Kể từ năm 2013, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) đã trở thành tâm điểm ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Bản chất của OBOR là thúc đẩy liên kết khu vực và xuyên lục địa giữa Trung Quốc với lục địa Á - Âu. Khả năng kết nối bao gồm năm lĩnh vực quan tâm chính: phối hợp chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng (bao gồm đường sắt và đường cao tốc), thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính, và quan hệ nhân dân. Trong số này, xây dựng cơ sở hạ tầng là đặc điểm nổi bật của Con đường tơ lụa mới.
Trong khi Con đường tơ lụa lịch sử là kết quả cuối cùng của các hoạt động thương mại từ dưới lên, chủ yếu do các quốc gia bên ngoài Trung Quốc thúc đẩy, thì sáng kiến OBOR lại được thiết kế bởi giới tinh hoa cầm quyền của Trung Quốc. Nó là nỗ lực lớn đầu tiên của Trung Quốc nhằm thiết kế và thực hiện một chiến lược thương mại xuyên lục địa và chắc chắn sẽ có những hệ quả toàn cầu và địa chính trị quan trọng.
OBOR là một sản phẩm của tư duy trọng thương mới của Trung Quốc. Chủ nghĩa tân trọng thương ngày nay khác chủ nghĩa trọng thương của thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, khi các thương gia thường đồng lõa với chủ nghĩa đế quốc của các cường quốc trong việc tìm cách gia tăng quyền lực chính trị và tài sản tư nhân. Chủ nghĩa tân trọng thương ngày nay bị hạn chế hơn nhiều, nhờ các khuôn khổ pháp lý quốc gia và quốc tế, việc không sẵn lòng tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang, cũng như nhận thức rộng rãi và lớn hơn về các quyền con người.
Ông Tập Cận Bình là người đề ra "sáng kiến" Một vành đai, một con đường và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Ảnh: Reuters |
Chủ nghĩa tân trọng thương của Trung Quốc ủng hộ thương mại toàn cầu và các thể chế của nó trong khi cũng theo đuổi một chiến lược toàn cầu hóa của chính phủ nhằm tích lũy vốn và của cải cho quốc gia. Chiến lược này của Trung Quốc ưu đãi rõ ràng cho các doanh nghiệp nhà nước và tập trung vào việc thiết lập các khu vực mậu dịch tự do với Trung Á và Nam Á, tương tự như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực vào năm 2010.
Vậy điều gì đang thúc đẩy sáng kiến OBOR của Trung Quốc?
Nhiều lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với sự dư thừa công suất từ năm 2006. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết vấn đề khủng hoảng thừa bằng cách khám phá các thị trường mới ở các nước láng giềng thông qua OBOR. Sáng kiến OBOR sẽ cung cấp nhiều cơ hội hơn cho sự phát triển của các khu vực biên giới kém phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc cũng dự định khám phá các lựa chọn đầu tư mới nhằm duy trì và tăng giá trị của nguồn vốn tích lũy được trong vài thập niên qua. OBOR có tiềm năng phát triển thành một mô hình sáng tạo luật chơi thay thế của chính trị quốc tế và có thể đóng vai trò như một phương tiện để tạo ra một trật tự kinh tế và chính trị toàn cầu mới.
Tuy nhiên, có những rủi ro đáng kể liên quan đến chiến lược OBOR của Trung Quốc. Chủ nghĩa tân trọng thương của Trung Quốc thiếu sự nhạy cảm khi giải quyết một số vấn đề ở các nước sở tại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến văn hóa, môi trường, và sắc tộc.
Dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) là một ví dụ điển hình về những rủi ro và thách thức đối với Trung Quốc. CPEC là sự kết hợp giữa các dự án giao thông vận tải và năng lượng và bao gồm việc phát triển một cảng biển nước sâu lớn nhằm cung cấp con đường tiếp cận trực tiếp tới Ấn Độ Dương và xa hơn nữa.
Giới lãnh đạo Trung Quốc coi Pakistan là một trong những đồng minh lâu đời và tận tâm nhất của mình. Đây là lý do tại sao CPEC đang được đối xử như con đẻ của sáng kiến OBOR. Tuy nhiên, nhiều bất trắc tồn tại có thể khiến dự án này sụp đổ. CPEC phải đối mặt với sự phản đối chính trị trong nước ở Pakistan, với cuộc đấu đá giữa các tỉnh và chính quyền trung ương về việc phân bổ vốn đầu tư.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn là an ninh. Về phía Trung Quốc, Phong trào Hồi giáo Đông Thổ (ETIM) đang cản trở những nỗ lực của Trung Quốc; trong khi về phía Pakistan, lực lượng Taliban người Pakistan và các nhóm chiến binh chống nhà nước khác đang đặt ra một mối đe dọa lớn cho các đội xây dựng và có thể phá vỡ dòng chảy của hàng hóa.
Với tình hình này, trong ngắn hạn, sáng kiến OBOR của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ chỉ mang lại kết quả rất khiêm tốn mặc dù được đầu tư rất lớn. Khó mà dự đoán được liệu dự án OBOR của Trung Quốc sẽ có hiệu quả trong trung đến dài hạn hay không, vì điều này phụ thuộc vào khả năng đáp ứng các thách thức của hai chính phủ, cũng như vào môi trường bên ngoài.
Tuy nhiên, OBOR đánh dấu sự khởi đầu của một chính sách ngoại giao kinh tế mới cho Trung Quốc khi nó thay đổi dần dần trở thành một cỗ máy năng động của nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Việc liệu chính sách mở rộng theo đường lối trọng thương mới của Trung Quốc có đáp ứng được các kỳ vọng hay không vẫn còn chưa rõ ràng.
Junhua Zhang
Junhua Zhang là giáo sư tại Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc.
Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.org)
Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.
No comments:
Post a Comment