Nhiệt điện chạy than nguy cơ ô nhiễm cao hơn thủy điện và năng lượng sạch. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, hạn chế.
Bài học nhiệt điện Vĩnh Tân
Bộ Công Thương hiện đang lấy ý kiến các địa phương gồm Long An, TP.HCM và các Bộ ngành liên quan về địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Long An.
UBND tỉnh Long An cho rằng địa điểm phù hợp nhất để xây nhiệt điện Long An là tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc (vị trí thứ hai) vì phù hợp với quy hoạch của Long An. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ Công Thương, Bộ GTVT và Tổng cục Năng lượng.
Trong khi đó, UBND TP.HCM không đồng tình với vị trí trên do có nhiều hạn chế về mặt bằng và nguy cơ không khí ô nhiễm phát tán đến thành phố.
Đưa ra quan điểm cá nhân, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI cho rằng cần phải xem xét, đánh giá nghiêm túc việc này.
Theo TS Phúc, không chỉ riêng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam mà tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, để có nguồn điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các nước đều phải tập trung phát triển nhiệt điện than.
Một vài nước như Na Uy, Phần Lan do có những lợi thế về sông ngòi, dòng chảy, nên tập trung phát triển thủy điện, sản lượng điện từ thủy điện chiếm khoảng 80-90% năng lượng điện cả nước. Một quốc gia khác là Pháp, đã tập trung phát triển điện nguyên tử, chiếm 50-60% năng lượng điện cả nước. Nhưng họ có trình độ cao, công nghệ hiện đại, nên chưa thấy xảy ra tai nạn.
“Điện nguyên tử nguy hiểm hơn nhiệt điện than mà các nước còn xử lý được, vậy thì tạo sao chúng ta lại e ngại không xử lý được ô nhiễm của nhiệt điện chạy than?”, ông Phúc đặt câu hỏi.
Đặc biệt, ông Phúc nhấn mạnh, thiết bị và công nghệ để giảm tác động ô nhiễm môi trường của của nhà máy nhiệt điện chạy than đã có sẵn, đã thành thương phẩm từ lâu trên thế giới. Cho đến nay, khoảng 50% năng lượng điện của thế giới được phát ra từ nhiệt điên chạy than, nhưng không nước nào kêu ca hay sợ hãi ô nhiễm môi trường.
Nhiệt điện chạy than nguy cơ ô nhiễm cao hơn thủy điện và năng lượng sạch. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, tháo gỡ. Ảnh minh họa |
“Vì sao? Vì họ nghiêm túc chấp hành Luật pháp Bảo vệ Môi trường, họ bỏ tiền lớn đầu tư cho thiết bị và công nghệ Bảo vệ Môi trường”, ông Phúc đặt câu hỏi và tự trả lời.
Nhìn lại thực trạng phát triển nhiệt điện của Việt Nam thời gian qua, vị chuyên gia cho rằng, có rất nhiều điều phải đánh giá và xem xét lại, khi nhiều dự án đã triển khai, nhưng không được kiểm soát tốt về mặt tác động môi trường, dẫn đến những hệ quả đáng tiếc.
Lấy dẫn chứng từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Vĩnh Tân 4 (Bình Thuận), TS Phúc chỉ ra một thực tế đáng buồn trong đầu tư dự án thời gian qua. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc khi triển khai dự án chỉ mong muốn lợi nhuận cao, thu lại vốn nhanh, nên không chú trọng nhiều đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường.
“Ví dụ, việc vận chuyển và xử lý tro xỉ không được chú trọng. Thậm chí người dân còn phản đối khi phát hiện nhà máy Vĩnh Tân đem giấu xỉ than ở trong rừng. Ô tô vận chuyển không những làm phát sinh bụi mà còn làm hỏng đường của dân.
Do đó với nhà máy nhiệt điện tại Long An tôi cho rằng cần nghiêm túc chấp hành Luật pháp Bảo vệ Môi trường, cần bắt buộc nhà đầu tư bỏ tiền đủ lớn đầu tư cho thiết bị và công nghệ Bảo vệ Môi trường.
Đặc biệt là ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại để đảm bảo môi trường. Không được để các doanh nghiệp làm bậy như thời gian vừa qua”, TS Phúc nhấn mạnh.
Bắt buộc phải lựa chọn
Tiếp tục phân tích, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, Đồng bằng SCL và TP.HCM là 2 khu vực cần rất nhiều điện để phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ nhu cầu của nhân dân. Xét trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia khẳng định, đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện là yêu cầu bắt buộc.
Ông Phúc phân tích: “Tiềm năng thủy điện của Việt Nam hiện nay còn rất ít, gần như đã cạn kiệt. Thực tế, thủy điện lớn chúng ta đã làm hết. Nếu bòn vét các thủy điện nhỏ khắp miền Trung, miền Bắc thì được thêm khoảng 1.000- 2.000 MW. Tuy nhiên con số trên không đáng là bao so với nhu cầu khoảng 55.000 MW Việt Nam trong thời gian tới.
Điện gió hiện nay Việt Nam không có tiền đầu tư. Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất cũng không nhiều, do chúng ta đang yêu cầu họ bán Điện cho chúng ta quá rẻ, thấp hơn giá thành. Hai năm trước, người Đức đầu tư vào Bình Thuận 30 MW điện gió, người Mỹ đầu tư vào Bạc Liêu 16 MW và EVN đầu tư ở đảo Phú Quý 6 MW, tổng cộng 52 MW, tất cả đều “chấp nhận chịu lỗ”, chỉ để “làm thử xem sao”. Đóng góp của điện gió thực sự không đáng kể so với nhu cầu 55.000 MW, chỉ được chưa đầy 1 phần nghìn.
