Ông Lý Hiển Long từng đạt danh hiệu xuất sắc về toán học ở Đại học Cambridge và được giảng viên hết lời ca ngợi.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Washington Post
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và phu nhân thăm Việt Nam từ ngày 21/3 đến 24/3 nhằm tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác trong ASEAN.
Ông Lý Hiển Long, sinh năm 1952, là con cả của thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu. Năm 1971, ông Lý theo học chuyên ngành toán tại trường Trinity của Đại học Cambridge, Anh. Năm 1973, ông trở thành người Singapore đầu tiên đạt danh hiệu sinh viên toán xuất sắc nhất (Senior Wrangler), theo Straits Times.
Senior Wrangler là người có điểm thi cao nhất trong số các sinh viên toán hàng đầu tại Cambridge. Chương trình giảng dạy toán ở trường Cambridge nổi tiếng là có độ khó cao và danh hiệu nói trên được coi là một trong những thành tựu trí tuệ lớn nhất có thể đạt được ở Anh.
Năm 1974, ông tốt nghiệp Cambridge với bằng cử nhân toán học hạng ưu. Ông còn có văn bằng khoa học máy tính tương đương thạc sĩ cũng tại trường Cambridge. Năm 1980, ông tốt nghiệp thạc sĩ quản trị công tại trường hành chính John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard.
Năm 1984, ở tuổi 32, ông đắc cử vào quốc hội Singapore, theo bước cha mình tiến vào con đường chính trị. Ông đảm đương nhiều vị trí quan trọng và vào năm 1990, ông được bổ nhiệm làm phó thủ tướng Singapore. Năm 2004, ông trở thành thủ tướng Singapore.
Những sinh viên xuất sắc nhất ngành toán của trường Cambridge như ông Lý đã trở thành các chuyên gia hàng đầu trong toán học, vật lý và các lĩnh vực khác. Vì vậy, nhiều người, đặc biệt là giảng viên của ông, bất ngờ khi ông Lý không đi theo con đường trở thành học giả mà tập trung vào sự nghiệp chính trị.
Lý Hiển Long (giữa) cùng bố mẹ là ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi. Ảnh: allsingaporestuff
|
Ông Lý giải thích trong một bức thư với giảng viên rằng ông "sẽ không bao giờ trở thành một nhà toán học", theo Must Share News.
"Nhà toán học có ít tiếng nói trong những gì diễn ra ở thế giới xung quanh. Điều này không quan trọng ở những nước phát triển lớn như Anh, nhưng ở Singapore, điều đó rất có vấn đề với tôi", ông viết.
Theo NUS, giáo sư toán học Bela Bollobas là giảng viên từng dạy cho ông Lý ở Đại học Cambridge. "Tôi chắc chắn tôi đã dạy ông ấy nhiều hơn bất cứ ai ở Cambridge, tôi có thể nói một cách trung thực rằng ông ấy là một sinh viên đặc biệt xuất sắc, tôi không chắc có nhiều người Singapore biết đến điều này hay không", ông Bollobas nói.
"Mọi người có thể cho rằng vì ông Lý hiện là thủ tướng nên tôi phải tán tụng ông ấy. Nhưng không, ông ấy thật sự nổi bật. Ông ấy là người đứng đầu và bỏ xa các sinh viên khác", giáo sư Bollobas chia sẻ.
"Tôi nghĩ rằng ông ấy đã học thêm khoa học máy tính chủ yếu là vì cha ông không muốn ông chỉ ở trong ngành toán học thuần túy. Ông Lý không chỉ chăm chỉ, tận tâm, chuyên nghiệp mà còn rất sáng tạo", ông nói thêm.
"Tất cả đặc điểm đó cho thấy rằng ông sẽ là một nhà nghiên cứu toán học tầm cỡ thế giới. Tôi chắc rằng cha ông không nhận ra con trai mình đặc biệt đến nhường nào. Ông ấy chỉ nghĩ ông Lý giỏi nhưng ông Lý còn ưu tú hơn thế", giáo sư nhấn mạnh.
"Tôi từng thuyết phục ông Lý Quang Diệu rằng 'hãy nhìn xem, con trai ông đặc biệt xuất sắc, ông nên khuyến khích cậu ấy đi theo ngành toán', nhưng ông Lý Quang Diệu ám chỉ điều đó là không thể, bởi vì nếu ông Lý Hiển Long trở thành một nhà toán học chuyên nghiệp hàng đầu và rời khỏi Singapore để đến Đại học Princeton, Harvard hoặc Cambridge thì điều đó sẽ gửi tín hiệu sai đến người dân Singapore".
"Tôi phải đồng ý rằng đây là một luận điểm rất có lý. Bây giờ tôi còn ấn tượng trước Thủ tướng Lý Hiển Long hơn những năm trước đây. Tôi rất tự hào vì tôi từng dạy ông ấy. Có vẻ ông ấy đã làm việc rất tốt. Tôi nghĩ rằng thật sự tốt cho ông Lý khi đi theo con đường chính trị. Ông ấy chắc chắn có thể làm nên nhiều điều khác biệt", giáo sư Bollobas nhận xét.
Phương v
ũ
ũ
No comments:
Post a Comment