Monday, August 8, 2016

Đầu tư cho giáo dục và phát triển kinh tế

Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 06/08/2016,        http://www.thesaigontimes.vn/149630/Dau-tu-cho-giao-duc-va-phat-trien-kinh-te.html,           Báo chí đưa tin Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị GS. Ngô Bảo Châu giải bài toán về mối quan hệ giữa đầu tư cho giáo dục với tăng trưởng kinh tế.


Thật ra đã có hàng ngàn nghiên cứu về đề tài này từ hàng chục năm nay, từ các nghiên cứu của các đại học như Harvard rồi các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới đến nghiên cứu của từng nước riêng lẻ. Dù kết quả khác nhau nhưng nổi lên là một số kết luận: có mối quan hệ chặt chẽ giữa đầu tư cho giáo dục và cải thiện vốn con người nhất là năng suất lao động cá nhân nhưng với phát triển kinh tế thì mối quan hệ lại không rõ ràng. Đó là bởi để phát triển kinh tế, ngoài yếu tố con người, cái đóng vai trò quan trọng hơn là chính sách kinh tế đúng đắn, là môi trường cạnh tranh bình đẳng, nền hành chính không tham nhũng, nguồn vốn dồi dào, tài nguyên được sử dụng một cách khôn ngoan... Phần lớn không liên quan trực tiếp đến giáo dục.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ giáo dục, cái bài toán quan trọng hơn nhiều lần là phát triển kinh tế ngày nay có gì khác trước và vì thế giáo dục phải tự thay đổi như thế nào để thích ứng với các yêu cầu của mô hình kinh tế mới.
Nếu như chúng ta tự bằng lòng với vai trò một nền kinh tế gia công, chủ yếu đi may quần áo, đóng giày dép, lắp ráp điện thoại thì có lẽ nền giáo dục cũng không cần nỗ lực gì nhiều cũng đào tạo ra những người thợ lành nghề.
Nếu như chúng ta tự bằng lòng với vai trò một nền kinh tế gia công, chủ yếu đi may quần áo, đóng giày dép, lắp ráp điện thoại thì có lẽ nền giáo dục cũng không cần nỗ lực gì nhiều cũng đào tạo ra những người thợ lành nghề.
Nhưng chỉ cần bước thêm một nấc trên bậc thang giá trị, như gia công phần mềm hay đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của Intel, chúng ta đã thấy thiếu nguồn nhân lực có chất lượng, có kiến thức cập nhật, biết ngoại ngữ, biết chủ động tổ chức công việc - nguồn nhân lực mà rõ ràng nền giáo dục trong nước chưa đào tạo ra được. Ngay cả ở giai đoạn gia công, chúng ta vẫn đang còn thiếu giới quản trị cấp trung làm việc với năng suất cao, hiệu quả cao. Những nỗ lực làm nhà cung ứng nội địa để tham gia vào các dây chuyền sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia đang lắp ráp thành phẩm ở Việt Nam ít đem lại kết quả, một phần cũng do thiếu những con người có những kỹ năng cần thiết.
Huống gì thế giới đang đi vào giai đoạn bùng nổ các mô hình sản xuất kinh doanh mới, trong đó các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao nhất không còn là sản xuất nữa mà là tìm ý tưởng, thiết kế, cải tiến, lựa chọn mô hình, rồi các kỹ năng mềm để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách hữu hiệu nhất. Dĩ nhiên không trường học nào có thể dạy kịp các kiến thức công nghệ đang được áp dụng để làm ra ứng dụng mới, không trường nào đủ nguồn lực để dạy các đề tài mới tinh như trí tuệ nhân tạo, khai thác dữ liệu lớn...
Cái các trường có thể làm là đào tạo ra những con người biết sáng tạo, luôn tiếp nhận được cái mới, biết hoài nghi các mô hình cũ đã định hình, biết đặt câu hỏi và tìm lời giải cho các vấn đề mà cuộc sống luôn đặt ra.
Để làm được điều đó, các nhà giáo dục phải dày công suy nghĩ để thiết kế lại toàn bộ hoạt động giáo dục, từ dạy gì đến dạy như thế nào, từ nuôi dưỡng tinh thần gì ở môi trường đại học đến khích lệ một thái độ học tập ra sao, học vẹt hay học thực chất. Những điều đó chưa chắc đã cần một mức độ đầu tư cao hơn trước, chưa hẳn quá chú trọng đến quy mô đầu tư nhưng chắc chắn nó đòi hỏi phải thay đổi cách suy nghĩ đến tận gốc rễ và một đam mê bắt tay vào cuộc.
Nguyễn Vạn Phú

