Tuesday, September 27, 2016

Cựu thủ tướng Yingluck: Điều tra em của ông đó!

Báo Tuổi Trẻ, ngày 26/09/2016,           http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160926/cuu-thu-tuong-yingluck-dieu-tra-em-cua-ong-do/1177857.html,           Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã đáp trả với thủ tướng đương nhiệm khi đòi ông này phải điều tra chính người em của mình.

Cựu thủ tướng Yingluck: Điều tra em của ông đó!
Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra trong một lần trả lời giới báo chí - Ảnh: AFP
Theo báo Asian Correspondent ngày 26-9, bà Yingluck cho rằng thủ tướng Prayuth Chan-ocha nên điều tra chính người em của ông vốn cũng dính líu vào các cáo buộc tham nhũng trong các hợp đồng liên quan sử dụng ảnh hưởng gia đình.
Người mà bà cựu thủ tướng Thái Lan đề cập đến là thứ trưởng bộ Quốc phòng Thái Lan, tướng Preecha Chan-ocha.
Bà thách thức: "Hãy điều tra em của ông và hãy chơi theo luật cho công bằng!".
Hiện con trai của tướng Preecha đang có cổ phần trong một công ty được cho là ưu ái nhận đến 7 dự án của bên quân đội, trị giá khoảng 3 triệu USD. Vì điều này, công ty đang bị điều tra xem có được lợi nhờ có con thứ trưởng góp cổ phần hay không.
Trong khi đó, báo chí Thái Lan ngày 26-9 dẫn lời Thủ tướng Prayut Chan-ocha khẳng định chính quyền của ông đã làm đúng trách nhiệm khi yêu cầu bà Yingluck bồi thường 35,7 tỷ baht (tương đương 1 tỷ USD) vì trách nhiệm của bà đối với các thiệt hại ngân sách quốc gia liên quan đến chương trình mua tạm trữ gạo.
Thủ tướng Prayut cho rằng trong khi Ủy ban Chống Tham nhũng quốc gia (NACC) đã triển khai việc quy kết trách nhiệm đối với bà Yingluck thì chính phủ cần có biện pháp xử lý về mặt dân sự (theo Bộ luật Dân sự 1996), nếu không chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý do "lơ là phận sự" (theo điều 157 Bộ luật Hình sự).
Ông cũng khẳng định đây không phải là hành động “trấn áp”, đồng thời nêu rõ chính phủ không gấp gáp trong việc này mà chỉ yêu cầu đưa ra kết luận về vụ án dân sự vào tháng 2 năm sau.
Bà Yingluck không đồng tình với phần giải thích của Thủ tướng đương nhiệm mà cho rằng đó là cách bắt nạt vì ông đang áp dụng kiểu "hai chính sách", với bà thì nặng tay, còn với người nhà hoặc phe cánh thì nhẹ tay.
Bà viết trên Facebook của mình: "Tôi muốn Thủ tướng áp dụng cùng kiểu luật pháp cho tôi cũng như cho em trai ông ấy và những người cùng phe ông ấy".
Bà Yingluck cũng giải thích thêm rằng bà vẫn đang được xét xử tại Tòa tối cao về vụ này và quá trình biện hộ sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 2 năm sau; vì thế, việc đưa ra quyết định xử phạt hành chính như hiện nay là không thích hợp.
Ngày 25-6 vừa qua, Ban Hội thẩm pháp lý dân sự Thái Lan đã đề xuất mức phạt 1 tỉ USD, tương đương 20% số tiền mà Thái Lan bị thiệt hại vì chương trình thu mua gạo được thực hiện trong hai năm 2012 và 2013. Đây là cơ quan được lập nên để điều tra bà Yingluck và đã phán quyết bà Yingluck phạm tội lợi dụng quyền lực, không hoàn thành trách nhiệm.
Hiện bà Yingluck đang đối mặt với khoảng 15 cáo buộc về hành vi sai trái gồm: cấp hộ chiếu cho anh trai là cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, can thiệp quá mức vào cải tổ quân đội, hỗ trợ bất hợp pháp cho những người bị truy tố về tội phạm chính trị, cho phép Bộ Tài chính vay 350 tỉ baht (10 tỉ USD) cho đề án quản lý nước. Bên cạnh đó, việc chi tiêu của chính phủ thời bà Yingluck cũng bị cho là có vấn đề.
Người phát ngôn của Chính phủ Thái Lan, Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd cho biết bà Yingluck cũng sẽ bị khởi tố vì không đối phó hiệu quả với đợt lũ lụt tệ nhất trong 60 năm qua xảy ra vào năm 2011. Liên quan đến vụ việc, ngoài bà Yingluck, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva cũng sẽ bị điều tra.
Liên quan chương trình trợ giá gạo dưới thời bà Yingluck, Ủy ban Chống tham nhũng công (PACC) của Thái Lan đã mở rộng điều tra khoảng 1.000 quan chức cấp thấp liên đới.
Theo Tổng thư ký PACC Prayong Preeyachit, hiện đã xác định được hơn 800 trường hợp quan chức các cấp có sai phạm trong chương trình trợ giá gạo, trong đó chủ yếu là những quan chức có trách nhiệm trong bộ phận tạm trữ gạo và bộ phận khảo sát thị trường.
Trước đó, Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam nêu rõ có từ 50-70 quan chức có liên đới trong vụ làm giả hợp đồng bán gạo cấp chính phủ do cựu Bộ trưởng Thương mại Boonsong Teriyapirom và 5 quan chức cấp cao khác thực hiện. Ông Boonsong và các quan chức cấp cao này mới đây đã bị Chính phủ Thái Lan phát lệnh hoàn trả các khoản tiền đã thâm lạm nếu không sẽ bị tịch thu tài sản.
NGUYỄN QUÂN


No comments:

Post a Comment