Wednesday, September 28, 2016

Xử lý nợ xấu: Không thể để thị trường tự giải quyết

Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ngày 28/09/2016,             http://www.doanhnhansaigon.vn/van-de/xu-ly-no-xau-khong-the-de-thi-truong-tu-giai-quyet/1100137/,           Ngân hàng Nhà nước vừa công bố con số mới nhất về dư nợ tín dụng tính đến cuối tháng 6/2016 là 5,037 triệu tỷ đồng, tăng 8,21% so với cuối năm trước. 

Như vậy, không thể nói nợ xấu đã xử lý không thực chất khi trong tổng số 493 nghìn tỷ đồng đã được xử lý thì 59% đã được xử lý bằng các biện pháp như khách hàng trả nợ, bán tài sản đảm bảo, dự phòng rủi ro và chỉ 41% là đang được Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý.
Kết quả này nên được ghi nhận bởi hệ thống ngân hàng đã xử lý tốt một phần nợ xấu trong điều kiện không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Điều đáng nói là tỷ lệ nợ xấu xử lý bằng tài sản đảm bảo còn khá thấp, trong khi đây đáng lẽ phải là kênh xử lý chính để bảo vệ tài sản của người cho vay. Thời gian tới, khi những vướng mắc về thủ tục pháp lý, về hành lang pháp lý đối với các vấn đề này được tháo gỡ thì tỷ lệ nợ xấu được xử lý bằng tài sản đảm bảo và khách hàng tự trả nợ sẽ tăng cao và việc xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn.
Xử lý nợ xấu không chỉ nhìn trong ngắn hạn là làm sao cho khoản nợ xấu giảm xuống, mà còn phải hạn chế nợ xấu phát sinh. Nếu có thể xử lý nhanh, hợp pháp các tài sản đảm bảo thì không những tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm mà người đi vay cũng có động lực trả nợ, vì nếu không sẽ bị mất tài sản đảm bảo. Và vì đã phải trả giá nên người vay trong tương lai sẽ phải tự hạn chế các hành vi rủi ro. Do đó sẽ hạn chế nợ xấu phát sinh.
Khi nước Mỹ tung ra 800 tỷ USD để giải cứu các định chế tài chính trong cuộc khủng hoảng tài chính cho vay dưới chuẩn 2008, đã có rất nhiều người phản đối và cho rằng điều này đi ngược lại nguyên tắc thị trường và chỉ khuyến khích "rủi ro đạo đức". Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế hàng đầu ở Mỹ đều đồng ý rằng, chính phủ cần phải giải cứu các định chế tài chính càng nhanh càng tốt và với quy mô đủ lớn.
Tại sao những người suốt đời đi rao giảng về kinh tế thị trường tự do, về sự thần kỳ của kinh tế thị trường lại quay sang ủng hộ một giải pháp "phi thị trường" như vậy? Thực ra họ không phi thị trường chút nào.
Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ và lấy ý kiến các bộ ngành về Đề án Tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Những thông tin cụ thể về xử lý nợ xấu sẽ được công bố khi đề án này được phê duyệt.
Khi đã để xảy ra nợ xấu thì cần phải xác định một phần trong các khoản nợ đó đã mất đi, không thể phục hồi, kinh tế học gọi là chi phí chìm. Nguyên tắc của kinh tế học là khi chi phí đã chìm rồi thì mọi quyết định hiện tại và tương lai phải không bị ảnh hưởng bởi chi phí đấy, vì nó không thể lấy lại.
Khi nợ xấu xảy ra, nhà nước có 2 lựa chọn: để thị trường tự giải quyết hoặc nhà nước sẽ vào giải cứu. Nếu để thị trường giải quyết thì có nguy cơ phá sản, đổ vỡ hệ thống tín dụng, cái giá phải trả sẽ vô cùng lớn. Không nước nào chấp nhận kịch bản này.
Nếu chỉ khoanh nợ và để thị trường tự giải quyết thì chi phí chìm (khoản nợ xấu không thể phục hồi) cũng không thể lấy lại và tạo ra một loạt hệ lụy cho nền kinh tế, như lãi suất cho vay cao hơn mức cân bằng do phải gánh chi phí xử lý nợ xấu, niềm tin của nhà đầu tư, người tiêu dùng suy yếu do nợ xấu chưa được xử lý rốt ráo, nguy cơ các định chế tài chính yếu kém bị phá sản luôn hiện hữu và nợ xấu mới có nguy cơ nảy sinh khi lãi suất cao hơn mức cân bằng.
Những hệ lụy này sẽ dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế, việc làm ít đi, thu nhập của người dân giảm và người nghèo phải trả giá lớn nhất cho những hệ lụy này. Chính vì điều này mà những người đứng sau kế hoạch giải cứu kinh tế nước Mỹ đã chủ trương cần phải xử lý rốt ráo nợ xấu càng nhanh thì chi phí xử lý càng rẻ.
Trong điều kiện nguồn ngân sách hạn chế, sức ép nợ công lớn nên Việt Nam không có điều kiện (như nhiều nước khác) dùng ngân sách nhà nước để xử lý triệt để nợ xấu. Tuy nhiên, trong chừng mực có thể thì nguồn lực nhà nước là rất quan trọng để giảm chi phí xử lý nợ xấu, để nhanh chóng lành mạnh hóa nền kinh tế.
Câu nói nổi tiếng của Tổng thống Roosevelt năm 1933 khi xử lý đại khủng hoảng năm 1929 - 1933 là "Điều duy nhất chúng ta phải sợ chính là nỗi sợ hãi". Những thông tin không được kiểm soát của hệ thống ngân hàng lúc đó đã gieo rắc nỗi sợ hãi trong công chúng và dẫn đến "cuộc tháo chạy" lớn nhất trong lịch sử ngân hàng nước Mỹ.
Do đó, việc kiểm soát thông tin trong hệ thống ngân hàng ở bất cứ quốc gia nào cũng phải làm để ngăn ngừa những nỗi sợ hãi nguy hiểm. Chính vì điều đó, hệ thống ngân hàng có những đặc thù riêng trong việc công bố thông tin ra công chúng.
HẢI VÂN ghi


No comments:

Post a Comment