Monday, September 21, 2015

Tháo gỡ thiết bị Mistral, rũ bỏ ảo tưởng “bè bạn” Nga-NATO

Báo Đất Việt, ngày 21/09/2015,         http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/thao-go-thiet-bi-mistral-ru-bo-ao-tuong-be-ban-nga-nato-3286273/,        Việc Nga phải tháo dỡ thiết bị trên Mistral để trả lại tàu cho Pháp cho thấy, giữa Nga và phương Tây sẽ không bao giờ có khái niệm “bè bạn”.


Nga bắt đầu tháo dỡ thiết bị trên các tàu Mistral
Theo tin của truyền thông Nga, các chuyên viên đóng tàu và chuyên gia kỹ thuật hệ thống của Nga đã sang Pháp vào ngày 20-9 để tháo dỡ các hệ thống thiết bị mà nước này lắp đặt trên 2 tàu sân bay trực thăng Vladivostok và Sevastopol, thuộc lớp Mistral mà Paris cương quyết không bàn giao cho Moscow.
Hãng thông tấn Nga TASS ngày 20-9 đưa tin: “Hôm nay, nhóm các chuyên gia Nga sẽ đi Pháp. Vào ngày 21-9, họ sẽ có buổi làm việc với các đồng nghiệp Pháp và sau đó lên kế hoạch tháo dỡ thiết bị. Tại thời điểm này, mọi việc đang diễn ra theo đúng lịch trình.”
Trước đó, đã có thông tin cho rằng, các chuyên gia Nga sẽ không trực tiếp mổ xẻ 2 con tàu Mistral để gỡ bỏ những hệ thống thiết bị của mình, mà các thiết bị này sẽ được phía Pháp tháo dỡ, dưới sự giám sát của nhóm chuyên viên đến từ Moscow.
Theo truyền thông Nga, ngay từ cuối tháng 7 nước này đã chuẩn bị một đội ngũ kỹ thuật, bao gồm cả những chuyên gia đóng tàu và chuyên viên các hệ thống thiết bị đã từng tham gia chương trình đóng tàu để sang Pháp, tháo dỡ các hệ thống thiết bị trên tàu Mistral mang về nước.
Nguồn tin trong tổ hợp quân sự-công nghiệp của Liên bang Nga cho biết rằng, nhóm này sẽ sang Pháp để tháo dỡ các hệ thống kiểm soát và trang bị thông tin liên lạc, hệ thống chống đóng băng và một số thiết bị khác do Nga lắp đặt trên 2 tàu Vladivostok và Sevastopol.
Thao go thiet bi Mistral, ru bo ao tuong “be ban” Nga-NATO
2 tàu sân bay trực thăng Vladivostok và Sevastopol của Nga “bơ vơ” tại cảng Saint-Nazaire
Nguồn tin cũng nói rằng đây là các thiết bị đa năng và có thể được sử dụng trên các tàu khác của Hải quân Nga. Đặc biệt là các hệ thống cáp quang dùng trong thông tin liên lạc và điều khiển Mistral đều được thiết kế bởi công ty "Control" thuộc "Tập đoàn thiết bị Thống Nhất”.
Ngoài ra, Nga còn một số thiết bị khác trên Mistral, bao gồm hệ thống kiểm soát phóng tên lửa, các tổ hợp pháo và module điều khiển hạ cánh trực thăng hạm Ka-52K.
Được biết, các chiến hạm Mistral được Nga và Pháp triển khai đóng theo công nghệ đóng tàu modul và đấu ráp tổng thành. Khối lượng công việc được chia ra với tỉ lệ 60% do nhà thầu Pháp thực hiện, 40% còn lại do các công ty đóng tàu Nga đảm nhận.
Việc đóng đuôi tàu sẽ do nhà máy Baltic ở St. Petersburg, thuộc Tập đoàn đóng tàu Thống Nhất Nga (USC) tiến hành khởi đóng vào tháng 10-2012, còn modul đầu tàu do nhà máy STX Pháp, có trụ sở tại cảng Saint-Nazaire đảm nhận, bắt đầu triển khai ngày 1-2-2012.
Sau khi nhà máy Baltic đóng xong phần đuôi, nó được kéo sang Pháp để đấu ráp tổng thể thân tàu ở nhà máy STX. Sau đó, con tàu Mistral được lai dắt sang Nga để lắp đặt các thiết bị của Nga, xong phần việc này, con tàu lại được đưa về Pháp để hoàn tất nốt các công đoạn khác, trước khi bàn giao.
Thao go thiet bi Mistral, ru bo ao tuong “be ban” Nga-NATO
Khi ký hợp đồng mua sắm Mistral vào năm 2011, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng thống Nga Dimitri Medvedev nuôi hy vọng về “mối lương duyên” Nga-NATO
Chấm dứt ảo tưởng về “mối lương duyên” Nga-NATO
