Monday, June 6, 2016

Tướng Trung Quốc cướp diễn đàn hô hào luận điệu dối trá

Báo Tuổi Trẻ, ngày 06/06/2016,          http://tuoitre.vn/tin/the-gioi/20160606/tuong-trung-quoc-cuop-dien-dan-ho-hao-luan-dieu-doi-tra/1113451.html,          Vẫn một giọng điệu “ta mới đúng”, đại diện của Trung Quốc lại lập luận kiểu bất chấp lý lẽ trước cử tọa quốc tế.

Tướng Trung Quốc cướp diễn đàn hô hào luận điệu dối trá
Đô đốc Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri La, Singapore, ngày 5-6 - Ảnh: Reuters
Tại ngày kết thúc Đối thoại Shangri-La (5-6), đô đốc Tôn Kiến Quốc, phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, tiếp tục tránh né trả lời đúng trọng tâm những câu hỏi của cử tọa và cướp diễn đàn để hô hào những luận điệu dối trá của nước này về chủ quyền ở Biển Đông.
Vẫn kiểu hai mặt
Phát biểu ngay sau thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trong phiên thảo luận chủ đề “Những thách thức của việc giải quyết xung đột”, ông Tôn Kiến Quốc nói rất to khiến cả khán phòng bất ngờ.
Cũng giống như năm ngoái, đô đốc họ Tôn tiếp tục kể công trạng của Trung Quốc trong việc đóng góp cho nền hòa bình thế giới như đưa binh sĩ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và cứu hộ, cứu nạn.
Ông Tôn cho rằng “luật rừng” đi ngược lại xu thế của thời đại và không đem lại hòa bình, thay vào đó chỉ có hiểu biết, nhượng bộ lẫn nhau mới mang lại ổn định.
Đô đốc Tôn cho rằng công lý và đảm bảo an ninh lâu dài cho những điểm nóng trong khu vực đòi hỏi các bên cần phải hết sức bình tĩnh, đưa ra những giải pháp dựa vào luật pháp và các thể chế, đồng thời giảm nhiệt thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin.
Ông Tôn nói Trung Quốc cam kết giải quyết bất đồng, tranh chấp một cách hòa bình với các quốc gia liên quan.
“Bằng cách trả lời vòng vo, lảng tránh, ông Tôn Kiến Quốc không muốn kết nối với những đại biểu đến từ khu vực và quốc tế, không giải thích rõ về những mối lo ngại của họ và cũng không chịu lắng nghe.
Thay vào đó, ông ấy lại đổ thừa chính Mỹ và Philippines mới đang gây căng thẳng ở Biển Đông.
Tôi nghĩ đây không phải là một chiến lược hiệu quả và cũng không có nghĩa là tiếng nói của ông ấy được các đại biểu chấp thuận