Bình Luận
Kinh tế 101 chuyện xưa như trái đất. Nếu có hỏi thì hỏi nhà kinh tế lao động, education earning và manpower planning modeling, chứ nhà toán học chỉ hiểu phần nào.
Tôi xin cảm ơn tác giả Nguyễn Vạn Phú đã nói lên mong muốn của nhiều người về giáo dục, là sinh viên cần biết suy nghĩ và thích ứng thay đổi nền kinh tế hiện tại.
Tôi muốn chia sẻ góc nhìn khác tác giả về giáo dục đại học. Tôi cũng hy vọng thảo luận thêm giúp tìm cách thực hiện để đạt mong muốn mà tác giả đã nêu.
Những thay đổi của giáo dục nước nhà đang diễn ra nhanh chóng, chưa bùng phát nên khó thấy. Ba lập luận củng cố quan điểm này. Đầu tiên, quy định của Bộ về trình độ giảng viên và thời gian nghiên cứu, chuẩn đầu ra,... tất cả đang buộc mỗi trường gia tăng chất lượng giáo trình. Áp lực cụ thể lên giảng viên ngày càng lớn. Điều này là cần thiết, dù nó là hiển nhiên theo chuẩn mực thế giới. Nền giáo dục đang đi đúng đường.
Ngoài ra, nhiều đại học chủ động "học theo" và mở các chương trình liên kết với nước ngoài, đặc biệt khối ngành kinh tế. "Thực dạy", ít nhất với ngoại ngữ, đang phổ biến ở các đại học, từ tiêu chuẩn sinh viên tốt nghiệp cho đến trong các hoạt động của sinh viên.
Một ví dụ cụ thể như ĐH Hoa Sen, người Sài Gòn không khó bắt gặp những sinh viên tình nguyện hướng dẫn du lịch [1], hoặc nếu vào khuôn viên trường, nhiều bạn tập trình bày nói tiếng Anh. Những đại học lớn như Ngoại Thương, Quốc Tế, Kinh Tế... dĩ nhiên có nhiều đầu tư hơn.
Cuối cùng, có lẽ là quan trọng nhất, nhiều đại học đang bắt đầu áp dụng kiểm định của các tổ chức quốc tế. Các trường thường bắt đầu ở vài chương trình đào tạo, sau đó mở rộng ở quy mô khoa, hoặc trường. Tiêu biểu như ĐH Bách Khoa TPHCM đạt chứng nhận AUN-QA [2]. Các trường cũng hiểu rõ: vận dụng tiêu chuẩn quốc tế trở thành điều kiện thu hút người khi nguồn cung sinh viên giảm xuống cùng giai đoạn dân số vàng đang qua. Các đại học chạy đua chất lượng vì nếu không đầu tư thì sẽ tự đào thải. Vấn đề nằm ở nhóm trường không thể "chạy đua" dễ có nguy cơ tham nhũng khi thiếu minh bạch cho giám sát xã hội.
Kinh nghiệm quốc tế phát triển giáo dục là quá trình "leo từng nấc thang" từ phần lớn lao động phổ thông, lên lao động nghề có đào tạo, sau đó mới đến trình độ cao. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, từ ngành công công nghiệp thâm dụng lao động như may mặc sau dần mới thành các sản phẩm thâm dụng tri thức.
Trong bối cảnh công nghệ hiện nay, cách làm đột phá đào tạo đội ngũ chuyên gia trình độ cao (như IT) có lẽ cũng cần được thảo luận thêm. Cần lưu ý là nhiều ngành công nghệ thì "miếng bánh" chỉ dành cho số ít [4].
Giáo dục trước tiên chỉ cần vài điều chỉnh nhỏ. Đó là trách nhiệm giải trình. Xã hội cần biết nhà trường đang đào tạo điều gì và để làm gì. Không quá khó xây dựng một website để sinh viên tốt nghiệp cung cấp thông tin việc làm như ý tưởng từ 2014 [5], từ đó người học có quyết định phù hợp về nhà trường, nhưng có lẽ cần một phản hồi của chủ trương từ Bộ GD&ĐT.
Giáo dục buộc sẽ có những thay đổi lớn ở thời điểm hội nhập khi người học hết muốn "chết ở tuổi đôi mươi" (tấm bằng giả chẳng nuôi họ cả đời, hoặc phí phạm thời gian, tài lực và tuổi trẻ của họ) và gia đình cần đong đếm hiệu quả đầu tư khi học phí tăng không thể đoán trước.
Xin cảm ơn TBKTSG đã có nhiều câu chuyện hay! Hy vọng báo có thêm nhiều thảo luận góp phần tìm lời giải cho đất nước phát triển! Trân trọng!

No comments:

Post a Comment