Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 26/02/2017, http://www.thesaigontimes.vn/157191/Luat-Hanh-chinh-cong-Hoa-Ky.html, LTS: Theo kế hoạch, dự thảo Luật Hành chính công sẽ được hoàn thiện vào cuối năm nay. Một trong những mục tiêu mà các nhà soạn luật nhắm tới là hạn chế và tránh nguy cơ hành pháp lạm dụng quyền lực. Trong bối cảnh đó, việc tham khảo Luật Hành chính công Hoa Kỳ cũng là điều cần thiết.
Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng, trong 100 năm đầu tiên kể từ khi thành lập, chính quyền liên bang Hoa Kỳ không có các cơ quan hành chính. Theo đúng quy định của Hiến pháp, chính quyền liên bang chỉ bao gồm thượng viện, hạ viện, tổng thống và tòa án liên bang. Tất cả các cơ quan hành chính như bộ, cục, ban, ủy ban, hội đồng... đều chưa tồn tại.
Năm 1887, cơ quan hành chính đầu tiên của Hoa Kỳ được thành lập với tên gọi Ủy ban Thương mại liên bang (ICC) với duy nhất một nhiệm vụ là quản lý ngành đường sắt. Tuy nhiên, trong 10 năm đầu tiên sau khi thành lập, công việc chính của ICC không phải là quản lý đường sắt mà là... nghiên cứu xem mình nên quản lý ngành đường sắt như thế nào.
Một điều ICC chắc chắn là họ không trực tiếp tham gia vào thị trường, tức là sẽ không có các đơn vị sự nghiệp hay doanh nghiệp nhà nước thực hiện việc vận tải, chạy tàu hay xây dựng đường sắt. Tất cả những việc này sẽ do doanh nghiệp tư nhân làm. Nhưng quản lý doanh nghiệp tư nhân đường sắt như thế nào là việc mà ICC không rõ.
Ở Anh vào thời điểm đó, nền kinh tế cũng được vận hành dựa trên các doanh nghiệp tư nhân rất lớn. Chính phủ Anh lựa chọn các doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực tài chính, quản trị tốt và trao cho họ các nguồn lực như đất đai, khoáng sản... hay các thương quyền như độc quyền thương mại, độc quyền khai thác tuyến đường biển... Từ đó, nước Anh có những tập đoàn siêu lớn như Công ty Đông Ấn, Công ty Vịnh Hudson mà không ít người Việt biết đến thông qua các cuốn tiểu thuyết phiên lưu.
ICC đã chọn một cách làm khác. Họ quyết định không trao độc quyền tuyến đường sắt cho bất kỳ doanh nghiệp nào mà tạo ra một cơ chế để có thể có nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Mãi đến tận Chiến tranh thế giới thứ nhất, mô hình kinh tế “tốt lỏi” của Anh vẫn hiệu quả hơn mô hình “xấu đều” của Mỹ. Nhưng kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất và đặc biệt là đến Chiến tranh thế giới thứ hai, mô hình của Hoa Kỳ vươn lên và thành công hơn.
Vào khoảng những năm 1920, Đại học Harvard tiếp nhận một giáo sư luật nổi tiếng người Anh tên là A.V. Dicey đến giảng dạy. Loạt bài giảng của Dicey, tập trung vào nguy cơ lạm dụng quyền lực của các cơ quan hành chính, đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với các giáo sư tại Harvard và họ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát các cơ quan hành chính để bảo vệ các quyền cơ bản của người dân.Sau khi ICC thành lập, để đáp ứng nhu cầu quản lý nhiều lĩnh vực của một đất nước liên bang, Quốc hội Hoa Kỳ thành lập thêm nhiều các cơ quan hành chính. Đến năm 1900 có sáu cơ quan, đến năm 1930 có 23 cơ quan, và trong thời gian cầm quyền của Tổng thống Franklin Roosevelt, để đối phó với cuộc đại khủng hoảng 1930, Hoa Kỳ đã thành lập thêm 18 cơ quan hành chính nữa. Việc thành lập mới các cơ quan kéo dài cho đến thời của Tổng thống Ronald Reagan mới tạm chững lại. Đến nay, đã có hơn 100 cơ quan như vậy đảm nhận chức năng quản lý nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế.
