Gạo Việt gặp khó cả trong nước lẫn xuất khẩu.
Bước qua thời kỳ huy hoàng
Từ vị trí đỉnh cao nhưng gần đây, các chuyên gia cho rằng gạo Việt đang dần bước qua thời kỳ huy hoàng và rơi vào thế bế tắc cả thị trường nội địa lẫn nước ngoài.
Trên thị trường quốc tế, gạo Việt đang bị các đối thủ như Campuchia, Thái Lan lấy mất dần thị phần. Cuộc cạnh tranh thị phần càng khốc liệt khiến gạo xuất khẩu đang giảm mạnh cả về lượng và chất.
Cụ thể, theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng xuất khẩu gạo ước đạt 3,76 triệu tấn, thu về 1,69 tỷ USD. So với cùng kỳ, gạo xấu khẩu năm nay đã giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị.
Trên thị trường thế giới, không ít vụ việc gạo Việt xuất bị trả về do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
VFA cũng cho biết, trong những năm vừa qua, đặc biệt là năm 2016 rất nhiều đơn hàng xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có tiếng tăm qua các thị trường đã bị trả về vì bị dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phải bán trong nội địa.
Mới đây, trao đổi với VnEconomy, một vị phó cục trưởng tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua kiểm tra của Cục Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), có 8 hoạt chất trong gạo Việt Nam khi xuất sang Mỹ vượt mức giới hạn cho phép. Cả 8 hoạt chất này đều có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.
Thông tin từ FDA được VFA dẫn lại cho thấy, chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2016, đã có 95 container (tương đương với hơn 1.700 tấn) gạo từ Mỹ bị trả về, chủ yếu là gạo thơm jasmine, gạo tấm jasmine, gạo lứt và gạo trắng chất lượng cao.
Tính từ năm 2012 đến tháng 8/2016, có tổng số 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang Mỹ bị trả gạo về, với tổng số 412 container, tương ứng gần 10.000 tấn gạo.
Nguy cơ mất sân nhà
Trong khi đó, thị trường gạo trong nước lại phải đối mặt với nguy cơ mất sân nhà vì gạo ngoại đang có xu hướng xâm lấn. Các thương hiệu gạo Sóc Miên, Sa Mơ, Móng Chim… nhập từ Campuchia hay các thương hiệu gạo Thái Lan cũng được nhập về ồ ạt, bán lẻ tràn lan.
Từ thực tế đó, GS. Võ Tòng Xuân cho biết đang có một xu hướng là các công ty xuất khẩu gạo ra nước ngoài liên tục bị trả về vì tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ngay cả ở trong nước, không ít người dân cũng không thích gạo Việt.
Theo GS. Võ Tòng Xuân, có rất nhiều nguyên nhân khiến gạo Việt lâm vào cảnh bế tắc đầu ra cả trong lẫn ngoài. Chẳng hạn, tại Việt Nam, bà con nông dân tự do sản xuất, ai thích trồng gì thì trồng, không theo quy hoạch. Đến lúc lúa bị sâu bệnh thì vào cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua vô tội vạ, nghe người bán quảng cáo loại thuốc loại diệt sâu tốt nhất thì mua dẫn đến việc gạo Việt mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bà Nguyễn Tú Anh, đại diện cho Công ty Nông nghiệp GAP cũng cho biết, gạo Việt đang bị mất điểm trong mắt người Việt. Theo đó, ở Việt Nam, những người có tiền đi chợ thường chọn mua gạo Thái Lan, gạo Campuchia về ăn. Trong khi đó, phẩm chất gạo ngày càng bị giảm sút do người dân lạm dụng phân hóa học (phân ure).
Tại các vùng sản xuất lúa chuyên canh, bà con nông dân vẫn còn tự hào với phương thức canh tác cũ cổ truyền, không chịu để lớp người trẻ đưa phương thức canh tác mới vào thay thế. Do đó, giá thành sản xuất luôn cao mà chất lượng gạo vẫn kém, GS. Võ Tòng Xuân chia sẻ.
“Ngành lúa gạo hiện được chia ra các giai đoạn phát triển như: giai đoạn thiếu ăn, giai đoạn đủ ăn và dư thừa, giai đoạn tìm hiểu công nghệ sản xuất mới, giai đoạn sản xuất công nghệ xanh. Các nước đang ở giai đoạn sản xuất theo phương thức công nghệ xanh, còn Việt Nam sau bao nhiêu năm vẫn chỉ ở giai đoạn sản xuất dư thừa, loay hoay không phát triển lên, vẫn chỉ chú trọng về lượng chứ không về chất nên rất khó cạnh tranh”, ông Xuân nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, gạo Việt đang khó khăn là do sản xuất vẫn theo lối mòn, sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn dẫn đến chất lượng hạt gạo Việt làm ra không đồng đều.
Ông nói: “Một cánh đồng cả hàng ngàn thửa ruộng, ruộng bên này trồng một giống lúa, ruộng bên kia trồng một giống khác. Lúc lúa trổ bông, phấn lúa ở ruộng bên này bay sang ruộng bên kia nên hạt gạo không bao giờ đạt được chất lượng cao. Từ đó, rất khó có thể làm thương hiệu gạo Việt”.
Theo đó, để gạo Việt lấy lại "phong độ", xây dựng thương hiệu uy tín, TS. Lê Đăng Doanh cho biết các cấp ngành phải nêu cao tinh thần đổi mới. Gạo Việt cần phải chú trọng đến chất lượng, giá thành và đặc biệt là khâu an toàn thực phẩm. Bởi, xu hướng tiêu dùng hiện tại của người dân là ăn ít nhưng phải ngon và an toàn để lấy lại thị trường.
Bạch Dương
No comments:
Post a Comment