Được biết, hợp đồng mua sắm 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral được Nga và Pháp ký kết hợp đồng vào tháng 6 năm 2011, với tổng trị giá 1,2 tỷ euro (lúc đó tương đương 1,66 tỷ USD). Nga chịu trách nhiệm ứng trước cho nhà máy đóng tàu Pháp số tiền là 892,2 triệu euro USD.
Theo quy định trong hợp đồng, hải quân Nga sẽ tiếp nhận chiếc đầu tiên là Vladivostok vào ngày 14-11-2014, chiếc thứ 2 là Sevastopol sẽ được Pháp bàn giao nốt cho Nga trong năm 2015. Sau đó, 2 bên mới làm thủ tục hoàn tất giá trị hợp đồng.
Tuy nhiên, những biến động của cuộc khủng hoảng chính trị ở Kiev với việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình, cùng với việc nội chiến bùng phát ở khu vực Donbasss, đông nam Ukraine đã khiến Moscow bị Mỹ và EU trừng phạt, cắt đứt quan hệ hợp tác quân sự.
Pháp cũng tuyên bố không bàn giao 2 tàu sân bay Mistral cho Nga để ủng hộ lệnh trừng phạt của Mỹ và EU. Do đó, sau khi tàu Vladivostok không được bàn giao đúng hạn, Moscow đã nhiều lần đề nghị Paris tôn trọng hợp đồng nhưng Pháp vẫn cương quyết không bàn giao tàu cho Nga.
Theo nguồn tin từ chính phủ Nga, Paris đã chuyển giao hơn 1 tỷ euro (1,12 tỷ USD) cho Moscow, tiền bồi thường đơn phương phá vỡ hợp đồng bàn giao 2 chiếc tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga. Trong đó, chỉ riêng chiếc đầu tiên Pháp đã phải trả 893 triệu euro.
Số tiền này bao gồm tiền tạm ứng, tiền phạt phá vỡ hợp đồng, đền bù chi phí Nga phát triển trang bị cho Mistral (4 nguyên mẫu Ka-52K), chi phí đào tạo thủy thủ đoàn (400 người)… Sau khi Nga tháo dỡ các thiết bị của mình, 2 con tàu này sẽ chính thức thuộc về Pháp.
Hiện Pháp cũng đã xúc tiến việc tìm kiếm khách hàng sau khi hải quân Pháp từ chối nhận thêm 2 con tàu này. Một bảng danh sách khách hàng dài dằng dặc được truyền thông Pháp đề cập, bao gồm Brazil, Ấn Độ, UAE, Singapore, Malaysia…, tuy nhiên cho đến nay mọi việc vẫn dừng lại ở mức “tin đồn”.
Xét theo bối cảnh lúc ký kết hợp đồng năm 2011, thỏa thuận giữa 2 nước về việc mua sắm 2 tàu sân bay Mistral là nó thể hiện dấu hiệu của việc bình thường hóa quan hệ Nga-Pháp và Nga-NATO, sau những căng thẳng từ “Cuộc chiến tranh 5 ngày” với Gruzia năm 2008.
Thương vụ Mistral bị hủy bỏ đồng nghĩa với việc chấm dứt ảo tưởng về mối quan hệ hợp tác bình đẳng Nga-NATO
Lúc đó, hợp đồng bán cho Nga hai chiếc tàu đổ bộ tấn công thế hệ mới thuộc lớp Mistral đã là niềm tự hào của nước Pháp, bởi họ là nước NATO đầu tiên xây dựng được mối quan hệ thân thiện với Nga và dấy lên hy vọng khởi động một cấu trúc an ninh châu Âu mới.
Còn Moscow qua hợp đồng này cũng muốn bày tỏ sự cảm ơn đối với Paris vì đã giúp đỡ mình vượt qua sự cô lập của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến tại Gruzia năm 2008, bằng bản hợp đồng mua vũ khí lớn đầu tiên của phương Tây từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Nếu thương vụ Mistral được thực hiện, nó sẽ là thỏa thuận mua vũ khí nước ngoài đầu tiên của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh và Paris cũng sẽ là thành viên NATO đầu tiên cung cấp vũ khí cho Moscow, là bước đi quan trọng hàn gắn mối quan hệ giữa Nga với khối này.
Giờ đây, sự đổ vỡ của thương vụ Mistral có thể trở thành dấu chấm hết cho quan hệ tốt đẹp mà Nga và Pháp đã dày công xây dựng, đồng thời nó cũng khiến những ảo tưởng về một mối quan hệ hợp tác bình đẳng, thân thiết giữa Moscow với phương Tây sụp đổ hoàn toàn.
  • Thiên Nam

No comments:

Post a Comment