Các cơ quan hành chính này thường thực hiện chức năng chuyên môn sâu, nên ngay cả các nghị sĩ, tổng thống hay cả tòa án cũng khó mà hiểu được để giám sát. Các cơ quan này có quyền đặt ra quy định trong lĩnh vực của mình (quyền lập quy), có quyền thực thi các quy định đó (quyền hành chính), lại có quyền giải quyết khi có khiếu nại của người dân (quyền tài phán hành chính). Như vậy, trong lĩnh vực chuyên môn của mình, một cơ quan hành chính có đủ ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nguy cơ lạm quyền là rất cao. Các cơ quan này cũng nằm ngoài mô hình tam quyền phân lập mà Montesquieu từng đề ra trong cuốn Tinh thần pháp luật.
Vấn đề cần phải kiểm soát quyền lực của các cơ quan hành chính đã thuyết phục được Quốc hội Hoa Kỳ. Năm 1946, Quốc hội nước này ban hành Đạo luật Adminstrative Procedure Act - APA (tạm dịch Luật Thủ tục hành chính). Lưu ý, khái niệm Administrative Procedure ở đây được hiểu là toàn bộ trình tự, thủ tục liên quan đến việc vận hành của các cơ quan hành chính, chứ không chỉ dừng lại ở việc người dân đến xin phép cơ quan nhà nước như khái niệm thủ tục hành chính trong tiếng Việt.
APA được coi là đạo luật nền tảng nhất cho hệ thống pháp luật hành chính công của Hoa Kỳ bởi nó đặt ra những nguyên tắc mà mọi cơ quan hành chính ở nước này phải tuân theo khi thực hiện công vụ. Các nguyên tắc này nhằm kiểm soát nguy cơ lạm quyền của những cơ quan này và giúp bảo vệ các quyền cơ bản của người dân. Thượng nghị sĩ Pat McCarran, một trong những người đề xuất đạo luật này trước Quốc hội Mỹ, từng nói: “Đây là tuyên ngôn nhân quyền của những người Mỹ đang chịu sự quản lý của các cơ quan hành chính”.
Ở cấp bang, rất nhiều bang của Hoa Kỳ cũng đã ban hành đạo luật tương tự như APA nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân trước các cơ quan hành chính cấp bang.
Để kiểm soát được quyền lực của các cơ quan hành chính, APA đưa ra bốn nội dung chính: (1) yêu cầu các cơ quan hành chính phải công khai toàn bộ các thông tin về tổ chức, hoạt động và các quy định của mình; (2) quy định về việc người dân tham gia vào quá trình lập quy; (3) đặt ra các tiêu chuẩn chung trong việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính; và (4) xác định cơ chế để tòa án xem xét lại các công việc của cơ quan hành chính.
Trong các nội dung này, tiêu chuẩn chung trong việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính rất quan trọng. Ví dụ, khi cơ quan hành chính muốn ra quyết định xử phạt một người dân hay doanh nghiệp nào đó thì phải đưa ra được các chứng cứ vi phạm, đưa ra căn cứ pháp luật và cho phép người đó có cơ hội để giải trình. Người có quyền lợi liên quan, ví dụ như người dân quanh nhà máy bị ô nhiễm, có quyền tham gia vào quá trình xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp đó.
Đối với việc cấp phép, cơ quan nhà nước không được thu hồi giấy phép cũ khi người dân vẫn đang làm thủ tục gia hạn, hoặc việc thu hồi giấy phép chỉ được thực hiện khi cơ quan nhà nước đã thông báo lý do thu hồi cho người dân theo đúng những trường hợp pháp luật cho phép thu hồi và phải cho người dân cơ hội để khắc phục lý do đó...
Nguyễn Minh Đức
|
No comments:
Post a Comment