Kinh nghiệm xương máu về ô nhiễm môi trường
Ngày 16/6, trong cuộc họp báo tại Đài Bắc về vấn đề Formosa và môi trường biển Việt Nam, các nhà hoạt động môi trường, nhân quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã cùng kêu gọi chính quyền phải thắt chặt các quy định về môi trường đối với các công ty Đài Loan khi đầu tư ra nước ngoài, sau khi tranh cãi về việc có thể nhà máy thép của Formosa Plastics Group (FPG) tại Việt Nam gây ô nhiễm môi trường biển.
Đánh giá về động thái này của Đài Loan, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
“Không phải Đài Loan nghiêm khắc với doanh nghiệp của nước họ khi đầu tư tại nước ngoài đâu. Bất cứ nước nào cũng sẽ làm như thế. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vì chúng ta đầu tư ra nước ngoài ít nên chưa đến mức gây ảnh hưởng lớn, nếu không chúng ta vẫn phải làm.
Việc nghị sĩ Đài Loan lên tiếng vụ Formosa liên quan đến ô nhiễm biển ở Việt Nam cũng xuất phát từ kinh nghiệm sương máu mà họ từng phải gánh chịu. |
Điều này xuất phát từ những lợi ích kinh tế. Khi mà đầu tư ra nước ngoài thì không phải chỉ công ty mà nhà nước cũng có lợi từ hoạt động đó. Người ta phải nộp thuế cho nước có công ty hoặc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Đương nhiên ở đây Đài Loan có quyền lợi về kinh tế và và thứ hai quy định như vậy cũng là để bảo vệ doanh nghiệp, công dân của họ ở nước ngoài”, ông Đáp khẳng định.
Cùng đưa ra quan điểm, TS Bùi Quang Tề, nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhấn mạnh, những bài học kinh nghiệm xương máu từ quá khứ đã buộc Đài Loan phải thận trọng trong các tuyên bố về môi trường.
“Đài Loan đã gây ô nhiễm môi trường từ năm 1986, 1987. Họ nuôi tôm thâm canh và bị thất bại nặng nề. Sản lượng giảm 4-5 lần. Trước kia họ đạt khoảng 90 ngàn tấn nhưng đến nay chỉ còn khoảng 20 ngàn tấn. Dù có nỗ lực nhưng cũng không vực dạy lại được.
Đài Loan có nhiều trường hợp không phá hủy môi trường ở đất nước họ nhưng khi đi ra nước ngoài gây ô nhiễm, như nuôi tôm thâm canh ở Ấn Độ đã bị phản ứng, Formosa ở Campuchia cũng bị ô nhiễm rồi mới gần đây xảy ra tại Việt Nam. Trong Quốc hội hay nghệ sĩ Đài Loan kêu gọi như thế là tốt. Tuy nhiên quan trọng là có quyết liệt, quyết tâm với doanh nghiệp nước họ hay không”, TS Tề khẳng định.
Xử lý nghiêm những công ty làm ô nhiễm môi trường
Từng có thời gian đi khảo sát thực tế tại một số các quốc gia tiên tiến trong khu vực như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan... ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho rằng ở các nước trên họ có những quy định chặt chẽ về môi trường với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư trên địa bàn. Nếu sai phạm các cam kết được đưa ra, chính quyền nước sở tại sẽ chiếu theo quy định của phát luật để xử lý nghiêm.
“Nếu phát hiện sai phạm, họ đưa ra tòa để xử, đòi bồi thường thiệt hại gây ra. Thậm chí là cấm, đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp hoặc cá nhân đó chứ không chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở. Vì thế mà vấn đề môi trường ở các nước này được đảm bảo rất tốt”, ông Đáp nói.
Đối chiếu với Việt Nam, vị chuyên gia thừa nhận, dù nước ta đã có những quy định rõ ràng về môi trường theo chuẩn quốc tế, có những hội đồng đánh giá, thẩm định riêng biệt nhưng trong quá trình quản lý, kiểm soát vẫn bộc lộ những hạn chế, điểm yếu.
“Quy định là như vậy nhưng quá trình giám sát thì lại là chuyện khác. Thời gian qua khi tình trạng cá chết xảy ra tại Việt Nam thì phản ứng của một số Bộ, cơ quan, ban ngành trong việc phát hiện, xử lý, thông tin còn chậm, gây băn khoăn trong dư luận”, vị chuyên gia đánh giá.
Thận trọng khi Đài Loan đề nghị giúp
Cùng với việc kêu gọi chính phủ phải thắt chặt các quy định về môi trường đối với các công ty Đài Loan khi đầu tư ra nước ngoài, các nghị sĩ Đài Loan cũng đưa ra lời đề nghị với phía Việt Nam về việc trợ giúp để xác định nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Bùi Quang Tề đánh giá cao tinh thần của phía Đài Loan. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng cần phải nhìn nhận việc hợp tác ở 2 khía cạnh để đưa ra những quyết định đúng đắn.
“Nếu Đài Loan thật sự muốn điều tra để đánh giá việc làm của các công ty của họ tác động như thế nào đến môi trường thì thật sự là tốt. Nhưng cần tìm hiểu xem đằng sau lời đề nghị kia có vấn đề gì nữa không. Tôi nghĩ chúng ta nên chủ động trong việ này”, TS Tề nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với TS Tề, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện tài nguyên, môi trường và phát triển cộng đồng; Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định, thiện chí của phía Đài Loan là tốt nhưng việc Việt Nam từ chối lời đề nghị của các nghị sĩ nước này là có cơ sở.
“Hiện nay Chính phủ, các ban ngành, đoàn thể đã cùng vào cuộc để điều tra nguyên nhân cá chết rồi. Theo chỉ đạo thì cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới sẽ có kết quả. Tôi cho rằng các nhà khoa học của Việt Nam có đầy đủ năng lực, chuyên môn để đưa ra những kết luận đó.
Trước đây, cũng có một số nhà khoa học quốc tế được mời tham gia đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân vụ việc rồi. Nếu sau này khi cần thiết thì việc chúng ta có thể xem xét, cân nhắc để mời các chuyên gia Đài Loan”, bà An nhấn mạnh.
Hà Đông
No comments:
Post a Comment