Đây là những con số chính theo Quyết định 1011/QĐ-TTg về kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký.
Khoản vay này dùng để bù đắp bội chi là 254.000 tỉ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỉ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỉ đồng; vay đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng.
Về nguồn huy động vốn, vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu, vay từ quỹ bảo hiểm xã hội và SCIC là 336.000 tỉ đồng.
Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA, ưu đãi 4,7 tỉ đô la Mỹ (99.000 tỉ đồng, trong đó 43.000 tỉ đồng cho vay lại, và 56.000 tỉ đồng để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước).
Chính phủ cũng sẽ vay 17.000 tỉ đồng thông qua các hình thức khác như phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế. Trường hợp cần thiết phát hành trái phiếu Samurai, tức trái phiếu bằng đồng Yen phát hành tại Nhật.
Cũng theo Quyết định trên, kế hoạch trả nợ của Chính phủ năm 2016 là 273.000 tỉ đồng (12 tỉ đô la Mỹ). Trong số đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016 là 154.000 tỉ đồng; trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỉ đồng; đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý là Quyết định trên căn cứ vào Luật NSNN năm 2002, do Luật NSNN mới sẽ chỉ có hiệu lực vào đầu năm 2017. Theo Luật mới này, vốn trái phiếu chính phủ sẽ được tính vào bội chi, và như vậy, số bội chi dự kiến sẽ cao lên.
Báo cáo của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội tháng 3 vừa rồi khẳng định, bội chi NSNN năm sau cao hơn năm trước, không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2011 mức bội chi là 4,4% GDP, năm 2012 là 5,4% GDP, năm 2013 là 6,6% GDP, năm 2014 là 5,64% GDP, và năm 2015 là 6,11% GDP.
Đánh giá khái quát về tình hình thực hiện NSNN giai đoạn 2011-2015, Ủy ban cho rằng nợ công ngày càng tăng nhanh và đang tiệm cận đến mức trần cho phép. Trong đó, nợ Chính phủ đã vượt trần (cuối năm 2015 là 50,3% GDP).
NSNN còn nợ nhiều khoản chi, nhất là nợ chi cho chính sách an sinh xã hội. Tỷ trọng chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư phát triển giảm mạnh. Kỷ luật, kỷ cương tài khóa và các nguyên tắc cân đối, quản lý tài chính - ngân sách chưa được chấp hành nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về những giải pháp đến cuối năm 2016, Ủy ban nhấn mạnh một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và thận trọng. Tăng cường kỷ luật tài chính, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai, có biện pháp huy động các nguồn thu đầy đủ, kịp thời để bù đắp đà suy giảm tỷ lệ huy động vào NSNN từ GDP, bảo đảm nguồn lực để cân đối NSNN.
Thứ ba, tăng cường quản lý các dự án đầu tư phát triển từ nguồn PPP, BOT và dự án sử dụng vốn vay ODA, tránh những hệ lụy về mặt kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến đời sống dân cư và cân đối NSNN trong trung và dài hạn.
|
Tư Hoàng
|
No comments:
Post a Comment