Chỉ tiêu GDP chỉ tính đến các đơn vị thường trú trên lãnh thổ VN nhưng quên rằng cái mà một quốc gia thực sự được hưởng là tổng thu nhập quốc gia (GNI) và thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) chứ không phải chỉ tiêu “phù phiếm” như GDP.
Theo ông Bùi Trinh, trong niên giám của Tổng cục Thống kê hiện nay không chỉ công bố số liệu về GDP mà còn công bố cả về GNI, nhưng đáng tiếc là hầu như không có hoặc rất ít người sử dụng số liệu này trong các nghiên cứu hoặc báo cáo. Chỉ tiêu này phản ánh đúng và thực chất hơn cả giá trị mà đất nước được hưởng.
Hiện nay, các đánh giá tình hình kinh tế thường được gắn chặt với chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP). GDP ở VN không chỉ được tính toán mà còn được nhìn nhận về ý niệm từ phía cung, tức là cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế nhập khẩu (NK) theo nguyên tắc thường trú.
Ông Nguyễn Việt Phong – Bảo hiểm tiền gửi VN cho rằng : Chỉ tiêu GDP hiện nay chưa thực chất. Cụ thể, hiện các đánh giá tình hình kinh tế – xã hội của VN thường gắn chặt với chỉ tiêu tăng GDP. Trong khi đó, GDP lại được cộng tất cả phần giá trị gia tăng của các ngành trong nền kinh tế và thuế NK. Như vậy có nghĩa một DN FDI hoạt động trên lãnh thổ VN trong 1 năm thì toàn bộ giá trị tăng thêm của họ trong năm đó sẽ được tính vào GDP của VN. Trong khi đó, nếu DN đó ngay cả khi khai thác tài nguyên của VN thì họ cũng sẽ chuyển lợi nhuận về nước nhưng khoản lợi nhuận đó thực tế đã được tính vào GDP của VN. Nên GDP không phản ánh đầy đủ bức tranh nền kinh tế.
TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng trong 4 “động cơ” tăng trưởng thì 3 “động cơ nội” gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp đang “trục trặc”. Chỉ có một “động cơ ngoại” – khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là đang “chạy tốt”. Điều này có thể có lợi cho chỉ tiêu ít ý nghĩa là tăng trưởng GDP, nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của GNI ngày càng thấp hơn tăng trưởng GDP và góp phần làm mức độ “để dành” trong nước ngày càng giảm, và nếu loại trừ kiều hối thì tỉ lệ này chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% GDP.
Nếu xét về GNI theo giá thực tế năm 2012 so với năm 2000 chỉ tăng 6 lần và nếu lấy chỉ số giảm phát GDP để loại trừ yếu tố giá của tổng thu nhập quốc gia, thì GNI chỉ tăng 2,15 lần. Nếu xét theo 2 giai đoạn 2000 – 2006 và 2007 – 2012 thì GDP và GNI tăng bình quân tương ứng theo hai giai đoạn là 7,5 – 7,4% và 5,9 – 5,3%. Điều này cho thấy độ doãng giữa tốc độ tăng trưởng GDP và GNI ngày càng lớn. Nếu năm 2000, tỉ lệ giữa GNI và GDP là 99% thì đến năm 2011 tỉ lệ này chỉ còn 94%, tức là luồng tiền ra ngày càng lớn và GNI ngày càng nhỏ so với GDP.
Tình hình như từ năm 2011, đến nay, khi các “động cơ nội” của nền kinh tế suy trầm, chỉ có “động cơ ngoại” chạy tốt tuy có làm cho chỉ tiêu “phù phiếm” GDP được hưởng lợi trong tăng trưởng, nhưng nguồn lực của quốc gia sẽ ngày càng suy kiệt. Phải chăng đây là hậu quả của việc kêu gọi đầu tư FDI một cách quá thoải mái và không có định hướng? Ngoài ra, cũng do quá chú trọng đến chỉ tiêu GDP mà quên mất rằng cái VN được hưởng sau cùng là GNI.
Hương Giang
No comments:
Post a Comment