Việt Nam đang bị bỏ lại phía sau ngày càng xa
Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII của Đảng (1/1994), đã đưa ra 4 nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của dân tộc: tụt hâu, chệch hướng, tham nhũng và diễn biến hòa bình. Hơn 22 năm qua, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự, nó không còn là nguy cơ nữa mà đã trở thành những thách thức hiển hiện trong thực tế và càng ngày càng trở nên bức thiết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nhưng theo ông, đâu là nguy cơ nguy hại nhất?
- Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra thì nguy cơ nào cũng nguy hại. Tuy nhiên, tụt hậu về kinh tế ngày càng xa hơn, thực sự đang đe dọa đất nước và tác động đến 3 nguy cơ còn lại theo chiều hướng xấu nhanh hơn.
Mặc dù có những thành tựu đáng tự hào trong suốt 3 thập kỷ vừa qua, nhưng rõ ràng là chúng ta vẫn đang bị các nước phát triển hơn bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển. Năm 1990, khoảng cách Việt Nam so với trung bình thế giới khoảng 4.000USD, thì sau hơn 20 năm, khi GDP bình quân của Việt Nam đạt 2.000 USD thì GDP bình quân thế giới đã vượt 10.000 USD, khoảng cách phát triển đã lên gấp 2 lần. Về giáo dục: theo chỉ số Human Development, Việt Nam đứng hàng 121/187, có nghĩa là dưới trung bình. Về y tế: theo chỉ số y tế, sức khoẻ, Việt Nam đứng hàng 160 trên 190 quốc gia. Trong khi đó, theo chỉ số tham nhũng mới nhất của tổ chức Transparency International, Việt Nam đứng hàng 116/177 có nghĩa là thuộc nhóm 1/4 quốc gia cuối bảng.
Cũng trong 30 năm- được coi như một thế hệ- Nhật Bản từ nước bại trận vươn lên nền kinh tế thứ nhì thế giới, Hàn Quốc từ quốc gia đi làm thuê trở thành những ông chủ với nhiều công ty có tính toàn cầu, Singapore từ thế giới thứ ba bước vào hàng các nước phát triển, nhiều nước Đông Á trở thành những “con rồng nhỏ”.
Vậy đâu là lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam?
- Vị thế của Việt Nam phải do chính chúng ta tạo dựng. Sự phát triển của kinh tế tư nhân làm nền tảng với giáo dục kỹ năng chuyên sâu, đổi mới thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao như WTO, TPP.
Muốn đất nước phát triển thì điều quan trọng nhất là phải đẩy nhanh cải cách thể chế. Chúng ta vẫn nói cải cách thể chế không theo kịp cải cách kinh tế. Mà cải cách thể chế mấu chốt là Đảng phải đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là công tác cán bộ, cơ chế giám sát quyền lực tối cao để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Khi mà người dân giảm sút lòng tin vào Đảng mà Đảng lại không chịu đổi mới để vì dân, thì bản thân sự trì trệ đó sẽ đẻ ra mâu thuẫn. Cách mạng chỉ nổ ra khi quần chúng nhân dân không chịu được sự bảo thủ, trì trệ của lãnh đạo đương thời, khi cấp trên không xứng đáng, cấp dưới không thể chịu đựng thêm được nữa. Đấy chính là điều mà người ta hay gọi là diễn biến hòa bình. Thực chất của diễn biến hòa bình là diễn biến về niềm tin của dân với Đảng.
Ông Lê Doãn Hợp, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam. |
Loại bỏ căn bệnh “cánh hẩu” trong Đảng
Như ông nói mấu chốt là Đảng phải đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là công tác cán bộ để lấy lại lòng tin của nhân dân. Ông có thể phân tích rõ hơn không?
- Muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì trước hết Đảng phải trong sạch, vững mạnh. Những quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ, của V.I.Lênin “Về vấn đề thanh đảng” vẫn còn nguyên giá trị thời đại, là những kinh nghiệm mà Đảng ta có thể vận dụng phù hợp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam trong việc làm trong sạch Đảng, tăng cường sức mạnh của Đảng.
Thanh đảng bằng cách nào? Lênin đã yêu cầu: “Đuổi ra khỏi Đảng những kẻ gian giảo, những đảng viên quan liêu, thoái hóa, không trung thực, nhu nhược, xu nịnh, luồn lọt, bọn tham ô, ăn cắp, bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào”.
Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh từng lên án bệnh kéo bè, kéo cánh, cục bộ, bản vị. Người gọi đây là căn bệnh “Cánh hẩu” trong Đảng. Người nói: “Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi “chén chú chén anh”, tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, có tài nhưng không “hẩu” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng; Ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống”.
Trong báo cáo khai mạc Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, tham nhũng, lãng phí; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân; lối sống xa hoa, hưởng lạc... Trong những biểu hiện đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước”.
Vì vậy, chừng nào Đảng chưa khắc phục được những vấn nạn này thì nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng vẫn còn.
Chệch hướng: chệch đi đâu?
Thưa ông, có những ý kiến cho rằng, thà phát triển chậm vẫn hơn là phát triển chệch hướng. Như vậy có nghĩa là nguy cơ chệch hướng nguy hại hơn là tụt hậu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
- Lâu nay có không ít người luôn lo ngại và cảnh báo về nguy cơ chệch hướng. Đúng như ông Vũ ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giao Trung ương, từng đặt vấn đề: Chệch hướng: chệch đi đâu?
Nếu có chệch hướng thì chỉ có thể chệch về 3 hướng. Thứ nhất, chệch về chủ nghĩa phong kiến. Với xu thế phát triển và cơ cấu kinh tế nhiều thành phần như hiện nay thì không thể quay trở lại “nền kinh tế phong kiến” được. Tuy nhiên phải cảnh giác với “căn bệnh phong kiến” về công tác cán bộ “cha truyền con nối”, “anh xuống em lên”.
Thứ hai, chệch sang Chủ nghĩa tư bản (CNTB). Nhưng đây có thực sự là nguy cơ không, vì như chúng ta thấy, CNTB về nền tảng về cơ sở vật chất dường như gần với CNXH hơn. Ví dụ như các nước Bắc Âu, gần như tất cả những gì chúng ta mong muốn ở CNXH thì họ đều đã có, với 3 thành tựu: Một là không có đói nghèo; hai là không có tệ nạn xã hội; ba là không có người thất nghiệp. Đây là giấc mơ của nhiều nước XHCN đương thời.
Vậy còn chệch hướng thứ ba thì sao, thưa ông?
- Cái chệch thứ ba là chệch sang “CNTB thân hữu”, như có lần ông Vũ Ngọc Hoàng đã đề cập, hay còn gọi là “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”... Dù với tên gọi là gì đi chăng nữa thì đây cũng không phải là một giai đoạn của CNTB, mà là một khuyết tật, một sự tha hóa của CNTB. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các tổ chức, doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các tổ chức, doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.
Đặc trưng của “CNTB thân hữu” là có sự cấu kết, thâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau trấn lột “mềm”, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị.
Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của nhóm đặc quyền này, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường XHCN chân chính nữa. Mong muốn của hàng triệu đảng viên và nhân dân đã chiến đấu và hy sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được.
Lúc này, hơn lúc nào hết, cần phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, không để Đảng bị nhóm đặc quyền nào thao túng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.
Cần loại bỏ “CNTB bè phái”, “CNTB lũng đoạn”
Để từng bước đẩy lùi lợi ích nhóm và tiến tới xóa bỏ lợi ích nhóm, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
- Trước hết cần đẩy mạnh công khai hóa, minh bạch hóa các hoạt động của các bộ máy công quyền. Bởi lẽ, nếu trong hoạt động của bộ máy công quyền còn nhiều điểm tối, không rõ ràng, thì các nhóm lợi ích như ta vừa nói ở trên: “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”... còn có cơ hội hình thành. Kiểm tra thường xuyên, đặc biệt là phải tăng cường kiểm tra chéo các hoạt động công vụ nhằm ngăn chặn khả năng hình thành các nhóm lợi ích này.