Thứ ba, điện nguyên tử Việt Nam cũng đã tạm dừng. Mức độ nguy hiểm của loại hình này ai cũng biết và sợ cả. Có thể thẳng thắn khẳng định rằng, trong điều kiện của Việt Nam lúc này, chúng ta chưa đủ trình độ và khả năng xây dựng và vận hành Nhà máy điện nguyên tử.
Với những khó khăn trên, việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện là bắt buộc. Chúng ta không còn lựa chọn nào khác”.
Đặc biệt, theo TS Phúc, khi xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than, người ta buộc phải lựa chọn các vị trí gần sông, gần biển để xây dựng Cảng lớn, đủ sức tiếp nhân than cho nhà máy. Mỗi nhà máy 1.200 MW hàng năm dùng hết gần 3,5 triệu tấn than, xe ô tô tải hoặc xe lửa không thể đảm đương việc này. Hơn nữa than Việt Nam còn lại không nhiều, mấy năm nay Việt Nam đã phải nhập mỗi năm hàng chục triệu tấn than, nhập qua đường biển.
Đặt nhà máy nhiệt điện tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc) mà phía Long An lựa chọn, ông Phúc cho rằng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc trên.
“Địa điểm trên nằm bên bờ hữu sông Soài Rạp, thuận tiện cho việc xây dựng nhà máy. Ngoài vị trí trên, Long An không có chỗ nào gần sông, gần biển hơn. Họ bắt buộc phải chọn chỗ đó.
Còn nếu nói vị trí trên gần TP.HCM có thể phát tán không khí ô nhiễm thì phải xem xét lại. Tôi xin khẳng định, chúng ta đã xây dựng nhà máy nhiệt điện thì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao hơn thủy điện và năng lượng sạch. Do đó đặt chỗ nào thì người dân cũng có thể bị ảnh hưởng và phải đề phòng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nếu đặt xa TP.HCM thì người dân vùng khác sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề quan trọng hiện nay là phải tìm cách khắc phục, tháo gỡ về vấn đề môi trường chứ không phải yêu cầu chuyển vị trí dự án”, ông Phúc khẳng định.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, nhà máy nhiệt điện trên tuy gọi là của Long An, nhưng nhiều khả năng sẽ sử dụng để cung cấp điện cho TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai bởi lẽ tàu thủy chở than trọng tải hàng vạn tấn khó có thể lội ngược lên đó. Do vậy không thể xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than tại những địa phương trên.
Đưa ra biện pháp giải quyết tình trạng trên, TS Nguyễn Bách Phúc đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy nhiệt điện từ công nghệ cho đến quá trình thi công, vận hành.
“Hiện nay công nghệ tiên tiến trên thế giới có rất nhiều. Con người có đầy đủ biện pháp để khắc phục hậu quả môi trường, vấn đề là tốn tiền. Chẳng hạn như vấn đề khí thải, xử lý việc này không có gì quá khó khăn. Chúng ta chỉ cần yêu cầu nhà đầu tư lắp đặt hệ thống lọc bụi thật tốt, hệ thống lọc và xử lý khí độc, làm ống xả khói thêm cao. Khi đó khói xả lên cao hơn và tản ra rất nhanh, nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ đạt tới mức có thể chấp nhận. Đồng thời phải yêu cầu nhà đầu tư có phương án xử lý ngiêm túc triệt để xỉ than.
Do đó Bộ Công Thương và các địa phương phải có chế tài chặt chẽ, buộc các Nhà đầu tư bỏ tiền ra để lo môi trường đến nơi đến chốn.
Thứ hai là chính quyền phải kiểm soát môi trường chặt chẽ bắt đầu từ khâu thiết kế đến thi công và sau này vận hành. EVN hay bất cứ doanh nghiệp nào thực hiện cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện này”, ông Phúc khẳng định.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng buồn bã khi nhắc đến việc nhiều nhà khoa học không có chuyên môn về nhiệt điện nhưng đã “phát hiện” những đe dọa hết sức “giật gân”, khiến công luận “hết hồn”.
“Ví dụ họ nói: “với nhà máy vùng cửa sông thì nước làm mát từ nhà máy nhiệt độ cao, gần 50 độ, các sinh vật ở trong nhiệt độ cao như vậy thì không thể nào phát triển được”. Họ không biết rằng lưu lượng nước làm mát (nước lạnh hút từ sông vào nhà máy, và nước nóng xả ra sông) cho 1 nhà máy nhiệt điện 1200 MW, chỉ vào khoảng 6 m3/giây, trong khi lưu lượng của sông Cửu Long 6.000 m3/giây về mùa khô (lớn gấp 1000 lần). Thật lạ lùng khi nói rằng 1 phần nghìn lượng nước 50 độ có thể giết chết hết các loại cá của dòng sông. Câu chuyện ở sông Soài Rạp cũng tương tự, chỉ khác là lưu lượng của sông này 600 m3/giây về mùa khô (lớn gấp 100 lần dòng nước thải nóng 50 độ).
Thậm chí họ còn khẳng định, mỗi ngày hàng trăm tấn cá sẽ bị chém nát và luộc chín trong hệ thống làm mát. Thực ra khi hút nước sông, người ta phải làm lưới chắn rất kỹ, không cho tôm cá và rác lọt vào, nếu không thì hệ thống làm mát sẽ bị tắc nghẽn hoàn toàn”, ông Phúc bức xúc nói.
Nguyễn Hoàn
No comments:
Post a Comment