Chuyến công du đến Mỹ của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì được dư luận thế giới rất quan tâm, bởi nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền mới tại Washington vẫn chưa cho thấy những nước đi tiếp theo, sau khi Tổng thống Donald Trump đã chính thức định dạng cho quan hệ Mỹ - Trung trong giai đoạn mới.
Bắc Kinh đã chủ động kết nối với Washington và ông Dương Khiết Trì được giao trọng trách thực hiện bước đột phá cho mối quan hệ này.
Theo giới quan sát thì việc sắp xếp cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Tập Cận Bình, là một trong những nội dung chính trong chương trình nghị sự của ông Dương Khiết Trì tại Mỹ.
Theo BBC ngày 28/2 cho hay, ông Dương Khiết Trì đã có các cuộc trao đổi với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ HR McMaster, Cố vấn cấp cao - con rể ông Trump - Jared Kushner, Chánh văn phòng Nhà Trắng Steve Bannon.
Và cuối cùng ông Dương cũng đã tiếp xúc với Tổng thống Donald Trump trong khoảng thời gian chỉ kéo dài 5 đến 7 phút.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì thăm Mỹ |
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì ông Dương Khiết Trì đã nói với Tổng thống Trump rằng, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường giao lưu với Mỹ ở tất cả các cấp, mở rộng hợp tác, tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau.
Tuy nhiên, theo quan chức cấp cao Nhà Trắng thì cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch tập Cận Bình vẫn chưa được bàn bạc cụ thể.
Như vậy, chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc đã không đạt kết quả như Bắc Kinh mong đợi.
Trump chưa sẵn sàng ra đòn với Bắc Kinh
Có thể nhận định, chuyến thăm của ông Dương Khiết Trì tới Mỹ không thể hiện sự xuống nước của Bắc Kinh trước Washington, mà đó là chuyến đi mang tính “rung trà” cho “cá nhảy”.
Điều khiến Trung Nam Hải sốt ruột khi Nhà Trắng chưa xuất chiêu là do Đại hội thứ 19 ĐCS Trung Quốc đang đến gần và quan hệ Mỹ - Trung có ảnh hưởng rất lớn đến nghị quyết của ĐH 19.
Có thể Tổng thống Trump đã định dạng cho quan hệ Mỹ - Trung và với vị thế của Mỹ trên thế giới cùng sự đổi thay lớn diễn ra trong đời sống chính trị Mỹ khiến cho Washington được xem là thực thể đóng vai trò định hình cho quan hệ Mỹ - Trung, còn Bắc Kinh sẽ là thực thể có những đổi thay phù hợp để thích ứng.
Vậy nhưng, cho đến lúc này thì chính quyền Trump vẫn chưa có những nước đi hay những động thái cụ thể mà qua đó có thể nhận diện một cách khái quát nhất quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ của Trump. Khi Washington không ra đòn thì Bắc Kinh không thể phản đòn, từ đó tạo định dạng cho mối quan hệ.
Nếu đời sống chính trị tại Trung Quốc không ở giai đoạn bản lề như hiện nay thì Bắc Kinh không có gì phải sốt sắng, vì lợi ích trong quan hệ Mỹ - Trung vẫn tiếp tục phát triển, Trung Quốc vẫn đang khai thác được nhiều lợi ích từ nước Mỹ. Không những vậy, Bắc Kinh còn có nhiều chiến lược mà việc sớm ra đòn của Trump có thể gây nguy hại.
Tuy nhiên, khi ĐH 19 đang đến gần và việc Trump “bình chân như vại” có thể khiến Trung Nam Hải rơi vào thế bị động. Do vậy, Bắc Kinh sẽ chủ động thực hiện động thái thăm dò phản ứng của chính quyền Trump, từ đó có thể hoàn thiện nghị quyết cho ĐH 19, và cũng đồng thời hoàn tất các chiến lược chuẩn bị nghênh đón Trump.
