Tại cuộc tọa đàm về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2017 do báo Vneconomy tổ chức ngày 12-1, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, việc Chính phủ không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế dù tăng trưởng không thể đạt 6,7% là một tín hiệu tốt.
“Chính phủ trước đây thường điều chỉnh các chỉ tiêu cho phù hợp với thực tế, và Quốc hội luôn thông qua, và như vậy Chính phủ luôn hoàn thành suất xắc nhiệm vụ”, ông Thiên nói.
“Như vậy là không có cơ hội kiểm điểm những vấn đề mang tính cơ cấu, dài hạn của nền kinh tế”, ông nói.
Nhận xét, Chính phủ hiện tại, không điều chỉnh các chỉ tiêu, có nghĩa không hoàn thành nhiệm, ông Thiên nói: “Tôi cho đó là biểu hiện thoát ra cái ngắn hạn để nhìn dài hạn. Tôi mong muốn Chính phủ làm được việc này”.
Tuy nhiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển không đồng tình với nhận định này: “Tôi nói rõ quan điểm của tôi là Chính phủ không điều chỉnh chỉ tiêu không phải là tầm nhìn dài hạn. Thực tiễn là mọi cân đối bị phá vỡ. Đó là thể hiện chủ nghĩa thành tích”.
Nguyên Viện phó Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành nhận xét, Chính phủ mới làm được hai việc là bắt đầu tạo lập được niềm tin khi đưa ra thông điệp về cải cách; và bắt đầu làm được một số việc.
Song ông nói: “Nhưng nhìn tổng thể thì khoảng cách để trở thành Chính phủ kiến tạo còn khá xa”.
“Có điểm quan trọng là tầm nhìn. Thế giới giờ thay đổi khác hoàn toàn. Tất cả những gì Chính phủ đang đặt lên bàn thì đã được đặt ra năm 2011, như ổn định kinh tế vĩ mô, ba đột phá chiến lược, bốn trụ cột tái cơ cấu, hội nhập sâu rộng…”, ông Thành nói.
Ông Tuyển nhận xét, động lực cho kinh tế Việt Nam năm 2017 là dòng đầu tư vẫn tốt, tầng lớp trung lưu vẫn tăng, khu vực doanh nghiệp tư nhân bắt đầu khởi sắc, nhất là phong trào khởi nghiệp, và việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, ông Tuyển dành nhiều thời gian hơn nói về lực cản.
Thứ nhất, ông nói, bất ổn kinh tế vĩ mô không được giải quyết, nhất là nợ công tăng lên, nợ xấu ngân hàng không được giải quyết cơ bản. Phải hóa giải hai yếu tố này mới giảm được lực cản.
Tăng trưởng vẫn dựa vào đầu tư, xuất khẩu, chứ không phải các ngành có giá trị gia tăng cao. “Chúng ta có dám tái cơ cấu thực chất, có dám giảm tăng trong ngắn hạn để tái cơ cấu nhằm đảm bảo trong dài hạn có tăng trưởng bền vững?”, ông Tuyển nói. Ông nhận xét, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng cao, nhưng rất mâu thuẫn.
Bên cạnh đó là đồng đô la lên giá, làm giới đầu tư chuyển dòng đầu tư về Mỹ để tìm nơi an toàn. Từ năm 2014 đến năm 2016, thì Trung Quốc đã mất 1.000 tỉ đô la, từ 4.000 tỉ đô la xuống 3.000 tỉ đô la.
Trong khi đó các nước khác đang hạ giá đồng tiền để thúc đẩy sản xuất.
“Như vậy là chúng ta có vấn đề tỷ giá, mà thay đổi tỷ giá thì lạm phát tăng lên. Sản xuất phải men theo giá cả. Đây là vấn đề”, ông nói.
Việc Chính phủ đặt ra mục tiêu lạm phát 4%, theo ông Tuyển, là không hợp lý. Các yếu tố đẩy lạm phát cao như tỷ giá tăng, giá dầu tăng lên mức 60 đô la Mỹ, dịch vụ như điện, y tế tăng giá đang rất rõ ràng.
“Chỉ tiêu của năm 2017, kể cả chỉ tiêu lạm phát, tăng trưởng dễ có được”, ông nói.
Chúng ta cần tập trung vào đâu, chứ không thể dàn trải chạy theo tất cả lĩnh vực. Việt Nam phải chọn những lĩnh vực có lợi thế, như về du lịch, nông nghiệp, công nghệ thông tin, ông nói.
Ông Tuyển cho rằng, TPP có khẳ năng bị hủy bỏ, làm làn sóng FDI đón đầu TPP sẽ khựng lại. Tuy nhiên, vẫn may là Việt Nam còn tham gia nhiều FTA khác.
Tư Hoàng
|
Friday, January 13, 2017
Không điều chỉnh tăng trưởng - vẫn còn những đánh giá khác nhau
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 13/01/2017, http://www.thesaigontimes.vn/156062/Khong-dieu-chinh-tang-truong---van-con-nhung-danh-gia-khac-nhau.html, Các chuyên gia kinh tế hàng đầu đã giữ những ý kiến khác nhau về việc Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment