Wednesday, April 19, 2017

Đã cải tiến thì đừng ‘lửng lơ’

Báo Vietnamnet, ngày 19/04/2017,  http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/sach-giao-khoa-da-cai-tien-thi-dung-lung-lo-359234.html

Để có các cuốn SGK ngày một tốt, điều quan trọng nhất là phải xác lập cho được một cơ chế biên soạn dân chủ, khoa học.

LTS: Bộ Giáo dục & Đào tạo vừa công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới (ngày 12/4). Bài viết dưới đây góp thêm góc nhìn về chủ trương "một chương trình, nhiều bộ sách" - một trong những nội dung của dự thảo lần này. 
Trong cuộc cải cách giáo dục lần thứ tư tính từ 1945 đến nay, thường được gọi là cải cách giáo dục toàn diện và triệt để, toàn bộ sách giáo khoa (SGK) ở trường phổ thông sẽ được biên soạn lại. Theo dự kiến, những cuốn sách mới đầu tiên sẽ phải được đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019.
Như vậy, về mặt lý thuyết, việc biên soạn SGK mới đang được xúc tiến mạnh ở những giai đoạn cuối cùng.
Không có những cuốn SGK hoàn hảo  
Quan sát dư luận trên báo chí và mạng xã hội sẽ thấy những tiếng nói kì vọng vào SGK mới không phải là ít. Điều đó rất dễ hiểu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khi SGK thường được chỉ ra như là một trong những nguyên nhân làm trì trệ giáo dục phổ thông.  
Tuy nhiên, cho dù cải cách giáo dục được tiến hành tốt thế nào cũng sẽ không bao giờ có một bộ SGK hoàn hảo. Ngay cả ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, SGK vẫn bị chính các chuyên gia giáo dục ở đó chỉ trích. Đơn giản vì SGK suy cho đến cùng chỉ là “phương án” giáo dục của một nhóm các tác giả nhất định.  
Một khi đã là SGK, cuốn sách sẽ có những nhược điểm cố hữu, như phải viết dựa trên chương trình định sẵn và tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để có thể vượt qua quy trình thẩm định. Điều này vừa giúp đảm bảo tiêu chuẩn vừa làm hạn chế tầm nhìn và cách tiếp cận phong phú. Do một số yếu tố, dung lượng SGK cũng sẽ phải tuân thủ trong một giới hạn.   
Để đảm bảo tính hệ thống tuân thủ theo chương trình, SGK sẽ được viết theo kiểu “trình bày la liệt”. Đây là một trong những yếu tố khiến cho rất nhiều người chỉ trích SGK lịch sử của Việt Nam kêu lên rằng “tại sao sách lại viết nhiều sự kiện, số liệu, ngày tháng như thế, làm sao học sinh nhớ và thuộc được?”.  
Thực ra, nếu xét về số liệu và dữ kiện thì SGK ở Việt Nam rất sơ sài. Những ai từng tiếp xúc với SGK của các nước có nền giáo dục tiên tiến hơn đều rõ trong SGK của họ có vô vàn các loại dữ liệu được tổng hợp lại dưới dạng biểu đồ, bảng biểu, số liệu thống kê, hình ảnh, bản đồ, nhưng được đưa vào và bố trí để học sinh phân tích, nghiên cứu chứ không phải để nhớ hay thuộc.  
Những hạn chế trên dẫn tới một đặc điểm là SGK, nhất là của các môn xã hội thường chỉ trình bày được “kết quả” mà không trình bày được quá trình tìm ra kết quả: phương pháp nghiên cứu nào, xuất phát từ giả thiết gì, nghiên cứu thế nào...? Cách trình bày này làm cho học sinh cảm thấy các môn khoa học, chẳng hạn như khoa học lịch sử, thiếu sức hấp dẫn.  
Sách giáo khoa, Cải cách giáo dục, Giáo dục phổ thông, Một chương trình một sách giáo khoa
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
Sự lạc hậu của SGK thực ra là nằm ở tư duy làm sách mà dễ thấy nhất là việc xác định vai trò của sách cũng như kĩ thuật tổ chức, cơ cấu các dữ kiện trong sách một cách có chủ đích nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục.  
Vì vậy, để có các cuốn SGK ngày một tốt, điều quan trọng nhất là phải xác lập cho được một cơ chế biên soạn dân chủ, khoa học, đảm bảo cho tất cả những ai là công dân Việt Nam có mối quan tâm và tài năng đều có thể tham gia và được cạnh tranh bình đẳng. Nếu cơ chế này được xác lập và bảo họ bằng pháp luật, các cuốn SGK tốt sẽ tồn tại, còn kém chất lượng sẽ bị loại bỏ.  
Đừng thay đổi lửng lơ 
Cơ chế biên soạn, phát hành và tuyển chọn SGK có ảnh hưởng lớn tới chất lượng và quan niệm về SGK. Về đại thể, trên thế giới hiện nay có 3 hình thức chủ yếu: “kiểm định”, “quốc định” và “tự do” (thường tồn tại ở các nước Bắc Âu).   
Trong hình thức kiểm định (như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan), nhà nước sẽ chấp nhận sự tham gia của nhiều nhóm tác giả và nhà xuất bản vào việc biên soạn, phát hành và nhường quyền tuyển chọn SGK cho các trường hay địa phương. Cơ chế quốc định (một chương trình một SGK) chỉ thừa nhận duy nhất một bộ sách do bộ giáo dục biên soạn và phát hành trên toàn quốc.  
Cơ chế kiểm định SGK không hoàn hảo, vì trên thực tế chẳng hạn Nhật Bản khi thực hiện cũng đã gặp nhiều vấn đề. Tuy nhiên, nó vẫn là cơ chế tiến bộ hơn nhiều so với cơ chế quốc định.   
Việt Nam trong cuộc cải cách giáo dục cơ bản, toàn diện lần này cũng sẽ thực hiện cơ chế “một chương trình - nhiều SGK”, đó là cách diễn đạt khác của cơ chế “SGK kiểm định”. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, cách làm của Việt Nam cho thấy có sự pha trộn giữa hai cơ chế, khi bộ GD&ĐT vẫn tham gia cả vào việc biên soạn, lựa chọn tác giả SGK.  
Ở Nhật Bản sau khi cơ chế kiểm định SGK có hiệu lực từ năm 1947, Bộ giáo dục Nhật Bản vẫn tiếp tục biên soạn và phát hành nhiều cuốn SGK khác cho bậc học phổ thông. Đó là bước đệm trong thời kì chuyển giao cơ chế và đã kết thúc sau một thời gian ngắn.   
Ở Việt Nam, cần phải có lộ trình minh bạch, công khai về giai đoạn bước đệm này, bởi nếu kéo dài nó sẽ làm cho cơ chế “một chương trình, nhiều SGK” chỉ tồn tại được trên danh nghĩa.  
Khi thực hiện hoàn chỉnh cơ chế này, bộ giáo dục chỉ làm hai việc chủ yếu là ban hành, sửa đổi quy chế và thẩm định SGK, rút khỏi việc trực tiếp biên soạn SGK và tài trợ cho các nhóm biên soạn hay các bản thảo được đánh giá cao. Kinh phí làm SGK sẽ do cơ chế thị trường đảm nhận, nhà xuất bản nào làm SGK tốt sẽ giành được thị phần lớn và ngược lại.  
Nguyễn Quốc Vương 
Giới thiệu : Hiện là Nghiên cứu sinh tại Nhật Bản. Lĩnh vực nghiên cứu: lịch sử giáo dục và giáo dục lịch sử Nhật Bản sau 1945.

No comments:

Post a Comment