Friday, October 14, 2016

Nghĩ về nhân tài

Báo Lao Động, ngày 14/10/2016,             http://laodong.com.vn/ban-doc-viet/nghi-ve-nhan-tai-601000.bld,           Trong thực tế "Bằng cấp" và "Thực tài" không phải lúc nào cũng đồng nhất tỷ lệ thuận. Nhiều địa phương vừa qua đã tích cực ban hành chính sách thu hút nhân tài, nhưng vì quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp học vị, học hàm nên nhiều khi không đạt được mục đích là thu hút nhân tài đích thực.

Ảnh minh họa (internet)
    Do quá đặt nặng tiêu chí bằng cấp, nên trong xã hội xuất hiện tình trạng bằng mọi cách chạy cho được bằng cấp này nọ không qua thực học, thực tài. 
    Tiếc rằng, dư luận xã hội vẫn chưa lên án mạnh mẽ, quyết liệt với những hiện tượng chạy bằng, chạy chức, chạy học vị, chạy các loại danh hiệu này nọ ... Tri thức xã hội không giàu lên, trái lại “đạo học” có nguy cơ suy vong, khan hiếm nhân tài đích thực. Chẳng khác chi thời cụ Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến phải thốt lên một cách mỉa mai: 
    “Mày râu mặt đó chừng bao tuổi/ Giấy má nhà bay đáng mấy xu” (Tiến sĩ Giấy) 
    Nếu có một tổ chức độc lập làm một cuộc thẩm tra nhỏ nhất định sẽ thấy nhiều vị Tiến sĩ chỉ biết tiếng Việt, nhiều Phó Giáo sư – Tiến sĩ chưa dạy đầy đủ một giáo trình nhỏ nào! Thế nhưng các vị này đến dự các cuộc Hội nghị với vai trò “long trọng viên” sẽ không hài lòng với chủ tọa khi giới thiệu không đầy đủ học hàm, học vị, chức vụ.           
    Không ít vị quan chức không bằng lòng với chức vị cao của mình nên thích gắn thêm trước chức vụ là học hàm, học vị PGS – TS để thêm phần... trí tuệ. Có vị đi đến khai mạc, phát biểu ở các hội nghị bằng những bài do cấp dưới chuẩn bị – Người có kiến thức nghe qua là có thể lượng được giá trị, nhận ra được thật, dỏm.   
    Ở Việt Nam ta, nhiều vị thực tài nhưng bằng cấp rất khiêm tốn. Thí dụ, Giáo sư Tôn Thất Tùng (Bác sĩ), Giáo sư Tạ Quang Bửu (cử nhân), Giáo sư Trần Đại Nghĩa (kỹ sư)... Những vị này mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến đất Việt. Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc có lần bình luận về các tấm bia ghi danh các vị Tiến sĩ trong Văn Miếu, ông cho rằng đây là hình thức ghi danh đối với những vị có công với dân với nước, ngược lại bêu danh những người chẳng làm nên công trạng gì ích nước lợi dân. 
    Nghe nói ở xứ Tây, quê hương của tính thực dụng, thực tiễn gì đó, khi tuyển người vào các vị trí quan trọng có DANH, các loại “phụ tùng” xung quanh tên họ chỉ có giá trị tham khảo, họ thường áp dụng tiêu chí đánh giá qua Chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotient) chỉ số cảm xúc EQ (Emotinal Quotient) để tuyển chọn nhân sự theo mong muốn. Thiết nghĩ chúng ta cũng nên bắt đầu làm quen “công nghệ mới” bổ sung thêm cho hệ thống tuyển chọn nhân sự có tài.            
    Chúng ta biết rằng, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ. Hơn nữa, công cuộc đổi mới cũng như Cải cách hành chính và những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. 
    Có chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo! ... Thị trường nguồn nhân lực không hiếm hàng giả hàng gian, có thể thấy không ít loại "hữu danh vô thực". Người tài thật sự thường không thích nói về mình, họ tin vào một câu châm ngôn, không phải lúc nào cũng diễn ra đúng trong cuộc đời, "hữu xạ tự nhiên hương". 
    Phải nói rằng, để đánh giá chất lượng lao động thuộc dạng tay nghề, kỹ năng thì tương đối dễ hơn, vì tiêu chí rõ ràng, nhưng để đánh giá lao động có hàm lượng chất xám cao thì quả là khó. Điều này có thể lý giải cho thực trạng đáng buồn trong thời gian qua không hiếm truờng hợp "vàng thau lẫn lộn". Có thể thấy trong thực tế khá nhiều quý vị có bằng cấp đấy nhưng không có năng lực gì! 
    Những chuyện đáng buồn trong thi cử vừa qua không chỉ là chuyện của ngành giáo dục, mà phải nhìn dưới góc độ xã hội mới mong tìm được giải pháp chấn hưng giáo dục, khai thông nguyên khí quốc gia. Một xã hội định hướng con người tìm sự đãi ngộ hưởng thụ về vật chất và tinh thần thông qua “con đường quan trường”, khuyến khích con người bằng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích “làm quan” thì sẽ ngày càng ít đi những người chuyên tâm định hướng cuộc đời bằng con đường “nghiên cứu thành các chuyên gia giỏi”. Và bởi vậy, việc hiếm chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực là chuyện tất yếu. Dư luận xã hội, chủ trương chính sách phải định hướng lại “khuyến chuyên không khuyến quan”. 
    Kinh nghiệm của Trung Quốc, quốc gia có nhiều điểm tương đồng với ta về văn hoá và chính trị, bạn có tổ chức “Hiệp hội nghiên cứu nhân tài” để giúp nhà nước định ra các quy định tuyển chọn, phát hiện, chính sách đãi ngộ… với nhân tài.  
    Để phát hiện người đích thực là nhân tài, thiết nghĩ phải có giải pháp thông minh, sáng tạo, bài bản, công khai dân chủ mới mong chọn được người thông minh, thực sự có tài, giàu trí sáng tạo.

    Diệp Văn Sơn

    No comments:

    Post a Comment