Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Tài chính mong muốn công khai toàn bộ báo cáo ngân sách nhà nước và ngân sách Trung ương (trừ các thông tin mật không được phép công bố về lĩnh vực quốc phòng, an ninh và dự trữ quốc gia).
Cho rằng đây là bước tiến lớn, đáng được hoan nghênh, song, TS Lê Đăng Doanh vẫn cho rằng Bộ Tài chính cần chi tiết hóa, cụ thể hóa hơn nữa hay nói cách khác, công khai còn cần phải minh bạch nữa.
TS Lê Đăng Doanh |
PV:- Ông đánh giá thế nào về nội dung dự thảo cũng như mong muốn được công khai ngân sách của Bộ Tài chính?
TS Lê Đăng Doanh: Trước hết, phải nói rằng tôi rất hoan nghênh dự thảo của Bộ Tài chính và coi đây là bước tiến đáng ghi nhận cho thấy nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính và Chính phủ trong những năm qua nhằm làm tăng tính minh bạch của ngân sách đang đi đúng hướng.
Tuy nhiên, những nội dung công khai trong dự thảo hiện còn quá chung chung, chưa cụ thể; công khai nhưng chưa đúng với tinh thần, tiêu chuẩn chung của quốc tế.
Số liệu công bố mới chỉ dừng ở mức độ tổng thu, tổng chi và cân đối ngân sách trong khi thiếu những chi tiết và minh họa đi kèm về tình hình phân bổ ngân sách phân theo cấp, ngành, lĩnh vực, đối tượng, đơn vị... thì rất khó xác định được những sai phạm.
Tôi lấy ví dụ, chi ngân sách phải rất rõ ràng chi phí thường xuyên công khai những gì? Chi phí cho xe công quy định thế nào? Ai được phép sử dụng, sử dụng mức bao nhiêu...? Hay chi phí tiếp khách, chiêu đãi, giao lưu cũng vậy, được chi ở mức bao nhiêu? Các cuộc hội họp, chiêu đãi nào ngân sách phải chi, cuộc nào không được phép...?
Ở Thụy Điển họ quy định rất cụ thể đến từng bữa tiệc nào ngân sách được chi và chi bao nhiêu.
Ngay cả Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển khi tiếp đoàn khách Việt Nam, muốn mời cafe ông cũng phải tự bỏ tiền túi. Ông nói thẳng, "Tôi rất quý các bạn nhưng theo luật pháp nước tôi không cho phép tôi được mời các bạn ăn cơm, mong các bạn thứ lỗi".
Hay Thủ tướng Thụy Điển khi đi công tác sử dụng vé máy bay hết bao nhiêu tiền; tiếp khách hết bao nhiêu cũng đều được quy định theo tiêu chuẩn rất rõ ràng.
Rồi cũng ở ngay Thụy Điển, một vị Thứ trưởng đã phải từ chức vì bắt Cảng vụ của Bộ Ngoại giao chi khoản chi không nằm trong quy định của ngân sách. Chỉ cần biên lai được công khai, lập tức vị này đã phải xin từ chức.
Còn ở Nhật Bản, Thủ tướng Nhật cũng không được chiêu đãi khách bằng rượu ngoại.
Hay ở Mỹ, Thủ tướng, hay Tổng thống nếu nhận quà tặng, quà biếu từ trên 500 USD là phải khai báo, sau đó, phải được đánh giá, quà đó có vượt quá định mức quy định không? Nếu vượt quá quy định, quà tặng phải nộp về ngân sách hoặc đưa ra đấu giá. Dù là Thủ tướng hay Tổng thống muốn có được món quà đó phải tự bỏ tiền cá nhân để mua lại.
Còn ở Việt Nam, chúng ta đều biết hiện nay, đến cả UBND cấp xã đi giao lưu, hát karaoke, ăn chịu hết hàng trăm triệu cũng được nhăm nhe tính hết vào ngân sách. Biết là vô lý đấy nhưng không chỉ ra được cụ thể nó vô lý ở chỗ nào. Quan chức địa phương vẫn tiếp khách Nhật bằng rượu ngoại cả nghìn USD. Quà tặng cả tiền triệu, tiền tỷ, cặp ngà voi to xù vẫn được trưng trong nhà quan chức mà không ai hỏi gì.
Do đó, cần thiết phải chi tiết, cụ thể, có định mức rõ ràng hơn nữa trong các khoản thu - chi, trên cơ sở đó mới xác định được sai phạm hiện đang diễn ra vì đâu, do đâu. Nếu làm được như vậy công khai, minh bạch mới thật sự là bước tiến như chúng ta mong muốn. Còn ngược lại, dự thảo cũng chỉ giống như câu chuyện công khai, minh bạch thông tin về đất đai, tưởng là tiến bộ nhưng hóa ra chỉ mới là bắt đầu.