Bà Bonnie Glaser (chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, trụ sở tại Washington)
Dù nói những lời hoa mỹ trên nhưng khi đến phần nói về tranh chấp tại Biển Đông, ông Tôn tiếp tục những luận điệu áp đặt vô cớ và vô lý về chủ quyền của nước này.
“Chúng tôi sẽ hoàn toàn bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không và hòa bình ở Biển Đông. Chúng tôi đã được đồng thuận thông qua đối thoại song phương và thương thuyết với ASEAN. Trung Quốc và ASEAN có khả năng đảm bảo hòa bình và ổn định thông qua hợp tác ở Biển Đông” - ông Tôn nói.
Đô đốc Tôn mạnh miệng cảnh báo các quốc gia bên ngoài phải đóng vai trò xây dựng đối với vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và vu cáo “vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng bởi các hành động khiêu khích của các quốc gia bên ngoài vì quyền lợi hẹp hòi của họ”.
Hỏi một đằng, trả lời một nẻo
Như thường lệ, đô đốc Tôn Kiến Quốc lại bị xoay bởi hàng loạt câu hỏi hóc búa từ nhiều cử tọa quốc tế nhưng cũng giống như lần trước, ông ấy tiếp tục né tránh, trả lời vòng vo.
GS Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc mở màn bằng câu hỏi khá thẳng: “Là một thành viên ký kết, Trung Quốc có trách nhiệm gì trong việc giải quyết các xung đột và tranh chấp trong khuôn khổ của UNCLOS?”.
Ông Tôn lảng tránh bằng cách trả lời cho có: “Philippines khởi sự vụ kiện này mà không có sự đồng ý của Trung Quốc, qua đó đã vi phạm thỏa thuận song phương. Tôi nghĩ rằng tất cả con đường đàm phán song phương đều đang mở rộng cho Trung Quốc. Chính phủ mới của Philippines có thể gỡ bỏ mặc cảm quá khứ”.
TS Seiichiro Takagi từ Học viện Các vấn đề quốc tế (JIIA) của Nhật chất vấn tiếp đô đốc Tôn: “Tại đây năm ngoái, ông có kết luận rằng về tranh chấp ở Biển Đông, hãy tin tôi, hãy nhìn vào hành động của chúng tôi.
Thế thì xin hỏi ông đánh giá một năm sau phát biểu của ông, Trung Quốc có thành công trong việc thúc đẩy tăng cường niềm tin với các quốc gia láng giềng. Nếu có, xin ông đưa ra các ví dụ cụ thể?”.
Thêm một lần nữa, đô đốc Tôn Kiến Quốc lại không trả lời đúng trọng tâm bằng câu trả lời khiến mọi người chưng hửng: “Trong những năm qua, một số nước nhỏ than phiền bị áp bức bởi các nước lớn nhưng Trung Quốc tuyệt nhiên không áp bức một nước nào, mà chỉ có nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc”!
Ông tướng của Trung Quốc thậm chí còn “chỉ dạy” các nước “nên tiếp cận vấn đề một cách hệ thống và toàn thể” trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. “Trung Quốc đã tuyên bố đường chín đoạn. Đây là một tuyên bố mang tính chất trang trọng, có hiệu lực quốc tế” - ông Tôn tuyên bố, cố tình quên rằng tòa trọng tài quốc tế đang sắp có phán quyết công bằng về chuyện này.
Thậm chí đô đốc Tôn còn xin người điều phối thảo luận thêm một vài phút để than phiền về việc tại sao Mỹ lại cho rằng Trung Quốc đang tự cô lập mình dù chẳng có đại biểu nào đặt câu hỏi.
Về chuyện này, ông Tôn nói: “Tôi chẳng thấy Trung Quốc tự cô lập gì cả bởi Trung Quốc tham gia xây dựng, duy trì hòa bình ở khu vực này. Chúng tôi sẽ đi theo con đường hợp tác và các bên cùng có lợi. Chúng tôi không tự cô lập trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Tôi đang lo lắng một số quốc gia đang nhìn Trung Quốc với tư duy chiến tranh lạnh”.
Trung Quốc sẽ không tôn trọng 
phán quyết của PCA
Liên quan đến phán quyết sắp tới của Tòa thường trực trọng tài (PCA) ở The Hague (Hà Lan), đô đốc Tôn Kiến Quốc cho rằng việc này Philippines đưa ra dưới chiêu bài luật pháp quốc tế nhằm “từ chối quyền, chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông”.
“Tòa trọng tài không giải quyết được vì hai bên đã ký thỏa thuận song phương. Cách duy nhất để giải quyết vấn đề này là Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)” - đô đốc Trung Quốc nói và trơ tráo kết tội: “Bằng cách đơn phương khởi kiện, Philippines đã vi phạm thỏa thuận song phương với Trung Quốc, vi phạm UNCLOS”.
Đô đốc Tôn ngang nhiên khẳng định Chính phủ Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận tham gia phiên tòa này và sẽ không tôn trọng phán quyết.
Ông Tôn còn mạnh miệng trước diễn đàn: “Chúng tôi không phải bên gây ra rắc rối và chúng tôi không sợ rắc rối. Chúng tôi không cho phép bất cứ xâm phạm nào đối với chủ quyền quốc gia cũng như các lợi ích an ninh đất nước.
Chính sách của chúng tôi ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) sẽ không thay đổi. Trung Quốc đủ khôn ngoan và bình tĩnh để giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình”.
QUỲNH TRUNG (Từ Shangri-la

No comments:

Post a Comment