Vậy qua chuyến đi của ông Dương Khiết Trì, Trung Nam Hải có được điều mong muốn? Cá nhân người viết cho rằng, với những gì mà ông Dương thực hiện trong chuyến thăm Mỹ, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có thể thở phào: chính quyền Trump chưa sẵn sàng có những nước đi mới để chuyển trạng thái cho quan hệ Mỹ - Trung. Có thể nhận diện điều đó dưới hai khía cạnh :
Thứ nhất, nội dung và thời gian cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình với Tổng thồng Trump chưa được bàn bạc cụ thể và dường như Washington không nhiệt tình với việc đó. Có thể thấy rằng, chính Trung Nam Hải cũng không hẳn mong đợi cuộc gặp gỡ đó sớm diễn ra, bởi chính trường Mỹ vẫn chưa ổn định, chương trình hành động của chính quyền Trump vẫn chưa đạt hiệu quả rõ ràng.
Điều đó khiến cho những thoả thuận sớm đạt được giữa Washington và Bắc Kinh có thể sẽ gặp rào cản bởi các nhánh quyền lực khác của nước Mỹ khi lo ngại Trump có thể làm hại nước Mỹ.
Thứ hai, những vấn đề mà Bắc Kinh lo ngại đối mặt với Washington như vấn đề phát triển kỹ thuật hạt nhân của Triều Tiên, vấn đề Trung Quốc không ngừng quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông hay vấn đề Trung Quốc bị cho là thao túng tiền tệ gây bất bình đẳng trong quan hệ thương mại Trung - Mỹ, gần như không được đề cập trong chuyến thăm Mỹ của “sứ thần” Trung Quốc.
Trong khi đây là những vấn đề mà chính Tổng thống Trump cùng nhiều thành viên nội các của Trump đã thể hiện quan điểm cứng rắn với Bắc Kinh. Điều đó cho thấy chính quyền mới tại Washington chưa tìm ra công cụ hữu hiệu hoặc có thể Washington nhận diện lợi bất cập hại khi ra đòn. Như vậy là Bắc Kinh có thể yên tâm xây dựng chiến lược, triển khai kế hoạch của mình.
Khi Washington không thể hiện rõ quan điểm về các vấn đề nóng mà Bắc Kinh quan tâm sẽ khiến đối phương phải đoán mò, từ đó phải xây dựng nhiều giải pháp đối phó. Với một người luôn gây bất ngờ như Trump thì những kế hoạch, chiến lược mà Trung Nam Hải xây dựng, triển khai nhằm đối phó với Trump có thể đều chệch hướng.
Bàn cờ chính trị thế giới sẽ có nhiều đổi khác với các nước đi của bộ đôi quyền lực Donald Trump - Tập Cận Bình |
Có thể do Trump không ra đòn - vì với một người thích vận dụng kinh tế hoá chính trị với quan điểm thứ gì cũng có thể đánh đổi - thì những kế hoạch, chiến lược của Bắc Kinh nhằm đối phó với Trump sẽ luôn phải có lợi ích để đổi trao với đối thủ. Khi Trump không thể hiện rõ quan điểm thì việc phải tối đa hoá lợi ích cho nước Mỹ luôn là điều mà đối phương phải tính tới.
Trước đây, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Obama thì Washington luôn thể hiện sự linh hoạt, từ đó dần đưa mình vào thế cầu cạnh với Bắc Kinh và kết quả luôn là thua thiệt. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice thăm Trung Quốc ngay sau phán quyết của PCA, song kết quả thì Washington mất cả chì lẫn chài sau chuyến đi đó.
Bởi lẽ chuyến đi của bà Rice được cho là nhằm thực hiện một cuộc đổi trao giữa Bắc Kinh và Washington – Bắc kinh không làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông để đảm bảo cho ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton thắng cử, ngược lại Washington không lên án Bắc Kinh về việc phớt lờ phán quyết của PCA. Kết quả cuối cùng thì ai cũng đã biết.
Khác hẳn với người tiền nhiệm, Tổng thống Trump không thể hiện sự vội vã với Bắc Kinh – đối thủ được xem là nguy hại nhất với Washington hiện nay. Từ việc “im hơi lặng tiếng” khá lâu sau kết quả bầu cử tổng thống Mỹ đến việc định hình quan hệ Mỹ - Trung ngay trong lời ngỏ đầu tiên và nay thì chưa chịu thể hiện rõ ràng quan điểm trong kết nối quan hệ với Bắc Kinh.
Cho dù đã chiến thắng trước cựu Tổng thống Barak Obama trong thế trận không thể đảo ngược, song Chủ tịch Tập Cận Bình không thể không bất ngờ trước các nước đi cũng như các động thái của vị thổng thống doanh nhân của nước Mỹ.
Ngọc Việt
No comments:
Post a Comment