Wednesday, March 29, 2017

Nhìn khác về GDP Việt Nam: Thêm gì để đo sức mạnh?

Báo Đất Việt, ngày 29/03/2017, http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/nhin-khac-ve-gdp-viet-nam-them-gi-de-do-suc-manh-3332062/

GDP không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá toàn diện sức khỏe nền kinh tế nhưng GDP là một trong những chỉ tiêu đại diện...

TS Trần Anh Tuấn - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu quan điểm.
Nhin khac ve GDP Viet Nam: Them gi de do suc manh?
Tổn thất do ô nhiễm môi trường chiếm tới 5,5% GDP. Ảnh minh họa
PV:- Số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, mức đóng góp của đầu tư cơ sở hạ tầng vào GDP trung bình 5,7%, cao nhất khu vực.
Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh lấy hẳn ví dụ từ câu nói nổi tiếng của Hà Giang "mỗi ngày một dự án" để nói về cuộc chạy đua đầu tư đáng báo động.
Vậy theo ông, tăng trưởng GDP nhờ hạ tầng có nên được ghi nhận như một tham số trong việc nhận định tốc độ phát triển nền kinh tế hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể.
TS Trần Anh Tuấn:- Trước hết, tôi phải khẳng định Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó, yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) là cần thiết. Đóng góp của đầu tư cơ sở hạ tầng vào tăng trưởng GDP cao với mức 5,7% cũng là rất bình thường.
Tiếp theo, tôi cũng cho rằng, tăng trưởng GDP nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn phải được ghi nhận như một tham số trong việc nhận định tốc độ phát triển kinh tế. Trong hầu hết các đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) hoặc các nghiên cứu đánh giá liên quan về những đóng góp của đầu tư cơ sở hạ tầng tác động tới tăng trưởng kinh tế là có.
Việc tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm sớm hoàn thiện các kết cấu hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt phát triển hạ tầng để kết nối, giúp phát huy các lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch là thật sự cần thiết và phải được chú trọng.
Tuy nhiên, như nhiều người đã nói vấn đề của Việt Nam không phải có nên đầu tư hay không đầu tư. Ở đây là "chắc" nhưng còn phải "chất" nữa. Tức là đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, biết ưu tiên những dự án mang tính đột phá, có khả năng tạo được điểm nhấn, tạo sức bật cho địa phương, cho kinh tế để ưu tiên làm trước.
Vì trong bối cảnh kinh tế hiện nay cũng như dựa vào tiềm năng và nguồn lực trong nước yêu cầu tập trung toàn bộ nguồn lực, dồn cho phát triển hạ tầng là yêu cầu bất khả thi, không thể thực hiện được.
Hơn nữa, ngoài yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật như các hạng mục công trình giao thông, các hạng mục công trình điện nước, cầu đường... thì những vấn đề về an sinh xã hội, các chính sách phúc lợi... vẫn phải được bảo đảm, không thể không thực hiện.
PV:- Từ trước tới nay, đã có nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc lại việc đánh giá mức độ tăng trưởng của nền kinh tế theo GDP. Ngoài vấn đề cách tính của Việt Nam hiện nay chưa đáng tin cậy, theo các chuyên gia, GDP chỉ phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn, không nói gì về tính bền vững của tăng trưởng, hay mức độ đánh đổi tăng trưởng...  Ông có đồng tình với nhận định nói trên hay không và vì sao? Và theo ông có nên coi GDP như một chỉ tiêu chính đánh giá tốc độ tăng trưởng như Việt Nam hay không?
TS Trần Anh Tuấn:- Sự tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào hai quá trình: sự tích luỹ tài sản (như vốn, lao động, và đất đai) và đầu tư những tài sản này một cách có năng suất hơn. Tiết kiệm và đầu tư là trọng tâm, nhưng đầu tư phải hiệu quả thì mới đẩy mạnh tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các chính sách của Chính phủ, thể chế, sự ổn định chính trị và kinh tế, đặc điểm địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên, và trình độ y tế và giáo dục, tất cả đều đóng vai trò nhất định ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, khi nói rằng GDP chỉ phản ánh tình hình kinh tế trong ngắn hạn hay dài hạn cần phải nhìn vào tốc độ phát triển GDP trong những năm trước và những dự báo trong thời gian tới cụ thể như thế nào? Vấn đề ở đây không phải là tăng trưởng bao nhiêu mà quan trọng là tăng trưởng phải ổn định, tăng trưởng phải bền vững.
Đó cũng chính là yêu cầu về chất lượng trong đầu tư. Vấn đề này, tôi đã nói rồi. Nếu tiếp tục đầu tư dàn trải, ngắn hạn, không có hiệu quả và còn gây thất thoát, lãng phí thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí có thể tạo ra những cú sốc cho nền kinh tế.
Về ý kiến cho rằng, đánh giá sức khỏe nền kinh tế không chỉ có GDP. Chỉ tiêu GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ Việt Nam nhưng quên rằng cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là Tổng thu nhập quốc gia (GNI - Gross National Income) và thu nhập quốc gia khả dụng (NDI - National Disposable income) chứ không phải chỉ tiêu GDP, tôi cho rằng nói như vậy cũng đúng.
Vì GNI = GDP + NIA - Trong đó, GNI là tổng sản phẩm nội địa (Gross Domestic Product),  NIA là (Net Income Abroad) - thu nhập ròng từ nước ngoài bằng các khoản thu từ ngoài đổ vào chuyển ra.
Còn GDP – là tổng giá trị của mọi hàng hóa dịch vụ được sản xuất trong biên giới của một quốc gia trong vòng 1 năm, không phân biệt các chủ thể kinh tế nội địa hay nước ngoài.
Ở những nước kém phát triển, như Việt Nam yếu tố NIA lúc nào cũng bị âm do thu nhập từ nước ngoài chuyển về nước rất thấp, trong khi đó doanh thu của các doanh nghiệp FDI từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài lại tăng nên NIA bị âm. Vì vậy mới có chuyện GDP luôn lớn GNI.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, GDP và GNI có thể có sự khác nhau về con số, cách tính nhưng hai chỉ số đó có mối quan hệ hỗ trợ nhau và không thể tách rời nhau, đứng độc lập được. Cả GDP và GNI đều là những chỉ số thể hiện một phần sức mạnh của nền kinh tế nội địa.
Nói một cách kỹ thuật, thì GDP chính là một phần của GNI. Khi ta lấy GDP cộng với thu nhập từ xuất nhập khẩu, các hoạt động quốc tế của các công ty trong quốc gia sẽ được GNI.
PV:- Như trên ông đã nói, GDP vẫn là một chỉ tiêu đánh giá tốc độ tăng trưởng nhưng theo ông, cần phải tham khảo thêm các chỉ số nào khác bổ trợ cho GDP để việc đánh giá tốc độ tăng trưởng nền kinh tế đạt được thực chất hơn?
TS Trần Anh Tuấn:- Vừa qua, Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển bền vững của Quốc gia. Trong đó có chỉ tiêu GDP xanh, là một trong những chỉ tiêu cần phải hướng tới để đảm bảo sự phát triển mang tính bền vững, đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, dù đã có trong chỉ tiêu của Chính phủ nhưng hiện nay chỉ tiêu GDP xanh vẫn chưa thể tính được.
Nhưng theo tôi, ở mỗi lĩnh vực cũng cần phải có một tham số để đánh giá, đo lường của riêng từng lĩnh vực và các chỉ tiêu đó có mục đích bổ sung cho nhau trong quá trình phân tích số liệu.
Bên cạnh đó, số liệu sử dụng để phân tích, đánh giá cả trong dài hạn hay ngắn hạn cũng phải là những số liệu được lấy theo chuỗi trong một khoảng thời gian dài, nhiều số liệu, số liệu thể hiện trong phạm vi rộng... để có những đánh giá mang tính toàn diện hơn.
Tôi lấy ví dụ, trong đánh giá kinh tế thì có chỉ tiêu GDP, GDP xanh, hệ số ICOR và cả những chỉ số bổ sung như CPI, chỉ số lạm phát, ...
Trong lĩnh vực xã hội, thì phân tích theo chỉ số GDP/đầu người theo phương pháp cân bằng thu nhập (tức là loại bỏ yếu tố chênh lệch xã hội), chỉ số phân hóa chênh lệch giàu nghèo, hoặc phân tích theo nhóm ngũ phân vị, nhóm thiên tai... có rất nhiều chỉ số để chúng ta có thể tham khảo.
Như vậy, GDP không phải là chỉ số duy nhất để có thể đưa ra đánh giá và phân tích toàn diện sức khỏe nền kinh tế nhưng GDP là một trong những chỉ tiêu đại diện phản ánh quy mô tăng trưởng của một nền kinh tế. Và chắc chắn để đánh giá được toàn diện nền kinh tế cần phải dựa vào nhiều chỉ tiêu khác bổ sung cho GDP.

PV:- Xin cảm ơn ông!
Lam Lam

No comments:

Post a Comment