Khi đó, tôi được mời tham dự một hội thảo báo cáo tính công khai, minh bạch trong đất đai, người ta đưa ra nhận định là chúng ta đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, khi nhìn vào mới thấy, báo cáo mới đề cập tới quy hoạch cho 20 năm tới, rồi quy hoạch dự kiến khu vực này xây dựng gì, khu vực kia phát triển gì... tất cả không có ý nghĩa về mặt công khai, minh bạch. Đó chỉ là số liệu nhằm báo cáo, người dân không hiểu gì, họ cũng không quan tâm cái quy hoạch của 20 năm làm gì.
Cái người dân cần là mảnh đất đó trị giá bao nhiêu tiền một mét vuông hay đất đó giao cho ai, ngân sách thu được bao nhiêu, tiền đã về ngân sách hay chưa...?. Khi nào công khai đạt được tới mức độ đó, vấn đề công khai, minh bạch mới thật sự có tiến bộ và người dân mới có thể cùng tham gia giám sát được.
PV:- Vậy theo ông, việc chi tiết, cụ thể hóa như ông nói nó sẽ tác động thế nào tới việc đánh giá sức khỏe của nền kinh tế, tính toán chi tiêu của các địa phương và sự tham vấn của giới chuyên môn về giải pháp cho nền kinh tế?
TS Lê Đăng Doanh: Đúng vậy, nếu không cụ thể mọi khoản chi dù lớn nhỏ đều sẽ bị che lấp, nó không có ý nghĩa gì về mặt công khai, minh bạch, không làm rõ được những sai phạm. Nếu không làm rõ được sai phạm sẽ không thể xử lý được mà không xử lý được sai phạm thì cũng không quản lý được.
Chỉ khi nào công khai, minh bạch đạt đến từng chi tiết, cụ thể mới thể hiện mức độ chính xác và mức độ giám sát của cộng đồng và Quốc hội. Việc này tác động rất lớn tới việc ban hành chính sách cũng như những tham vấn của giới chuyên môn. Nếu đánh giá đúng sẽ có chính sách đúng và ngược lại.
Vì vậy, nếu dự thảo trên của Bộ Tài chính không đi được vào từng chi tiết cụ thể thì có công khai, minh bạch ngân sách cũng sẽ không đạt được mục đích gì cả.
PV:- Ông bình luận như thế nào trước những lo ngại, dù công khai minh bạch ngân sách nhưng chưa chắc đã tiếp cận được với những con số thật? Như vậy, việc làm này phải gắn liền với việc chuẩn hóa công tác thống kê như thế nào? Nếu không làm như vậy, dù có công khai thì hiệu quả của việc này có đạt được không và vì sao, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam, tôi đã có dịp được trò chuyện với ngài thư ký của ông ấy.
Ông ấy nói với tôi, ông rất thích Việt Nam, ông rất muốn đến đất nước Việt Nam. Khi tôi ngỏ lời mời ông ấy hãy tới Việt Nam, ông từ chối ngay. Ông ấy giải thích, Quốc hội nước ông quy định rất cụ thể mức chi phí công tác cho một chuyến đi công tác cùng Tổng thống là bao nhiêu; ông được đi nước ngoài bao nhiêu lần một năm. Nếu vượt quá số tiền trên sẽ không được đi nữa.
Tôi muốn nói, khi mọi thứ đều được cụ thể như vậy, người ta sẽ biết được giới hạn và điểm dừng. Nếu chỉ khoán cho một cục sẽ có rất nhiều giới hạn. Giới hạn với chính cơ quan hành chính, giới hạn cả với cơ quan quản lý. Họ sẽ tìm cách lách luật, thay đổi số liệu, lấy khoản này bù đắp cho khoản kia. Cuối cùng, không ai biết họ đã tiếp khách bằng rượu ngoại cả nghìn USD, hay quan xã đi ăn nhậu cả trăm triệu như vậy thì mục đích công khai, minh bạch cũng không đạt được mục đích nào cụ thể.
PV:- Đã nhiều lần dư luận đề cập tới việc công khai nợ công thực tế bằng cách lắp đồng hồ nợ công. Theo ông, đây có nên coi là bước khởi động cho việc công khai, minh bạch về ngân sách Nhà nước hay không? Ông có đồng tình với đề xuất nêu trên hay không và vì sao?
TS Lê Đăng Doanh: Tôi đồng ý nợ công hay tất cả các khoản nợ nào khác đều phải được công khai. Tuy nhiên, tôi luôn lưu ý, việc công khai chi tiêu là rất quan trọng. Đây là bước đi ý nghĩa khởi động cho bước tiến mới trong vấn đề công khai, minh bạch về ngân sách mà chúng ta đã đặt ra và phải vượt qua.
Việc lắp đồng hồ nợ công là việc làm cần thiết. Nó cũng là một giải pháp trong công khai, minh bạch. Theo tôi, có thể đặt đồng hồ nợ công này ngay Hồ Hoàn Kiếm, nơi mọi người dân và Chính phủ đều có thể nhìn thấy, theo dõi được, như vậy, ý nghĩa nhắc nhở mọi người về nợ công sẽ hiệu quả hơn.
PV:- Xin cảm ơn ông!
Hoài An
No comments:
Post a Comment