Tuesday, September 1, 2015

Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn?

Báo Thanh Niên, ngày 31/08/2015,        http://www.thanhnien.com.vn/the-gioi/ong-tap-can-binh-dang-lam-gi-khi-kinh-te-trung-quoc-bat-on-603219.html,        Trong khi kinh tế đang có dấu hiệu chững lại, thị trường chứng khoán biến động và nạn tẩu tán tài sản ra nước ngoài vẫn diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các quan chức chính phủ khác lại kín tiếng một cách khó hiểu, theo bình luận của tờ The Wall Street Journal (Mỹ).

Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn? - ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: AFP
Trong bài xã luận đăng ngày 29.8, The Wall Street Journal cho biết trong khi người dân phương Tây thường quen với việc lãnh đạo đất nước lên truyền hình để trấn an hoặc động viên dư luận khi có phát sinh khủng hoảng, việc giới lãnh đạo Trung Quốc “im hơi lặng tiếng” trong giai đoạn hiện tại là điều khó lý giải.
Tuy nhiên, những ai đinh ninh tình hình bất ổn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ khiến ông Tập mất tập trung đối với các mục tiêu lớn hơn đều là những người không nhận ra các ưu tiên của chủ tịch Trung Quốc, tờ báo Mỹ cho hay.
“Sự thật là hơn bao giờ hết, chính chính trị chứ không phải kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình”, The Wall Street Journal nhận định.
“Để giữ vững quyền lực, diệt trừ tham nhũng là mục tiêu hàng đầu đối với chủ tịch Trung Quốc, thậm chí trước cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ông Tập tin rằng chỉ có cách này mới có thể biến “Hoa Mộng” (giấc mơ Trung Hoa) thành hiện thực. Đây là lời cam kết sẽ biến Trung Quốc thành một đất nước vừa giàu có, vừa hùng mạnh do chủ tịch Trung Quốc khởi xướng, vốn đang bắt đầu mờ nhạt dần”, theo tờ báo Mỹ.
Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” của ông Tập cho tới nay đã khiến hàng chục quan chức cấp bộ mất chức và ảnh hưởng hàng ngàn quan chức cấp thấp hơn, The Wall Street Journal thống kê. “Con hổ” lớn nhất sa lưới của Chủ tịch Trung Quốc chính là Chu Vĩnh Khang, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Và thay vì ngừng lại sau khi ông Chu bị bắt, chiến dịch bài tham nhũng vẫn tiếp tục tăng tốc, cho thấy quy mô cuộc đợt thanh trừng sẽ còn tiếp tục mở rộng, tờ báo Mỹ phân tích.
Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn? - ảnh 2Sau con "hổ lớn" Chu Vĩnh Khang, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc vẫn chưa dừng lại - Ảnh: Reuters
“Tiếp tục trấn áp quan chức tham nhũng sẽ đưa đến những kết quả tích cực về mặt kinh tế trong dài hạn. Vì hiện đang có các thành viên quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, những người hưởng lợi từ các tập đoàn độc quyền nhà nước, ra sức ngăn cản công cuộc cải tổ kinh tế của ông Tập, nhằm nâng cao vai trò của các thành phần khác trong thị trường”, The Wall Street Journal bình luận.
“Nhưng trong ngắn hạn, cuộc chiến này đang khiến tình trạng suy thoái kinh tế thêm trầm trọng. Toàn bộ bộ máy hành chính đang sợ cứng người. Quan chức địa phương miễn cưỡng đưa ra các quyết sách vì sợ nếu có sơ suất, họ sẽ bị ‘soi’. Tinh thần của viên chức thuộc khối dịch vụ công đang xuống rất thấp. Những người có khả năng về mảng tổ chức hành chính đang chạy sang đầu quân cho các công ty, tổ chức tư nhân và tỉ lệ tuyển được viên chức hành chính đang giảm mạnh”, theo tờ báo Mỹ.     
Thế nhưng ít có khả năng điều này khiến ông Tập ngừng chiến dịch chống tham nhũng. Ông được bầu làm người đứng đầu Trung Quốc không chỉ vì thành tích quản lý kinh tế ấn tượng tại các tỉnh thành, mà còn vì với tư cách là một thành viên thuộc gia đình có truyền thống cách mạng lâu năm, ông được cho là người có đủ dũng khí để cứu đảng Cộng sản Trung Quốc khỏi “những bệnh dịch” bằng mọi giá, The Wall Street Journal cho biết.
Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn? - ảnh 3Trong ngắn hạn, cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đang khiến tình trạng suy thoái kinh tế thêm trầm trọng - Ảnh: Reuters
Ảnh hưởng của vụ cháy nổ Thiên Tân
The Wall Street Journal cho biết vụ cháy nổ kho hóa chất tại Thiên Tân vào ngày 12.8 khiến khoảng 150 người thiệt mạng, là có động cơ chính trị.
Thiên Tân, thành phố cảng nằm cách thủ đô Bắc Kinh chưa đầy 30 phút di chuyển bằng tàu cao tốc, là mô hình cho chính sách phát triển đô thị trong tương lai của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập đang trông chờ vào sự tăng trưởng của các thành phố để tạo ra sức tiêu thụ mới cho nền kinh tế, vốn đang hứng chịu nạn quá tải về mặt công nghiệp và ngập trong nợ công.
Một trong các dự án điển hình của ông Tập là đề xuất sáp nhập Thiên Tân với Bắc Kinh và nhiều vùng quanh tỉnh Hà Bắc, đông bắc Trung Quốc, để tạo ra một siêu đô thị với dân số lên đến 130 triệu người, đông hơn cả dân số của toàn Nhật Bản và chỉ ít hơn một chút so với Nga.
Ông Tập Cận Bình đang làm gì khi kinh tế Trung Quốc bất ổn? - ảnh 4Vụ nổ kinh hoàng giữa tháng 8 đã làm bộc lộ những mặt tồi tệ của Thiên Tân - Ảnh: Reuters
Thế nhưng vụ cháy nổ đã làm bộc lộ những mặt tồi tệ tại Thiên Tân, cũng là thực trạng tại nhiều thành phố khác, chẳng hạn việc các chung cư dân sinh tọa lạc sát các khu vực lưu trữ hóa chất độc hại. Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà chức trách đã bắt giữ 12 quan chức Thiên Tân vì tội xao nhãng nhiệm vụ.
“Không có gì quan trọng đối với ông Tập bằng việc diệt trừ những thứ thối rữa kể trên, vốn đang đe dọa sự sống còn của đảng cầm quyền. Nếu điều này dẫn đến tình trạng bất ổn trong một thời gian nhất định, thì cũng phải chấp nhận. Ông Tập thậm chí có lẽ còn hoan nghênh điều này nếu nó cho phép ông có được một đảng cầm quyền đóng vai trò như cứu tinh duy nhất giải quyết các tệ nạn trong nước”, The Wall Street Journal kết luận.
Hoàng Uy

No comments:

Post a Comment