Trên cơ sở đó, một mặt đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; mặt khác cần xây dựng cơ chế giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Quyền hạn phải gắn liền với trách nhiệm một cách rõ ràng, minh bạch, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”. Lãnh đạo quyền hành thì to nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình. Đã đến lúc phải lấy lại tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân trước vị trí của mình. Để làm được điều này, có nhiều cách như thông qua cơ chế tranh cử, bãi miễn, giám sát bảo đảm các quyền tự do của công dân đã được quy định trong Hiến pháp...
Ngoài ra cũng cần triển khai các giải pháp đồng bộ khác như: Hoàn chỉnh cơ chế chính sách để không còn rò rỉ, sơ hở. Xử lý nghiêm minh mọi sai phạm. Giảm biên chế, nâng lương đủ sống cho viên chức, để cơ chế tiến tới 3 không như Singapore: Không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng.
7 thách thức với Chính phủ hiện thời
Những vấn đề mà ông vừa phân tích ở trên là những thách thức thực sự đối với đảng cầm quyền hiện nay mà Đảng ta đang từng bước khắc phục. Còn đối với Chính phủ hiện nay có những thách thức gì cần phải khắc phục không, theo ông?
- Có 7 vấn đề lớn của đất nước hiện nay Chính phủ phải vượt qua mà lòng dân mong muốn:
-Một là biến đổi khí hậu ĐBSCL. Đừng nghĩ rằng chỉ có nước ở ĐBSCL bị ngập mặn mà nguy hiểm hơn là đất bị nhiễm mặn và khô cằn. Nước mặn tràn vào đẩy nước ngọt lùi dần. Đòi hỏi phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mà thay đổi không thể là ngày một ngày hai mà phải là năm bảy, thậm chí là hàng chục năm. Đó là khó khăn lớn nhất về nông nghiệp và cây trồng ở ĐB SCL.
Hai là hạn hán ở Tây Nguyên. Hiện nay hạn hán đã làm cho khoảng 50% cây công nghiệp chết và đang tiếp tục chết thêm. Năm nay còn hạn nữa và năm sau chắc gì đã mưa thuận gió hòa. Thế thì vấn đề trồng lại hàng triệu cây đã mất là cả một vấn đề và hàng mấy năm liền không có sản phẩm. Trồng lại cũng là tiền. Mất cây cũng là mất tiền.
Thứ 3, là vụ cá chết ở miền Trung, liên quan đến niềm tin, đến xuất khẩu thủy sản, liên quan đến nguồn lợi thủy sản ven biển v.v.
Thứ tư, là các DNNN gặp rất nhiều khó khăn như Tập đoàn dầu khí quốc gia. Từ một doanh nghiệp nộp ngân sách lớn nhất cho nhà nước nay đang đứng nhiều thách thức phải vượt qua.
Thứ năm là mất cân đối tài chính, nợ công lớn và đang đến kỳ phải trả, trong khi nguồn thu giảm. Thứ nhất là giảm sản lượng nông nghiệp. Thứ 2 là giảm doanh thu du lịch. Thứ 3 là giảm xuất khẩu thủy, hải sản. Thứ 4 là giảm xuất khẩu sản phẩm từ cây công nghiệp v.v.
Thứ 6 là sức ép của TPP. Quốc hội phải thông qua và thay đổi nhiều cơ chế để phù hợp và ngang tầm với thế giới. Đây sẽ là thử thách và dăm ba năm đầu sẽ rất khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ 7 là tình hình Biển Đông chưa bao giờ bình lặng cả. Đòi hỏi chúng ta phải xử lý vấn đề Biển Đông trí tuệ, tỉnh táo phù hợp với lợi thế thời đại và lòng dân, đảm bảo chủ quyền quốc gia, trên cơ sở “hợp tác, cảnh giác để phát triển”.
Đó là 7 thách thức lớn, nhưng tôi tin rằng Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ từng bước khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đưa đất nước sang một giai đoạn phát triển cao hơn.
Xin cám ơn ông!
Lê Thọ Bình(Viettimes)
No comments:
Post a Comment