không đảm bảo thành phố sẽ hết ngập. Bởi nguyên nhân ngập là do quy hoạch xây dựng của thành phố đã sai khi san lấp hết những vùng đầm lầy ở Nhà Bè, quận 7.

"Đây là vùng tiêu thoát nước đã được người Pháp quy hoạch, giờ có xây cống, hồ cũng chỉ là cấp cứu tạm thời. Muốn giải quyết gốc rễ phải làm sao trả lại những diện tích ao hồ, kênh rạch đã bị san lấp để nước có nơi tiêu thoát", ông Phúc nhấn mạnh.


ngap-25-3283-1381294208.jpg
TP HCM được cho là khó hết ngập vì kênh rạch bị san lấp quá nhiều, không có nơi cho nước thoát. Ảnh: An Nhơn.
Đồng quan điểm, song Tiến sĩ Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (ĐHQG TP. HCM) - cho rằng không thể không xây hồ điều tiết vì đây là giải pháp xử lý ngập theo tư duy mới. Xem việc trữ nước để hạn chế gây ngập cũng quan trọng như thoát nước, không nhất thiết phải tống nước đi ngay. Trữ nước còn để giảm tải cho hệ thống thoát nước và cũng phục vụ nhiều việc khác trong đời sống hàng ngày.

"Xây hồ điều tiết chắc chắn sẽ giúp giải quyết tình trạng ngập úng nhưng không dễ vì nó không giống như xây cái cống. Ngoài ra, vài cái hồ cũng chưa phát huy được hiệu quả nhiều. Phải xem việc xây hồ là kế hoạch dài hơi vì sẽ mất rất nhiều thời gian", ông Phi nói.

Về số tiền cần cho việc chống ngập, Tiến sĩ Phi cho rằng 29.000 tỷ đồng mà TP đã đầu tư "nghe thì rất lớn nhưng để giải quyết ngập cho cả thành phố thì chưa thấm vào đâu". Khi cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản lập Quy hoạch 752 cho thành phố, họ cho biết cần số tiền 150.000 tỷ để chống ngâp. Tuy nhiên, 10 năm qua Thành phố mới đầu tư được một phần năm nên hiệu quả mang lại chưa nhiều.

Ông Phi nói rằng, trong 5 năm tới thành phố cần ít nhất 50.000 tỷ đồng nhưng ngân sách cam kết chỉ 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Con số này quá chênh lệch chứng tỏ tính cam kết về mặt chống ngập chưa cao. "Có thể nói nguồn vốn là cam go, trở ngại lớn nhất để chống ngập ở TP. HCM. Việc chống ngập không phải thể hiện ở văn bản mà nó thể hiện ở việc phân bổ vốn", ông Phi nhận định.

Hữu Nguyên

No comments:

Post a Comment