Diệp Văn Sơn Chuyên viên cao cấp, nguyên Phó vụ trưởng Bộ Nội vụ,
Chủ tịch Chi hội Chi hội quản lý hành chính,
Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP. HCM HASCON
Báo người Lao Động ngày 04/02/2016, http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/can-nhung-tu-lenh-quyet-doan-20160204231312135.htm, Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cách chức còn xa lạ, phức tạp là do chúng ta đang vận hành một nền công vụ… khó quy trách nhiệm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng vừa ký văn bản chỉ đạo cách chức tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội do mắc sai phạm trong mua toa tàu cũ của Trung Quốc. Quyết định của ông Thăng được cho là dũng cảm bởi trong cơ chế hiện nay, không phải “tư lệnh” ngành nào cũng làm được như vậy.
Khó cách chức được ai!
Cần biết là tại khoản 9, điều 34 Luật Tổ chức Chính phủ cho phép bộ trưởng có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu tổ chức, đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, để đưa ra quyết định cách chức, ngay Bộ trưởng Thăng cũng từng thừa nhận đây là việc không dễ dàng gì: “Muốn cách chức một cán bộ làm bừa làm ẩu cũng không cách chức được. Bảo cách chức ngay thì vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ bảo là sai, phải kiểm điểm từ dưới lên rồi bộ thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét xử lý kỷ luật; được hay không thì bộ trưởng mới ký quyết định”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một lần đi kiểm tra dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 Ảnh: THẾ DŨNG
Cái “quy trình” này xem ra không còn phù hợp với tình hình điều hành nền kinh tế hội nhập hiện nay. Điều hành bây giờ cần có sự ứng phó nhanh, đúng lúc và quyết đoán trước những vấn đề phát sinh trong thực tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc cách chức còn xa lạ, phức tạp là do chúng ta đang vận hành một nền công vụ… khó quy trách nhiệm. Bộ máy hành chính nói riêng và cơ quan nhà nước nói chung hiện nay còn hạn chế vì có sự chồng chéo, đối lập về thẩm quyền, mối quan hệ phức tạp, ngang dọc, chưa có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan với nhau… Tất cả những yếu tố trên gây nhiều khó khăn trong việc xác định trách nhiệm thuộc về ai, do đó trong cách chức cũng rất phức tạp.
Thực tế hiện nay, cơ quan sử dụng công chức hầu như không toàn quyền xử lý sai phạm công chức. Đối với những sai phạm của công chức ở vị trí lãnh đạo, hình như cơ quan quyền lực thật sự ở đâu đó mới có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt là khi xử lý hình thức cách chức, buộc thôi việc… Điều này làm cho kỷ cương trong nền hành chính không nghiêm.
Với một bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều trung tâm quyền lực, trách nhiệm không rõ ràng, chồng chéo ngang dọc, lẫn lộn trách nhệm cá nhân với tập thể, cách sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn mù mờ, thiếu minh bạch, nạn chạy chức, chạy ô dù, chạy tội còn lộng hành, chưa thiết lập kỷ cương, tình trạng nể nang thủ thế… thì cũng khó cách chức được ai!
Trách nhiệm… lơ lửng!
Nền công vụ hiện nay ở nước ta với chế độ làm việc theo kiểu “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” bộc lộ nhiều kẽ hở. Ở đó, mối quan hệ giữa trách nhiệm cá nhân và tập thể không phải bao giờ cũng được xử lý một cách hài hòa.
Từ sâu xa trong quá khứ, một thời ta đề cao chủ nghĩa tập thể một cách thái quá. Nó có thể đúng trong một giai đoạn lịch sử nhưng nay không còn thích hợp. Hệ lụy của nó là triệt tiêu cá nhân, làm thui chột suy nghĩ, sáng kiến, bản sắc của từng cá thể.
Phải thấy rằng những vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước không phải là một đặc quyền. Đó là một vị trí đầy thách thức dành cho những cá nhân có hoài bão, có khát vọng và có tính cách mạnh mẽ: dám hành động, dám chịu trách nhiệm. Lợi ích của họ gắn với chất lượng dịch vụ công mà họ cung ứng cho xã hội. Đó là điểm cốt lõi của một xã hội dân chủ. Tiếc là dù Nghị định 157/2007/NĐ-CP quy định trách nhiệm người đứng đầu đã được ban hành nhưng nhiều người đứng đầu vẫn chưa hình thành thói quen nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm.
Phải có thời gian để điều chỉnh lại từ cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, đào tạo, bố trí đúng người, đúng việc, thiết lập chế độ trách nhiệm người đứng đầu. Để khắc phục “não trạng” này, cần phân định trách nhiệm giữa cá nhân, tập thể và giữa các cơ quan để việc xác định trách nhiệm được thực hiện công minh, rõ ràng hơn.
Chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Vì vậy, để xây dựng một nền công vụ trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, cũng đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải biết mình làm gì, làm như thế nào, quyền hạn tới đâu, chịu sự kiểm tra, giám sát của ai, được hưởng quyền lợi gì và bị xử lý như thế nào nếu không hoàn thành nhiệm vụ…
Dám chịu trách nhiệm
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, cho rằng việc Công ty Đường sắt Hà Nội đề xuất nhập 160 toa xe cũ về để kinh doanh vận tải là hoàn toàn không hợp lý, không hiệu quả, sẽ gây thiệt hại rất lớn. “Tôi không bất ngờ với quyết định yêu cầu cách chức tổng giám đốc Công ty Đường sắt Hà Nội của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Nó là lời cảnh báo cho cán bộ, cần phải thực hiện đúng chủ trương của nhà nước” - ông Thủy nói.
Với cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Thủy cho rằng với vai trò “tư lệnh” ngành giao thông vận tải, đã thể hiện sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, thể hiện được năng lực cũng như uy lực quản lý nhà nước. “Bộ trưởng Thăng là điểm sáng. Tôi mong muốn các bộ trưởng cũng nên tiếp tục phát huy phẩm chất đó của mình. Cần có những “tư lệnh” ngành quyết đoán như thế!” - ông Thủy chia sẻ.
Diệp Văn Sơn
No comments:
Post a Comment