VASEP khẳng định an toàn
Trao đổi với TBKTSG hôm 1-6 liên quan đến việc Cơ quan thẩm quyền các nước Liên minh châu Âu (EU) gửi văn bản cảnh báo số 16-814 tới các nước thành viên và cả Việt Nam về việc cá chết bất thường ở khu vực miền Trung và đề nghị kiểm soát chặt chẽ các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đã từ chối bình luận và cho rằng đơn vị này cần phải khảo sát thật kỹ, tập hợp ý kiến của doanh nghiệp đầy đủ rồi mới có ý kiến chính thức. “Lần này chúng tôi sẽ làm dứt điểm vấn đề này”, ông nói.
Trong thông cáo báo chí phát đi vào chiều ngày 2-6, VASEP khẳng định cá chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và thủy sản biển xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường, trong đó có EU vẫn đảm bảo an toàn.
Cơ sở để VASEP đưa ra khẳng định như trên là thời gian qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chỉ đạo khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm và khẳng định những khu vực khai thác xa bờ (vùng biển xa bờ ngoài 20-30 hải lý) thuộc bốn tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) có hiện tượng cá chết đều an toàn.
Trong khi đó, các ngư trường khai thác nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu chính của Việt Nam tập trung ở các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào Nam Trung bộ (Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Thuận...); các tỉnh Nam bộ (Kiên Giang, Cà Mau...) được khai thác bằng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ và đây cũng là nguồn nguyên liệu cung cấp cho hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với các mặt hàng chính như cá ngừ, cua, ghẹ, surimi, cá khô và cá biển khác, cho nên đảm bảo an toàn.
Mặt khác, theo thông cáo báo chí của VASEP, các cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm tại các địa phương (Chi cục An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản) cũng đã tăng cường giám sát hoạt động khai thác, tổ chức lấy mẫu sản phẩm thủy sản biển cập cảng để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế.
Song song đó, VASEP cho biết Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) cũng đã yêu cầu các cơ sở chế biến xuất khẩu thủy sản tuyệt đối không thu mua cá chết để chế biến xuất khẩu, chủ động lấy mẫu giám sát tăng cường các chỉ tiêu ô nhiễm (thủy ngân, chì, cadimi, arsen) trong các lô thủy sản nguyên liệu.
“Do vậy, vụ việc cá chết bất thường tại ven biển bốn tỉnh miền Trung không gây ảnh hưởng đến nguồn cung và mức độ an toàn cho nguyên liệu hải sản xuất khẩu. Và có thể khẳng định chất lượng các mặt hàng hải sản xuất khẩu không bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết ở ven biển bốn tỉnh miền Trung trong thời gian qua”, thông cáo báo chí của VASEP tái khẳng định.
Có thuyết phục được EU?
VASEP khẳng định sản phẩm thủy sản biển xuất khẩu của Việt Nam vẫn an toàn, nhưng lý lẽ được cơ quan này đưa ra liệu đã đủ sức thuyết phục để EU tin tưởng và dỡ bỏ cảnh báo tăng cường kiểm soát các lô hàng thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam hay không?
Nếu câu trả lời rằng EU “có tin” hoặc “không tin”, rõ ràng tất cả đều mang tính chủ quan của người viết, bởi thực tế chưa có sự lên tiếng chính thức nào từ cơ quan thẩm quyền của EU về khẳng định ở trên của VASEP.
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Tiền Giang), đặt vấn đề vụ việc cá chết đến nay đã lâu, chúng ta mời tiến sĩ, giáo sư nước này, nước kia vào khảo sát đánh giá nhưng cuối cùng không công bố mà còn chờ phản biện. “Việc chậm công bố nguyên nhân cá chết, khiến người mua hàng không biết căn nguyên gì lại càng nghi ngờ. Do tảo hay do nguồn nước thải... thì phải công bố và đưa ra biện pháp khắc phục lúc đó bên ngoài người ta mới yên tâm chứ”, ông Đạo cho biết.
Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) thuộc Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết đến nay, Hội Nghề cá Việt Nam đã ba lần kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trường và các đơn vị có liên quan phải công bố nguyên nhân cá chết, trong đó, có hai lần kiến nghị bằng văn bản và một lần kiến nghị trực tiếp.
Theo tìm hiểu của TBKTSG, quy trình xử lý sự cố một lô hàng bị cảnh bảo nhiễm hóa chất là rất nhiêu khê. Chẳng hạn lô hàng thủy của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo nhiễm hóa chất hoặc kháng sinh, thì cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu sẽ ra văn bản cảnh báo gửi đến cơ quan thẩm quyền phía Việt Nam. Sau đó, cơ quan thẩm quyền Việt Nam sẽ yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu (bằng văn bản) có lô hàng bị cảnh báo điều tra nguyên nhân, biện pháp khắc phục và thông qua cơ quan thẩm quyền Việt Nam sẽ giải trình (bằng văn bản) với cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu.
Chẳng hạn, trường hợp Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam sau khi có lô hàng cá tra xuất khẩu bị cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo do có chứa phụ gia Sodium Erythorbate (E316) không được phép sử dụng trong lô hàng này. Lập tức, Nafiqad nhận được văn bản cảnh báo từ cơ quan thẩm quyền của EU và đồng thời ra Văn bản số 999/QLCL-CL1 gửi Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam yêu cầu đơn vị này thẩm tra hoạt động, điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục.
Ngay sau nhận được văn bản từ Nafiqad, Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thẩm tra hoạt động, điều tra nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Cuối cùng, thông qua Nafiqad đã gửi kết quả này cho cơ quan thẩm quyền của EU xem xét giải quyết tiếp.
Như vậy, trong trường hợp EU cảnh báo các nước thành viên tăng cường kiểm soát thủy sản biển nhập khẩu từ Việt Nam, rõ ràng để giải tỏa được mối nghi ngại của EU, thậm chí có thể là những thị trường khác (nếu nguyên nhân tiếp tục chưa được làm sáng tỏ), thì việc điều tra, công bố nguyên nhân và nhanh chóng đưa ra biện pháp khắc phục từ phía Việt Nam là rất cần thiết để thủy sản biển xuất khẩu vào EU và những thị trường khác được thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, có một thực tế ở thời điểm hiện tại, là doanh nghiệp kinh doanh thủy sản biển đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm, nhất là gánh nặng chi phí tăng do phải kiểm nghiệm sản phẩm nghiêm ngặt hơn trước khi xuất khẩu để tránh bị cảnh báo và bị đưa vào danh sách cấm xuất khẩu vào EU.
Ông Đỗ Anh Dũng, Giám đốc Công ty Thủy sản Đại Dương (Bình Định)- đơn vị chuyên cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu và thị trường nội địa, nói: “Nguyên nhân cá chết thế nào cũng không công bố, cho nên người tiêu dùng bây giờ cứ mang tâm lý e dè, chờ đợi. Trong khi đó, doanh nghiệp mua nguyên liệu xuất khẩu thì kiểm tra nhiều hơn nên tiêu thụ rất khó khăn.”
Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản biển tại Khánh Hòa (không muốn nêu tên), cho rằng do phải tăng cường kiểm soát từ nguyên liệu đầu vào cho tới đầu ra thành phẩm nên chỉ riêng chi phí phục vụ kiểm nghiệm đã tăng thêm ít nhất 20% so với trước đó. “Chi phí kiểm tra tăng, đồng nghĩa giá thành sản phẩm xuất khẩu cũng tăng theo, cho nên sản phẩm của chúng tôi rất khó cạnh tranh so với sản phẩm các nước”, ông cho biết.
Trung Chánh
|
Thursday, June 9, 2016
Càng chậm sẽ càng thiệt?
Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 09/06/2016, http://www.thesaigontimes.vn/147446/Cang-cham-se-cang-thiet.html, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây khẳng định thủy sản biển xuất khẩu của Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn. Thế nhưng, chừng nào nguyên nhân cá chết bất thường ở miền Trung chưa được công bố thì chừng đó EU vẫn còn e dè, vẫn còn cảnh báo tăng cường kiểm soát thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment