Tuesday, September 27, 2016

Đo lòng dân

Báo Người Lao Động, ngày 28/09/2016,            http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/do-long-dan-20160927231841462.htm,          Trong mê hồn trận cơ chế xin - cho lâu nay, người dân và doanh nghiệp (DN) chỉ được ở cương vị người cho khi cơ quan công quyền lỡ hẹn. Họ chẳng biết làm gì khác, đành chấp nhận lời xin lỗi.

UBND TP HCM dự kiến ký ban hành quy định về thực hiện thư xin lỗi, áp dụng thống nhất cho 24 quận - huyện và các sở - ngành. Theo đó, nếu trễ hẹn vì lý do chủ quan hay khách quan thì đều phải xin lỗi. Nội dung thư xin lỗi phải nói rõ lý do và đề ra thời hạn trả hồ sơ cụ thể. Định kỳ các quận - huyện, sở - ngành phải báo cáo tình hình thực hiện thư xin lỗi cho UBND TP biết để giám sát. Mục đích là các cơ quan đó phải có giải pháp thay đổi, cải cách thủ tục hành chính. Thư xin lỗi giúp nhận diện, kiểm soát, đánh giá các thiếu sót dẫn đến trễ hẹn, từ đó cải cách. Người dân thực ra chỉ mong hồ sơ, công việc của mình được giải quyết tốt chứ đâu ai muốn nhận lời xin lỗi suông. Cơ quan công quyền dần dần quen với việc xin lỗi nên thất hẹn trở thành chuyện thường ngày. Trong khi đó, hầu hết các trường hợp, người dân và DN đều ở vị trí người đi xin. Mà đến cửa công quyền không chỉ xin khơi khơi, nhiều khi còn phải thông qua cò…

Người dân làm thủ tục tại UBND phường Bến Nghé. Ảnh Hoàng Triều
Người dân làm thủ tục tại UBND phường Bến Nghé. Ảnh Hoàng Triều
Lâu nay, cơ quan công quyền và công chức quen lạm dụng việc xin lỗi như “chiêu bài” để hộ giá cho sự bê trễ, thói vô cảm. Vì thế, đã đến lúc phải kiến tạo một nền hành chính phục vụ thay cho cai trị. Trước tiên là phải thay đổi hành vi trong hoạt động công vụ cho phù hợp với đòi hỏi của nền hành chính phục vụ. Ngoài ra, phải tăng cường giám sát hoạt động công vụ của công chức bằng cách thực hiện chế độ cam kết phục vụ nhân dân. Mục tiêu của cam kết là nâng cao trình độ phục vụ nhân dân và mức độ hài lòng của công chúng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ hành chính công và dịch vụ công; ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh…
Bên cạnh đó, cần bổ sung chế định sát hạch định kỳ đối với công chức. Chế định sát hạch khác với công việc kiểm điểm hằng năm đang áp dụng (sơ sài, chiếu lệ…). Có thể thay thế chế độ “biên chế” bằng “hợp đồng linh hoạt” cộng với thực hiện chế định sát hạch công chức - xem như là một cuộc cải cách lớn đối với chế độ công vụ quá nhiều trì trệ, bất cập hiện nay.
TP HCM đang là 1 trong 10 tỉnh - thành được chọn thí điểm điều tra xã hội học về Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và đến nay, TP đã triển khai tại 24 quận - huyện cùng 5 sở - ngành. Nên chăng xem đây là thước đo chính thức về sự hài lòng của người dân và DN để làm cơ sở cho địa phương nâng cao chất lượng hoạt động công vụ?
Tại buổi làm việc với UBND TP HCM sáng 27-9 về khảo sát xác định SIPAS, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - nói từ hàng trăm năm trước, trong chế độ phong kiến Việt Nam, người dân hài lòng với triều đình thì đất nước phát triển, khi không hài lòng thì họ khởi nghĩa. Vì vậy, cần biết sự hài lòng của người dân để điều chỉnh phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Diệp Văn Sơn

No comments:

Post a Comment